5.000 tỉ cho vay để chặn tín dụng đen Để đẩy lùi tín dụng đen, cơ quan công an đề nghị ngành ngân hàng cần đơn giản thủ tục, hồ sơ vay vốn và cung cấp nhiều gói tín dụng phù hợp đối với người dân ở vùng nông thôn, các đối tượng có nhu cầu. Nhiều hoạt động cho vay nặng lãi đang tiếp cận người dân qua các tờ rơi dán khắp nơi - Ảnh: Q.ĐỊNH | Tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen đang bùng phát dữ dội. Tín dụng đen không chỉ có ở nông thôn, mà cả ở các khu công nghiệp, tại các TP lớn... Theo tính toán chưa đầy đủ, số vốn các tổ chức cho vay có tính chất xã hội đen đang cho vay khoảng 2.500 tỉ đồng. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến đưa ra gói tín dụng trên giao cho Agribank triển khai để phục vụ nhu cầu vay cấp bách của người dân, nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc của tín dụng. "Tuyên chiến" với tín dụng đen Cụ thể, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc NHNN - đề nghị Agribank sớm triển khai gói tín dụng cho vay tín chấp khoảng 5.000 tỉ đồng. "Nếu có người thân ốm đau phải đi viện cấp cứu mà 3-5 ngày sau mới vay được vốn thì không ổn. Do đó, cơ chế cho vay phải nhanh, có thể xét duyệt trong 1 ngày và mức cho vay tối đa khoảng 30 triệu đồng. Còn lãi suất cho vay cũng tính toán hợp lý", ông Tú nói. Ngoài ra, ông Tú cũng giao Ngân hàng Chính sách xã hội trình ngay NHNN để báo cáo Chính phủ cho bổ sung chương trình cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống của hộ cận nghèo, hộ nghèo. Có chương trình này thì chắc chắn hạn chế được tín dụng đen ở vùng quê, vùng sâu vùng xa. Chặn công ty tài chính tiếp tay xã hội đen Về các công ty cho vay tài chính tiêu dùng, có nhiều công ty cho vay với lãi suất về mặt luật pháp là không sai nhưng lên đến 50%/năm. Do vậy, theo ông Tú, tới đây NHNN sẽ rà soát để sửa đổi bổ sung các quy định. Đặc biệt là chế tài xử phạt nếu công ty tài chính tiêu dùng lợi dụng, tiếp tay cho xã hội đen cho vay nặng lãi. "Nếu kiểm tra có chuyện tiếp tay, thuê người đòi nợ... thì phải xử phạt hành chính thật nặng hoặc không thì rút giấy phép" - ông Tú khẳng định. Các hình thức vay cần cảnh giác Theo ông Phạm Văn Tám - phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an - các đối tượng cho vay nặng lãi cho vay rất nhanh gọn vì chúng có nhiều thủ đoạn đòi nợ mang tính chất xã hội đen. Nếu con nợ bỏ trốn chúng sẽ tìm đến người thân, bố mẹ, anh chị em ruột... để khủng bố. "Các đối tượng này thường núp bóng cầm đồ, kinh doanh đòi nợ thuê, các công ty tài chính cấp phép hoặc không được cấp phép, hoạt động dưới hình thức kinh doanh đa cấp; góp hội, họ, phường; cho vay trực tuyến..." - ông Tám nói. Đối tượng mà tín dụng đen nhắm tới đa số là hộ nghèo, sinh viên, viên chức, người kinh doanh nhỏ lẻ. Ông Tám cũng cho hay nhiều sới bạc công an bắt giữ đã phát hiện có hoạt động tín dụng đen ngay trên sới. Thời gian cho vay của loại hình tín dụng đen rất ngắn, lãi suất "cắt cổ" tính theo ngày, tuần khiến nhiều người chỉ vay vài chục triệu đồng nhưng vài tháng sau đã phải viết giấy nợ hàng trăm triệu. Theo NHNN, tín dụng đen được hiểu là các tổ chức, cá nhân có hoạt động cho vay không được cấp phép của NHNN với lãi suất rất cao so với quy định. Tín dụng đen tiếp cận người dân qua việc dán các tờ rơi ở cột điện, tường rào khu dân cư... và qua mô hình các công ty cho vay ngang hàng. Ông Nguyễn Văn Cư, giám đốc NHNN tỉnh Gia Lai, cho hay gần đây tín dụng đen bùng phát mạnh ở khu vực Tây Nguyên do diễn biến thời tiết bất thường dẫn đến mất mùa. | L.THANH - A.HỒNG TUỔI TRẺ
|