Thứ Hai, 26/11/2018 09:35

Xóa 'treo' bán đảo Thanh Đa

UBND TP.HCM đang tính toán tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khu đô thị mới trên bán đảo Thanh Đa. Đây là dự án quy mô lớn, từng bị 'treo' suốt 26 năm qua.

Bán đảo Thanh Đa đã trải qua 26 năm thăng trầm
Đồ họa: Đông Xuân

Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa trên bán đảo Thanh Đa, P.28 (Q.Bình Thạnh) được xem là 1 trong 3 dự án quy mô lớn nhất, được quy hoạch từ khá sớm của TP.HCM, cùng với khu nam Sài Gòn mà trọng điểm là Phú Mỹ Hưng (Q.7) và Thủ Thiêm (Q.2).

Bán đảo Thanh Đa còn được xem là “đất vàng” khi nằm liền kề khu vực trung tâm TP; khí hậu mát mẻ, rợp bóng cây xanh, nhà vườn với 3 mặt bao bọc bởi sông Sài Gòn; mặt còn lại giáp với P.27 (Q.Bình Thạnh).

Từ năm 1992, UBND TP.HCM đã tiến hành quy hoạch, nhưng đến nay nơi đây vẫn “ngủ yên”.

Người dân mòn mỏi

Theo UBND Q.Bình Thạnh, hiện trên bán đảo Thanh Đa có khoảng 2.000 căn nhà, 3.000 hộ dân với hơn 14.000 nhân khẩu. Người dân có nhà đất trên bán đảo Thanh Đa mòn mỏi trông chờ đến ngày được xóa quy hoạnh treo vì luôn phải đối mặt khổ cực trăm bề. Hầu hết nhà cửa của người dân không thể xây dựng mới. Hoạt động sang nhượng, tách thửa đều “đứng bánh”.

Từ tháng 10.2012, HĐND TP.HCM chính thức đưa vấn đề này ra kỳ họp chất vấn UBND TP và các sở ngành liên quan, nhưng rồi dự án vẫn “treo”. Một người dân ở Thanh Đa bày tỏ: “Mỗi lần chính quyền TP có động thái về Thanh Đa, bà con ai cũng mừng, mong sẽ làm thật, làm liền vì dự án đã “treo” hơn một thế hệ rồi”.

Ngày 11.7 vừa qua, trong buổi thảo luận về việc quản lý sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn TP tại kỳ họp HĐND TP.HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP.HCM, trăn trở: “Hơn 20 năm, dù nằm không xa trung tâm TP, nhưng ở đây giống một vùng đất hoang hóa; dân cư đông, nhưng cuộc sống không đạt yêu cầu; nhà cửa xuống cấp, ngập lụt. Đến nay đã quá sức chịu đựng của cử tri”.

Đưa ra đấu thầu trong năm nay

Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết khi chuyển hướng kêu gọi liên danh với doanh nghiệp nước ngoài, thực tế đã có đối tác vào hợp tác liên danh, tiềm năng kinh tế rất lớn và có kinh nghiệm. Tuy nhiên, đối tác nước ngoài đặt ra 3 câu hỏi: lúc nào giao đất, tổng mức bồi thường bao nhiêu, đơn giá sử dụng đất như thế nào? Do TP chưa trả lời được kịp thời nên họ không chờ nữa, rút khỏi liên danh. Đối tác nước ngoài có tiềm lực và rất muốn vào đầu tư ngay, nhưng cái họ cần là quỹ đất sạch bởi e ngại việc bị vướng giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, dự án Thanh Đa thì đất dở dang, đang tính toán phương án giải phóng mặt bằng cụ thể.

Theo ông Hoan, quan điểm của TP là tiếp tục triển khai dự án, sẽ đưa dự án ra đấu thầu chọn nhà đầu tư trong năm 2018. Ông Hoan cho biết hiện nay đã có khoảng 4 nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư ứng ra 3 tỉ USD để triển khai dự án này, và TP đang tập hợp để đưa ra chỉ tiêu đấu thầu.

Tại kỳ họp HĐND TP mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cam kết triển khai nhanh dự án ở Thanh Đa. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thành Phong cho biết sau khi Emaar Properties PJSC rút khỏi liên danh, TP xin chỉ định nhà đầu tư để làm nhanh, nhưng Thủ tướng yêu cầu rà lại cơ sở pháp lý, nếu không đủ cơ sở thì phải đấu thầu.

Ngày 23.11, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết Thường trực UBND TP vừa có cuộc họp về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án khu vực Thanh Đa, dự kiến trong 1 - 2 tuần tới sẽ có phương án cụ thể.

Phải có phương án khả thi

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, điều kiện tự nhiên của Thanh Đa rất thuận lợi cho việc xây dựng một khu đô thị tầm cỡ. TP đã có tầm nhìn đúng khi định hướng xây dựng Thanh Đa theo tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại. Tuy nhiên, các phương án triển khai trước đây chưa có tính khả thi cao.

“Để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện, đề bài đặt ra trong hồ sơ đấu thầu là vấn đề hết sức quan trọng. Nếu cần có thể thuê tư vấn đấu thầu quốc tế, để có thể dựa vào uy tín của họ trong việc xúc tiến kêu gọi đầu tư”, ông Châu nói.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cần cẩn trọng trong 3 việc khi tính toán đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thứ nhất, nhà đầu tư phải có năng lực, không thuộc diện đầu cơ, mua đi bán lại dự án. Thứ hai, nhà đầu tư phải có phương án triển khai khả thi. Thứ ba, TP cũng phải dự phòng kế hoạch giải quyết kịp thời nếu thực tế tái diễn tình trạng quy hoạch “treo”.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, trên cơ sở một quy hoạch định hướng thống nhất, nếu như một nhà đầu tư hoặc một liên danh có năng lực thực hiện được hết toàn bộ dự án thì quá lý tưởng. Trong tình huống không được lý tưởng như thế, có thể tính toán đầu tư theo từng phân kỳ, phân khu và có chính sách tốt tạo điều kiện cho nhà đầu tư thu hồi vốn. “Thanh Đa có địa thế đất rất đẹp với 4 bề bao quanh sông nước, nhưng nếu thiếu tính kết nối hạ tầng, giao thông thì khó phát huy hết giá trị. Nếu như tổ chức đấu thầu, không chỉ là đấu về giá đất, mà giá trị gói thầu cần tính thêm hạ tầng kết nối. Có thể xem xét cho nhà đầu tư ứng tiền làm đồng bộ luôn, không nên tách riêng phần hạ tầng kết nối ra khỏi dự án”, ông Sơn nói.

KTS Ngô Viết Nam Sơn lưu ý một trong những giải pháp góp phần mang lại hiệu quả bền vững cho dự án quy mô này, đó là tính toán phương án bồi thường, giải tỏa hợp lý. Tốt nhất là có kế hoạch chủ động bố trí tái định cư tại chỗ trong khu vực quy hoạch dự án, để người dân sở tại được thụ hưởng thành quả quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị mới.

Sẽ có thêm 5 cầu được xây mới

Theo quyết định của UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa về quy hoạch giao thông đối ngoại của khu đô thị mới, ngoài cầu Kinh hiện hữu (P.27) sẽ có thêm 5 cầu được xây mới, gồm: cầu Kinh 2 (P.27); cầu Bình Quới - Thủ Đức 1 kết nối đường D35 (P.28, Q.Bình Thạnh) với đường D1 (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức) và nối vào tuyến đường Vành đai phía đông (Vành đai 2); cầu Bình Quới - Thủ Đức 2 kết nối đường D6 (P.28, Q.Bình Thạnh) với đường số 23 (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) và nối vào đường Phạm Văn Đồng; cầu Bình Quới - Rạch Chiếc kết nối đường D5 (P.28, Q.Bình Thạnh) với P.An Phú (Q.2) và nối vào trục đường xa lộ Hà Nội; cầu Bình Quới - Q.2 kết nối đường D23 (P.28, Q.Bình Thạnh) với P.Thảo Điền (Q.2) và nối vào trục đường xa lộ Hà Nội.

Về giao thông đường sắt, TP quy hoạch kết nối khu đô thị mới với tuyến monorail (tàu điện 1 ray) số 2 đi từ QL50 (Q.8) - Nguyễn Văn Linh - Trần Não - Xuân Thủy (Q.2); định hướng kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 3a (chợ Bến Thành, Q.1 - Phạm Ngũ Lão - ngã sáu Cộng Hòa - Hùng Vương - Hồng Bàng - Kinh Dương Vương - depot Tân Kiên - ga Tân Kiên, H.Bình Chánh); định hướng kết nối với hệ thống đường sắt nội đô đi qua Q.1.

ĐÌNH PHÚ - NGỌC LÊ

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Novaland - Thương hiệu Việt phát triển bền vững (23/11/2018)

>   PCG sẽ góp vốn vào dự án tại Bình Định và Hà Tĩnh (23/11/2018)

>   Đón dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam, giao dịch bất động sản dự báo tiếp tục khởi sắc (23/11/2018)

>   Quảng Ninh sắp có thêm khu đô thị ngàn tỷ tại Hạ Long (23/11/2018)

>   Hà Nội chính thức thu hồi 16 dự án ôm đất 'vàng' bỏ hoang cả thập kỷ (23/11/2018)

>   Chỉ đạo Bộ Công an xử lý vụ một căn hộ bán cho nhiều người (22/11/2018)

>   Nhà giàu ngoại: Mua căn hộ hạng sang ở Việt Nam là cơ hội khó chối từ (22/11/2018)

>   DXG đã làm gì với 1,172 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán chứng khoán năm 2016? (22/11/2018)

>   Gói thầu hàng trăm tỷ tại Học viện Cán bộ TP.HCM có dấu hiệu sai phạm (20/11/2018)

>   Thanh tra Xây dựng Hà Nội vào cuộc kiểm tra dự án D'Capitale (20/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật