Việt Nam vẫn nhập siêu sản phẩm nhựa
Dù xuất khẩu sản phẩm nhựa liên tục gia tăng nhưng Việt Nam vẫn đang nhập siêu sản phẩm này.
Nhập khẩu sản phẩm nhựa vẫn nhiều hơn xuất khẩu.
Gia Khiêm
|
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, sau 9 tháng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ chất dẻo đạt 2,2 tỉ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là túi nhựa, nhựa gia dụng, đồ dùng trong văn phòng, trường học và vải bạt… Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu sản phẩm này tăng ở hầu hết các thị trường và có 4 thị trường đạt kim ngạch trên 100 triệu USD là Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Hà Lan. Trong đó Nhật Bản là thị trường chiếm tỷ trọng lớn với 22% đạt 484,8 triệu USD, tăng 17,49% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ hai là thị trường Mỹ, chiếm 15,7% tỷ trọng đạt 348,7 triệu USD, tăng 24,86% so với cùng kỳ, riêng tháng 9.2018 kim ngạch xuất sang thị trường này chỉ có 35,7 triệu USD, giảm 21,82% so với tháng 8.2018 nhưng tăng 18,87% so với tháng 9.2017. Kế đến là thị trường Hàn Quốc và Hà Lan đều có tốc độ tăng trưởng trên 18%, đạt tương ứng 119,5 triệu USD và 114,4 triệu USD…
Còn nếu xét về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thì hai thị trường Hồng Kông và Ấn Độ tăng mạnh nhập khẩu sản phẩm nhựa từ Việt Nam. Cụ thể, Hồng Kông tuy chỉ nhập 45,8 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ tăng gấp 2,5 lần (tức tăng 150,36%). Thị trường Ấn Độ có tốc độ tăng gấp 2,4 lần (tức tăng 139,55), đạt 31,3 triệu USD...
Thế nhưng Việt Nam vẫn là nước nhập siêu các sản phẩm trên. Cụ thể từ tháng 1 đến hết tháng 9, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt 4,3 tỉ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Các nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu nhóm này vào Việt Nam chủ yếu là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan đạt 1,14 tỉ USD tăng 19,7%...
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), việc Việt Nam ký kết được các Hiệp định Thương mại tự do đã mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng nhựa bao bì. Các đối tác đang chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng chi phí sản xuất rẻ; thuế xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu... được hưởng nhiều ưu đãi. Ví dụ tại thị trường truyền thống là EU, sản phẩm nhựa Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá từ 8-30% như các nước.
Tuy nhiên dù có sự phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng ngành nhựa Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ được biết đến như là một ngành kinh tế - kỹ thuật về gia công chất dẻo. Bên cạnh đó, ngành nhựa hiện nay mới chỉ chủ động được khoảng 20-25% nguyên liệu và hóa chất phụ gia đầu vào, còn lại phải nhập khẩu khiến hoạt động sản xuất bị phụ thuộc nhiều vào nước ngoài và doanh nghiệp khó tận dụng được ưu đãi thuế do quy định xuất xứ hàng hóa…
Mai Phương
Thanh Niên
|