Thứ Tư, 07/11/2018 10:16

TTF: “Nhất cử lưỡng tiện”

Không lâu nữa, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) sẽ phát hành gần 96.6 triệu cổ phần để sáp nhập CTCP Sứ Thiên Thanh. Dường như thương vụ sáp nhập xảy ra ngay giữa giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” không đơn thuần chỉ để phục vụ tham vọng thay đổi mô hình kinh doanh của ban lãnh đạo TTF.

* TTF trong “tâm bão” và nhân duyên với bầu Thắng

Nhắc lại một chút về vấn đề định giá của thương vụ sáp nhập, được thực hiện bằng phương pháp phát hành cổ phần hoán đổi theo tỷ lệ 8.21:1 (tức 8.21 cp TTF đổi 1 cp Sứ Thiên Thanh), không ít cổ đông có mặt tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường 2018 tỏ ra nghi ngại về tính hợp lý của mức định giá này cũng như hiệu quả kinh tế của cuộc sáp nhập.

Đương nhiên, những âu lo kể trên của cổ đông TTF hoàn toàn chính đáng. Nhưng liệu đấy có phải là toàn bộ ý nghĩa của thương vụ sáp nhập lần này - cộng hưởng kinh tế? Tại sao TTF lại sáp nhập Sứ Thiên Thanh, khi mà một phần không nhỏ giá trị của Sứ Thiên Thanh lại liên quan đến đất đai (khu đất 50,000 m2 tại Dĩ An, Thuận An, Bình  Dương), trong lúc đó TTF cho thấy bản thân lại đang ráo riết thanh lý các tài sản của mình trong cuộc tái cơ cấu?

“Đây là việc mà chúng ta phải làm nếu muốn TTF tiếp tục tồn tại” – ông Mai Hữu Tín – Tổng giám đốc TTF đã phát biểu như vậy trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường tổ chức vào ngày 25/10 vừa qua. Vậy tại sao việc sáp nhập hay không lại ảnh hưởng đến “sự sống còn” của TTF?

TTF đang “tồn tại” ra sao?

Điểm qua đôi chút về bức tranh tài chính của TTF - một doanh nghiệp đang phải gồng mình tái cấu trúc để thoát khỏi những tồn đọng trong quá khứ.

Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất soát xét bán niên 2018, Công ty ghi nhận một khoản lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ lên đến 685.2 tỷ đồng, trong đó có đến hơn 581.6 tỷ đồng là khoản chi phí “nhức nhối” - trích lập dự phòng (chủ yếu gồm phải thu khó đòi và giảm giá hàng tồn kho). Qua đó, kế hoạch kinh doanh năm 2018 của TTF đã quá khó để có thể hoàn thành. Cũng tại thời điểm 30/06/2018, lỗ luỹ kế từ trước tới nay của TTF đã lên đến con số 2,092 tỷ đồng.

Thời điểm kết thúc quý 2/2018, Công ty tồn kho đến 969.6 tỷ đồng nguyên vật liệu. Trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường vừa qua, ông Tín cho biết trong lượng nguyên liệu này có cả những loại gỗ ít giá trị sử dụng mà khi thanh lý buộc phải chấp nhận bán lỗ; và kể cả những nguyên liệu có giá trị sử dụng thì nhiều khả năng thành phẩm cũng phải bán dưới giá vốn để TTF có thể bung hết hàng tồn kho nhanh nhất. Khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho ghi nhận trong bán niên 2018 lên đến 198 tỷ đồng.

Cùng với đó, nợ xấu là khoản mục đang ngày càng “phình to” trong bảng cân đối của TTF. Tại thời điểm 30/06/2018, Công ty ghi nhận 584.7 tỷ đồng nợ xấu, tăng hơn gấp 3 lần con số đầu năm. Phía TTF cho biết, tính đến thời điểm 25/10/2018, Công ty chưa thu được các khoản nợ này và theo đánh giá của phía TTF là rất khó có khả năng thu hồi.

Hệ quả, tại thời điểm 30/06/2018, vốn chủ sở hữu TTF chỉ còn ghi nhận 96.2 tỷ đồng, giảm đến 88.4% so với con số đầu năm. Đây là con số quá nhỏ bé khi đặt cạnh nhu cầu rất lớn về vốn trong khoảng thời gian tới đây của TTF. Trong giai đoạn cuối 2018, Công ty sẽ đẩy mạnh thanh lý nguyên liệu tồn kho và bán những tài sản không nằm trong định hướng dài hạn; song song với đó, rủi ro phải trích lập dự phòng đối với các khoản phải thu vẫn còn đó.

Tổng giám đốc Mai Hữu Tín cho biết – “Để có thể tiếp tục tái cơ cấu trong giai đoạn tới, cần tăng thêm khoảng 1,000 tỷ đồng vốn theo ước đoán cẩn trọng của ban lãnh đạo, nhưng đây chưa phải là con số chính xác nhất và cũng chưa đủ cơ sở pháp lý để xác nhận”.

Từ nguồn vốn “khó nhọc”…

Có thể thấy, vốn chính là một trong những nhu cầu tiên quyết hiện tại của TTF. Với tình cảnh của một doanh nghiệp có vị thế tài chính cũng như uy tín tín dụng đã bị tổn hại đáng kể thì việc đáp ứng nhu cầu này sẽ khó khăn bội phần.

Được biết, hiện tại TTF đã gần như xử lý xong đối với các chủ nợ chính như Kiên Long Bank, Việt Á Bank (đối với Việt Á Bank, TTF phải bàn giao nhà máy chính, giá trị 430 tỷ đồng, để cấn trừ nợ và thuê lại hoạt động, Công ty dự kiến mua lại nhà máy khi có đủ nguồn lực) và chỉ còn nợ Đông Á Bank khoảng 120 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm 2018 và đầu năm 2019 sẽ bán tài sản để dứt sạch nợ trong năm 2019, khi đó Công ty sẽ có thể vay thương mại để hoạt động bình thường theo chia sẻ của phía TTF. Nhưng đó là chuyện tương lai còn nguồn vốn cấp bách bây giờ không thể chờ được.

Vậy liệu TTF có thể phát hành gọi thêm vốn từ đại chúng? Dường như câu chuyện này có xác suất xảy ra rất thấp ở thời điểm hiện tại, dù TTF cho thấy những bước chuyển biến tích cực trong nội tại doanh nghiệp nhưng vẫn còn lắm những vấn đề bủa vây. Thị trường chứng khoán vốn đã không ưu ái sự bất định, huống chi chính thị trường lại đang trong giai đoạn “rối ren”. Và như để xác nhận cho điều này, cổ phiếu TTF đã "lau sàn" liên tục 5 phiên liền sau ngày cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường 2018 diễn ra (25/10). Dù 2 phiên gần đây cổ phiếu này bắt đầu khởi sắc, nhưng với mức giá 3,900 đồng/cp (kết phiên 5/11), cổ phiếu TTF đã giảm 23.5% kể từ ngày 25/10/2018.

… đến thương vụ Sứ Thiên Thanh và cái bắt tay với Đồng Tâm

Nhiều nhà đầu tư đóng đinh suy nghĩ việc sáp nhập luôn là thương vụ với mục đích cộng hưởng để thu về những lợi ích kinh tế lớn hơn. Với thương vụ sáp nhập Sứ Thiên Thanh, điều này đương nhiên đúng, nhưng là chưa đủ, và cũng có thể đó còn chưa hẳn là mục đích chính.

Thương vụ lần này, chẳng khác mấy nếu xem nó như một đợt góp vốn của các cổ đông Sứ Thiên Thanh (CTCP Đồng Tâm là cổ đông lớn nhất, tỷ lệ sở hữu 47.27%) vào TTF. Khác biệt của thương vụ này so với việc TTF gọi vốn từ chào bán cổ phần riêng lẻ chỉ là ở trạng thái của phần vốn mà TTF nhận được sau đợt phát hành thêm cổ phần. Nhưng liệu khác biệt đó có quan trọng khi mà TTF đang rất “khát vốn” để có thể tiếp tục công cuộc tái cơ cấu.

Sau sáp nhập, vốn chủ sở hữu của TTF sẽ có sự tăng lên đáng kể so với con số 96.2 tỷ đồng tại thời điểm 30/06/2018 (độ lớn của phần tăng đó sẽ được quyết định bởi thị giá cổ phiếu TTF tại ngày vụ sáp nhập diễn ra). Đương nhiên điều này cũng phải đánh đổi bằng việc cổ đông hiện hữu sẽ bớt đi 31% lợi ích tại TTF, nhưng còn lại 69% có lẽ vẫn tốt hơn nhiều so với việc TTF không thể “tiếp tục tồn tại”. Cùng với đó, sự tham gia của Đồng Tâm vào thành phần cổ đông giữa một giai đoạn rối ren có lẽ cũng là một giá trị không nhỏ cần phải tính đến.

Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế mà Sứ Thiên Thanh có thể sẽ mang lại cho TTF. Tuy nhiên, có lẽ thứ mà TTF cần nhất lúc này là nguồn vốn để trích lập đự phòng, để đảm bảo Công ty vẫn có thể tiếp tục hoạt động; và đấy nhiều khả năng chính là cái được lớn nhất của TTF trong thương vụ lần này.

Với việc sẽ nhận gần 96.6 triệu cp TTF sau sáp nhập, các cổ đông của Sứ Thiên Thanh sẽ sở hữu 31% của TTF; riêng CTCP Đồng Tâm là 14.7%. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường vừa qua, ông Tín cũng tiết lộ rằng TTF đang đàm phán với Cửa nhựa Đồng Tâm. Như vậy, sau Sứ Thiên Thanh, mối lương duyên giữa TTF và Đồng Tâm liệu có tiếp tục.

Mối lương duyên giữa TTF và Đồng Tâm liệu có còn tiếp tục?

Thương vụ sáp nhập Sứ Thiên Thanh quả là “nhất cử lưỡng tiện”, khi TTF vừa có được một “nguồn vốn mới”, vừa thêm vào hệ sinh thái sản phẩm đang được xây dựng của mình một thương hiệu giá trị.

Cập nhật về TTF

Vừa qua, TTF công bố BCTC hợp nhất Quý 3/2018 với khoản lỗ gộp 159.8 tỷ đồng .Tuy nhiên, nhờ ghi nhận 64 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng cùng với đó là khoản doanh thu tài chính 116.8 tỷ đồng ghi nhận từ chênh lệch giá trị của phần tài sản cố định đem cấn trừ nợ vay, Công ty chỉ ghi nhận khoản lỗ sau thuế hợp nhất 33 tỷ đồng trên BCTC.

Qua đó, vốn chủ sở hữu của TTF ghi nhận tại BCTC hợp nhất vào thời điểm 30/09/2018 là gần 63 tỷ đồng, chỉ giảm 33.2 tỷ đồng so với con số 96.2 tỷ đồng tại thời điểm 30/06/2018.

* Cổ đông TTF “thoát lỗ” nhờ ghi nhận hoàn nhập dự phòng và chênh lệch giá trị tài sản

Vĩnh Thịnh

FILI

Các tin tức khác

>   PNJ: Quyết định của HĐQT thông qua số lượng cổ phiếu phát hành ESOP (02/11/2018)

>   KIP: Báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu ra công chúng (01/11/2018)

>   KBSV sẽ chào bán 138 triệu cp, nâng vốn điều lệ lên 1,680 tỷ đồng (01/11/2018)

>   BIDV sẽ phát hành hơn 603.3 triệu cp cho KEB Hana Bank (31/10/2018)

>   Vinhomes chi 17 tỷ đồng góp 85% vốn thành lập Công ty An Thịnh (30/10/2018)

>   PWS: Công bố thông tin về Bản cáo bạch phát hành cổ phiếu ra công chúng và các tài liệu liên quan cho đợt phát hành (26/10/2018)

>   PNJ: Quyết định của HĐQT thông qua số lượng cổ phiếu phát hành ESOP (26/10/2018)

>   KSB: Đính chính CBTT hủy đợt phát hành cổ phiếu ESOP (26/10/2018)

>   SII tạm ngừng phát hành hơn 37 triệu cp và xin ý kiến về phương án khác (25/10/2018)

>   KSB: Thông báo hủy đợt phát hành cổ phiếu ESOP (23/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật