Thứ Tư, 07/11/2018 07:30

Thương hiệu cho nông sản Việt

Có mặt ở 150 quốc gia, sau hơn 30 năm xuất khẩu, gạo Việt mới chuẩn bị có logo thương hiệu vào tháng 12 tới này.

Dù muộn mằn nhưng đây là việc làm cần thiết, khởi động việc xây dựng thương hiệu cho các nông sản khác của VN.

Luôn nằm trong top những quốc gia xuất khẩu gạo, tiêu, điều... hàng đầu thế giới nhưng do không có thương hiệu, gạo nói riêng và nông sản Việt nói chung vẫn vô danh trên bản đồ thế giới. Tất nhiên, xuất thô không thương hiệu thì giá trị gia tăng rất thấp. Ở nhiều thời điểm, giá xuất khẩu thấp hơn nhiều giá bán trong nước, kéo theo những nghịch lý đau lòng. Trong đó, đau lòng nhất là người nông dân, đối tượng trực tiếp nuôi, trồng canh tác ra những sản phẩm chủ lực của nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.

Thực ra việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt bị rơi vào tình trạng luẩn quẩn. Muốn xây dựng thương hiệu thì đầu tiên phải tập trung vào chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, xúc tiến thương mại, đăng ký bản quyền với thế giới... Muốn thế, chúng ta phải chấp nhận đi chậm lại để tái cơ cấu lại toàn bộ các khâu, thậm chí phải "hy sinh" mục tiêu về giá trị xuất khẩu. Thế nhưng trước tới nay, xuất khẩu nông sản nói riêng và tất cả các hàng hóa nói chung là một cuộc chạy đua về sản lượng và kim ngạch theo công thức, năm nay phải cao hơn năm trước...

Cứ chùng chình cân đo giữa số lượng - chất lượng như vậy khiến nông sản Việt ngày càng thua thiệt, lép vế. Cho đến khi Campuchia, nước gia nhập sân chơi xuất khẩu gạo trễ và ít ưu thế hơn so với VN nhưng lại xây dựng được thương hiệu Phka Romdoul, hay còn gọi là gạo lài, nhiều năm liền được bình chọn là loại gạo ngon nhất thế giới thì đây thực sự là một "cú sốc" với ngành lúa gạo trong nước.

Không chỉ thế, gạo Campuchia còn tràn vào thị trường nội địa, nhận được sự tín nhiệm của người tiêu dùng nội địa bên cạnh gạo Thái, gạo Đài. Chưa kể mấy năm nay, xuất khẩu gạo gặp không ít khó khăn. Xu hướng tiêu thụ tinh bột trên thế giới ngày càng giảm. Ngược lại yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm ngày càng cao. Tất cả những điều này buộc chúng ta phải thay đổi tư duy, hoặc là rời khỏi cuộc chơi.

Trở lại với logo thương hiệu gạo, đó chỉ bước khởi đầu. Có thương hiệu là một chuyện, việc định vị, xây dựng, đưa thương hiệu đó ra thế giới là một chuỗi rất nhiều công việc đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực, kiên định của tất cả các bên liên quan từ nhà nước, doanh nghiệp, người nông dân trồng lúa. Đòi hỏi sự đồng bộ từ tái cơ cấu nông nghiệp trong nước, tích tụ ruộng đất, cơ giới hóa nông nghiệp cho đến quảng bá, nghiên cứu thị trường... tất cả phải đồng bộ, bài bản chuyên nghiệp. Cũng phải nói thêm là, việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo nói riêng và nông sản nói chung các nước đã làm từ vài chục năm nay và "công thức" cũng không có quá mới mẻ. Việc này quan trọng nhất vẫn là sự quyết tâm và kiên định từ bỏ bệnh thành tích chạy theo số lượng để tập trung vào chất lượng.

Nếu dứt khoát với tư duy như vậy, nông sản Việt chắc chắn sẽ định vị được chỗ đứng trên sân chơi toàn cầu chứ không long đong ngay tại chính sân nhà như hiện nay.

NGUYÊN KHANH

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Giá heo hơi hôm nay (7/11): Vừa lo tuột dốc vừa ngại dịch tả heo châu Phi (07/11/2018)

>   Giá thịt lợn trong nước giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại (06/11/2018)

>   Giá trị xuất khẩu thủy sản 10 tháng ước đạt 7,24 tỷ USD (06/11/2018)

>   Túi tiền của người nghèo khó kham nổi giá thịt mát (05/11/2018)

>   Giá lợn hơi tiếp tục lao dốc: Thương lái "cười", người nuôi và người tiêu dùng "khóc" (05/11/2018)

>   Xuất khẩu thủy sản có thể đạt gần 9 tỷ USD trong năm 2018 (05/11/2018)

>   Giá cao su phập phồng theo cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung (04/11/2018)

>   Quy hoạch lại sản xuất rau, hoa trong nhà kính (03/11/2018)

>   Gạo Việt Nam nhận diện thử thách trong giai đoạn mới (03/11/2018)

>   Chanh, nho rừng đắt khách (03/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật