Làm gì để hàng Việt chinh phục người Việt?
Kết quả của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" không chỉ được chứng minh bằng lòng tin của người tiêu dùng với hàng Việt mà hơn nữa, ngày càng nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt khẳng định được thương hiệu, uy tín trong nước và mang thương hiệu Việt đến với thế giới.
Kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2016 cho thấy, 92% người tiêu dùng được hỏi đều bày tỏ sự quan tâm tới cuộc vận động, trong khi 63% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt và 54% người cho biết luôn khuyên người thân, bạn bè của mình sử dụng hàng Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, đến nay hiệu quả cuộc vận động được đánh giá cao hơn.
Giai đoạn mới của cuộc vận động
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tại Gala tổng kết Chương trình nhận diện hàng Việt Nam - tự hào hàng Việt Nam năm 2018
|
Tại Gala tổng kết Chương trình nhận diện hàng Việt Nam - tự hào hàng Việt Nam năm 2018, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động nhấn mạnh, chương trình năm nay đã bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng một môi trường sinh thái.
Trong đó, các doanh nghiệp lớn và nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất cùng doanh nghiệp phân phối, trở thành những đối tác của nhau, mở ra những không gian kết nối và chia sẻ, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm Việt Nam. Cũng như kết nối hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các đối tác cung cấp các dịch vụ ngân hàng, hạ tầng, giải pháp công nghệ... phù hợp, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm.
Đồng hành cùng cuộc vận động nhiều năm nay, ông Ngô Minh Hải, Phó chủ tịch Tập đoàn TH cho rằng, để TH chinh phục được thị trường trong nước điều quan trọng nhất là TH bắt đầu bằng cách xây dựng giá trị thương hiệu của TH theo hướng nhân văn, phục vụ sức khỏe người tiêu dùng, đóng góp chế độ dinh dưỡng cho người Việt Nam, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.
96% tổng doanh số của BigC đến từ sản phẩm, hàng hóa trong nước, chỉ có 0,21% doanh số đến từ sản phẩm hàng hóa của Thái Lan. Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch Điều hành, quan hệ đối ngoại và truyền thông Tập đoàn Central Group Việt Nam cho biết, BigC luôn đồng hành cùng nhà sản xuất, như đặt văn phòng tại địa phương, 50% sản phẩm nông sản thu mua tại địa phương đáp ứng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiến tới nông nghiệp hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói tốt... Điều này sẽ tạo được niềm tin cho người tiêu dùng Việt Nam...
BigC cũng thực hiện chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhằm giúp gia tăng sản xuất trong nước và thông qua kênh phân phối, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể xây dựng thương hiệu của mình.
Hiểu rõ giá trị hàng Việt nằm ở phân khúc nào
Song để hàng hoá Việt Nam chinh phục người tiêu dùng trong nước hơn nữa, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn SunHouse Việt Nam cho rằng, đầu tiên chúng ta cần hiểu đúng bản chất hàng Việt. Cần hiểu thế nào là hàng Việt, khái niệm này cần tuyên truyền rõ hơn nữa tới doanh nghiệp, người dân.
Nếu hỏi Electrolux, iPhone là thương hiệu nước nào... ít người biết. Tuy nhiên, theo ông Phú, sản phẩm hàm chứa giá trị gia tăng, để lại ở quốc gia nào mới là quan trọng. Trong một sản phẩm thì giá trị gia tăng bắt đầu từ khâu nguyên liệu thô đến cảm xúc của người dùng – bỏ tiền ra mua. Vậy khúc nào mang lại giá trị lớn nhất thì chúng ta cần chiếm giữ. Có thể sản xuất ở Việt Nam nhưng nguyên vật liệu thô chỉ chiếm 5% trong nguyên liệu chính, song giá trị thương hiệu có thể chiếm tới 30%. Hay bí quyết công nghệ mà quốc gia đó nắm giữ không ai làm được chiếm tới 50% giá trị sản phẩm, đó mới là mấu chốt quan trọng.
Ông Phú đặt câu hỏi, tại sao các tập đoàn đa quốc gia họ không quan trọng sản phẩm được sản xuất tại đâu mà quan trọng nhất với họ là họ chiếm lĩnh cái gì tạo ra giá trị tốt nhất, rẻ nhất cho sản phẩm của họ và mang sản phẩm cuối cùng tới người tiêu dùng một cách tốt nhất. Vì thế, những tập đoàn họ đặt trung tâm điều hành ở những nơi có chất xám cao nhất như ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Và họ đặt sản xuất ở những nơi có giá nhân công rẻ nhất, mua nguyên liệu ở nơi rẻ nhất có thể là Trung Quốc, Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào có lợi thế cạnh tranh về nguyên vật liệu. Điều quan trọng nhất là họ sở hữu thương hiệu, hệ thống phân phối, công nghệ.
"Vậy thì các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ điều này, người dân cũng cần nắm rõ điều đó, đừng quan trọng sản phẩm được sản xuất ở đâu mà người Việt, doanh nghiệp Việt Nam đang chiếm giữ khúc nào mang lại giá trị lớn nhất cho quốc gia thì hãy giữ lấy, nắm lấy, ủng hộ nó. Chúng ta cần tuyên truyền một cách sâu sắc vấn đề này", ông Phú nhấn mạnh.
Vũ Khuê
VNEconomy
|