Khống chế lãi vay 20% khiến nhiều ‘ông lớn’ lo lắng
Nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự lo lắng khi Nghị định 20 về giới hạn chi phí lãi vay 20%, khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ từ lãi thành lỗ.
Nghị định ảnh hưởng nhiều DN trong nước
Ngày 27/11, tại hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục thuế, hải quan năm 2018, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam đã làm nóng hội trường bằng việc nêu ra những vấn đề vướng mắc liên quan đến chính sách thuế của các doanh nghiệp, đặc biệt là quy định về chống chuyển giá được nêu trong Nghị định 20 của Bộ Tài chính.
Theo đó, Nghị định 20 quy định trần lãi vay được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần của kỳ nộp thuế.
Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng tỉ lệ khống chế 20% lãi vay trên lợi nhuận thuần là hoàn toàn hợp lý, phù hợp thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, với điều kiện cụ thể của Việt Nam, chúng ta cần xem xét lại.
Theo bà Cúc, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp chưa quy định mức khống chế chi phí lãi vay với các doanh nghiệp. Nên vô hình trung, chúng ta quy định tỉ lệ khống chế lãi vay 20% áp dụng với những đơn vị có giao dịch liên kết là chưa thực sự phù hợp.
Thực tế, trong giao dịch liên kết có hai phần. Một là quản trị thì đương nhiên không liên quan đến tránh thuế. Hai là giao dịch liên kết có khác biệt về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.
"Vừa rồi một nhà máy điện thuộc Tập đoàn Than, nếu loại trừ tỉ lệ khống chế lãi vay 20% này thì chi phí được trừ tăng lên trên 100 tỉ đồng.
Trong khi đó, ở Việt Nam, có nhiều tập đoàn, tổng công ty có cùng một thuế suất thu nhập doanh nghiệp, khả năng chuyển giá gần như là không có. Nên trong trường hợp họ không được ưu đãi thuế thì việc khống chế tỉ lệ lãi vay 20% đã hợp lý chưa?", bà Cúc đặt câu hỏi.
Liên quan đến vấn đề này, các đại diện của Tập đoàn Vingroup, Vietcombank…cũng bày tỏ lo lắng các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ con sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Theo đại diện Tập đoàn Vingroup, mục tiêu của Nghị định 20 là chống thất thu thuế ở Việt Nam do tác động của chuyển giá giữa các quốc gia nhưng trên thực tế Nghị định lại có ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ con. Những doanh nghiệp theo mô hình này không thể trực tiếp vay vốn từ ngân hàng được mà sẽ thông qua công ty mẹ của tập đoàn, do đó chi phí lãi vay của công ty tập đoàn sẽ rất lớn. Việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% sẽ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, bởi nhiều chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích thuế.
Đại diện ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho rằng Nghị định không phù hợp, tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Theo đó, Vietcombank chỉ phát sinh giao dịch liên kết trong hoạt động đi thuê văn phòng với công ty mẹ, hoạt động chuyển giá hoàn toàn gần như không thể nhưng doanh nghiệp vẫn phải chịu khống chế lãi vay ở mức 20%.
Hội thảo thu hút đông đảo các doanh nghiệp tham gia
|
Trong khi đó, thông lệ quy định quốc tế có khuyến nghị việc khống chế lãi vay cần cân nhắc đến yếu tố như doanh nghiệp cần tái cơ cấu vốn hay chỉ hạn chế lãi vay sau khi trừ đi thu nhập từ hoạt động tài chính. Tuy nhiên, chính sách này của Việt Nam lại không tính đến các khuyến nghị của quốc tế.
Muốn làm ăn toàn cầu không thể đòi thực hiện chính sách riêng
Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, chính sách thuế Việt Nam càng ngày càng phục vụ việc hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Hội nhập kinh tế thế giới buộc Việt Nam phải thực hiện các cam kết của quốc tế trong việc bình đẳng giữa DN trong nước và quốc tế, trong đó có cắt giảm ưu đãi.
Nghị định 20 thực hiện trên cơ sở khuyến nghị của các nước OECD và các nước G20 yêu cầu phải tập trung trong việc chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu. Ban hành nghị định 20 là điều kiện tiên quyết để Việt Nam gia nhập diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Theo quy định, mức khống chế lãi vay phải từ 10-30%, Chính phủ đã chọn mức trung bình 20%, trên cơ sở khảo sát 12.000 tập đoàn. Về việc vay giữa các bên liên kết và vay với các bên độc lập đều phải xử lý như nhau
"Chỉ có DN Việt Nam mới có ý kiến, còn DN FDI không hề kêu về vấn đề này bởi họ hiểu rất rõ cuộc chơi toàn cầu. Chúng ta đang trong cuộc chơi toàn cầu. Các doanh nghiệp muốn làm ăn toàn cầu nhưng đòi thực hiện chính sách riêng là không thể", ông Tuấn cho biết.
Tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thừa nhận đây là vấn đề nóng gần đây được dư luận đặc biệt quan tâm. "Việc khống chế lãi vay, trên thế giới đã có quy định, ở Việt Nam thì cũng cần áp dụng nhưng phải phù hợp với điều kiện của chúng ta. Bộ Tài chính xin tiếp thu để sửa đổi chính sách phù hợp hơn", bà Mai cam kết.
DƯƠNG HƯNG
TIỀN PHONG
|