Kẽ hở khiến nông sản Việt bị đội lốt
Khoai tây, cà rốt Trung Quốc đội lốt rau quả Đà Lạt; quýt Trung Quốc bán với mác quýt Thái; gừng, tỏi Trung Quốc “trồng” ở Tiền Giang...
Công an TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) bắt quả tang vụ khoai tây Trung Quốc trộn đất đỏ giả hàng Đà Lạt - ẢNH: LÂM VIÊN
|
Đó là thực trạng đáng buồn của nông sản Việt ngay tại thị trường nội địa, theo nhận định của Bộ Công thương về hiện tượng hàng ngoại đội lốt nông sản Việt.
Không có quy định nhận diện hàng Việt
Ngoài các hàng rào thuế, giải pháp hữu hiệu nhất là việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật. Khi đó hàng hóa chất lượng đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản rồi thì không lo họ giả xuất xứ nữa.
PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen
|
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Công thương chỉ ra 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất là các quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa không yêu cầu thương nhân phải ghi nhãn hàng hóa đối với nông thủy sản bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Thứ hai, các quy định của pháp luật về truy xuất nguồn gốc chưa được áp dụng một cách toàn diện và triệt để đối với nông thủy sản. Nghị định 15/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật An toàn thực phẩm có quy định về truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm nhưng chỉ áp dụng đối với sản phẩm “không bảo đảm an toàn” hoặc khi cơ quan nhà nước có yêu cầu. Thứ ba, pháp luật chưa có quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là sản phẩm của VN. Pháp luật đã có các quy định chi tiết về cách xác định một sản phẩm được coi là có xuất xứ VN.
Tuy nhiên, các quy định này mới được áp dụng cho hàng xuất khẩu, không áp dụng đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường VN. Do vậy, trong rất nhiều trường hợp, các cơ quan chức năng không biết phải căn cứ vào đâu để xác định một sản phẩm có phải là sản phẩm “của VN” hay không.
Bộ Công thương nhận định, hàng nông thủy sản bán ở các chợ truyền thống hầu hết không có nhãn mác, bao bì xuất xứ nên dễ dàng đội lốt hàng Việt mà ngành chức năng hầu như không thể phát hiện và xử lý. “Ngay cả khi có lý do để nghi ngờ thì cũng không có căn cứ pháp lý để khẳng định một sản phẩm nào đó không phải là sản phẩm của VN”, văn bản của Bộ Công thương nêu thực trạng.
Để giải quyết những bất cập trên, Bộ Công thương kiến nghị giao Bộ Khoa học - Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát các quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với nông thủy sản tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định như thế nào là sản phẩm của VN để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước nhằm chống gian lận xuất xứ VN và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
|
TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), nhận định: Việc truy xuất nguồn gốc có 3 mục đích: bảo đảm an toàn thực phẩm, để chứng minh xuất xứ - chống hàng giả và quan trọng là để quản lý. Thế nhưng hiện VN không có tiêu chuẩn và quy định chuỗi sản xuất - thương mại phải thực hiện truy xuất nguồn gốc.
"Chúng ta đang có sự nhầm lẫn giữa truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin và cho rằng sản phẩm có dán QR code hoặc có Bar code là có truy xuất nguồn gốc. Thực tế, nhiều sản phẩm có 2 code trên nhưng không có thông tin về an toàn thực phẩm, kể cả nguồn gốc, nơi sản xuất, lượng thu hoạch và đường đi của số sản phẩm được thu hoạch rồi đưa ra thị trường. QR và Bar code chỉ là phương tiện lấy thông tin, không có nghĩa là có truy xuất nguồn gốc", TS Minh nói.
Quản lý từ nguồn nhập?
Trên thực tế, ngoài những sản phẩm xuất khẩu, phần lớn hàng nông sản của VN sản xuất trên quy mô nhỏ lẻ, đi từ vườn ra chợ thông qua thương lái thu gom mà không qua các khâu chế biến. Điều này gây nhiều khó khăn trong việc đóng bao bì, nhãn mác hoặc truy xuất nguồn gốc… Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng ngoại, mà chủ yếu là hàng hóa chất lượng thấp nhập khẩu bằng đường tiểu ngạch dễ dàng trà trộn đội lốt hàng Việt.
Để giải quyết bài toán này có 2 giải pháp quan trọng. Thứ nhất là hạn chế tối đa thương mại tiểu ngạch, tăng cường đường chính ngạch, như vậy hàng ngoại ít có cơ hội đội lốt hàng Việt. Thứ hai là tổ chức sản xuất nội địa theo hướng an toàn chất lượng và có truy xuất nguồn gốc.
“Đây đều là những vấn đề hết sức khó khăn. Nếu Chính phủ đặt việc bảo vệ sức khỏe cho người dân là ưu tiên thì phải quy định đúng, tổ chức đúng và kiểm soát đúng”, TS Minh nhấn mạnh.
PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen lại cho rằng: Trên nền sản xuất nhỏ lẻ và hệ thống phân phối chưa hoàn chỉnh của VN, để thực hiện những việc trên là rất khó. Trường hợp thực hiện được, giá cả hàng hóa sẽ vượt quá khả năng chịu đựng của người tiêu dùng. Cách đơn giản hơn là quản lý từ nguồn nhập khẩu. Ngoài các hàng rào thuế, trong trường hợp này giải pháp hữu hiệu nhất là việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật. Khi đó hàng hóa chất lượng đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản rồi thì không lo họ giả xuất xứ nữa.
Chí Nhân
THANH NIÊN
|