Hang Seng lội ngược dòng thành công
Chỉ số Hang Seng đã lội ngược dòng thành công và lấy lại sắc xanh sau khi bị bán tháo vào đầu phiên ngày thứ Tư (21/11) giữa lúc niềm tin của nhà đầu tư bị lung lay sau phiên “đẫm máu” trên Phố Wall đêm qua. Ngoài ra, các thị trường chứng khoán châu Á khác cũng đang gượng dậy.
Tính tới lúc 14h ngày thứ Tư (21/11 – giờ Việt Nam), chỉ số Hang Seng của Hồng Kông xóa sạch toàn bộ đà giảm đầu phiên và quay đầu tăng 11.78 điểm (tương ứng 0.05%). Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đang phục hồi, trong đó chỉ số Shanghai Composite chỉ còn giảm 0.13%, trong khi Shenzhen Composite quay đầu tăng nhẹ.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 14h giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Trong ngày thứ Ba (20/11), chính quyền Donald Trump cho biết, Trung Quốc vẫn chưa điều chỉnh các hành vi “không công bằng” giữa lúc xung đột thương mại Mỹ-Trung diễn ra, qua đó làm gia tăng căng thẳng trươc cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình.
Đây là thông tin được đưa ra trong bản cập nhật quá trình điều tra của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) về chính sách của Trung Quốc về chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ. Sau khi tiến hành điều tra các hành vi thương mại của Trung Quốc, Mỹ đã áp thuế với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, sau đó tăng quy mô thêm 250 tỷ USD hàng hóa.
Báo cáo trên được đưa ra trước cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vào cuối tháng này.
Phần lớn chuyên viên phân tích cho biết khó mà tiến tới một thỏa thuận sau cuộc gặp gỡ này.
“Tôi nghĩ có lẽ còn quá sớm để mong chờ một thỏa thuận, nhưng chúng ta có thể kỳ vọng… là có một sự nhất trí nào đó để đạt được các bước tiến trong tương lai”, Ken Peng, Chiến lược gia đầu tư châu Á tại Citi Private Bank, cho biết trong ngày thứ Tư (21/11). Ông cũng đề cập tới chuyến viếng thăm của Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, tới Washington D.C. và cả hai bên đã đưa ra một khuôn khổ để thương lượng trong viếng thăm này.
“Tôi nghĩ, với Trung Quốc, thỏa thuận cuối cùng sẽ cần nhiều thời gian hơn”, ông nói thêm.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 75.58 điểm (tương ứng 0.34%) sau khi lao dốc gần 300 điểm đầu phiên, còn chỉ số Topix hạ 0.67%. Bên cạnh đó, Kospi của Hàn Quốc lùi 0.29%.
Ở Australia, chỉ số ASX hạ 0.51% khi các lĩnh vực diễn biến trái chiều. Chỉ số tài chính – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – quay đầu tăng nhẹ sau khi giảm mạnh đầu phiên.
Dow Jones rớt hơn 550 điểm
Dow Jones và S&P 500 giảm mạnh vào ngày thứ Ba (20/11) và chuyển sang giảm điểm trong năm 2018, khi đà lao dốc của cổ phiếu Target gây sức ép lên lĩnh vực bán lẻ, trong khi một số cổ phiếu công nghệ phổ biến nhất tiếp tục suy yếu.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones sụt 551.80 điểm xuống 24,465.64 điểm và chỉ số S&P 500 mất 1.8% còn 2,641.89 điểm. Được biết, Dow Jones và S&P 500 lần lượt tăng 1.2% và 0.6% trong năm 2018 khi bước vào phiên ngày thứ Ba. Bên cạnh đó, chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 1.7% xuống 6,908.82 điểm nhưng vẫn duy trì được mức tăng nhẹ trong năm 2018. Chứng khoán giảm điểm trong ngày thứ Ba sau khi Dow Jones đã rớt 395 điểm hôm thứ Hai (19/11).
Craig Callahan, Chủ tịch tại Icon Funds, nhận định: “Điều này có vẻ là nỗi lo ngại kéo dài về những gì đã dẫn đến đà suy giảm trong tháng 10. Đó là mối lo về sự suy thoái kinh tế. Tôi nghĩ những người này đã sai, nhưng họ là những người kiểm soát trong thời điểm này”.
Chứng khoán tiếp tục chìm trong sắc đỏ vào ngày thứ Ba, một ngày sau khi các thành viên nhóm “FAANG” - Facebook, Amazon, Apple, Netflix và công ty mẹ của Google là Alphabet – đồng loạt khép phiên trong thị trường con gấu, giảm hơn 20% so với mức đỉnh 52 tuần. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt lùi 1.7% và 3% hôm thứ Hai, còn Dow Joes mất 1.4%.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|