Giá dầu rớt thảm, vì đâu nên nỗi?
Đà tụt dốc không phanh của giá dầu trong thời gian gần đây đã khiến nhiều người “thất kinh bát đảo”.
Hôm thứ Sáu (23/11), giá dầu WTI vừa giảm 7.7% xuống 50.42 USD/thùng, rớt mốc 51 USD/thùng lần đầu tiên trong 13 tháng, đồng thời đánh dấu 7 tuần liên tiếp.Còn giá Brent lùi 3.80 USD (tương đương 6.1%) xuống 58.80 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức lao dốc trong tuần lên gần 12%.
Và cách đây không lâu, giá dầu đã ghi nhận 12 phiên lao dốc liên tiếp, chuỗi dài nhất trong lịch sử. Vậy chuyện gì đang xảy ra trên thị trường dầu mà khiến giá rớt thảm đến vậy.
Chỉ trong vòng vài tuần, giá dầu từ mức đỉnh 4 năm lao vào thị trường con gấu (tức giảm 20% so với mức đỉnh gần đây). Cú đổ đèo của giá dầu thô khiến nhiều trader bỡ ngỡ vì cách đây không lâu họ còn mơ tưởng về ngưỡng giá 100 USD/thùng.
“Diễn biến trên làm gợi nhớ lại ký ức đau thường năm 2014 và 2015”, Michael Tran, Giám đốc chiến lược năng lượng toàn cầu tại RBC Capital Markets, ngậm ngùi.
Trong lúc các trader tỏ ra hoảng loạn thì vẫn còn đó một người tỏ ra vui mừng: Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Giá dầu ngày càng thấp hơn, tuyệt vời! Giống như một đợt giảm thuế lớn cho nước Mỹ và Thế giới. Tận hưởng đi nào! Cám ơn Ả-rập Xê-út, nhưng hãy để nó giảm thêm!”, ông Trump tweet trong ngày thứ Tư.
Thế nhưng, đà giảm mạnh của giá dầu đâu thể chỉ đơn giản giải thích bằng một dòng tweet.
Mỹ trừng phạt Iran: Nói một đằng, làm một nẻo
Ả-rập Xê-út cũng góp một phần vào đà giảm của giá dầu, nhưng không phải là tất cả.
Trước đó trong năm nay, chính quyền Donald Trump hứa sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu dầu của Iran về mức 0. Chính lập trường cứng rắn đó đã khiến giá dầu bật tăng.
Dưới áp lực từ Donald Trump, Ả-rập Xê-út gia tăng sản lượng lên mức cao nhất mọi thời đại. Điều này là vô cùng quan trọng vì Ả-rập Xê-út cũng giống như “ngân hàng trung ương” của dầu. Đây là nhà xuất khẩu lớn nhất trên thế giới và là quốc gia duy nhất có khả năng tăng mạnh sản lượng. Ngoài ra, Nga và Mỹ cũng đẩy mạnh sản lượng.
Thế nhưng, chính quyền Trump lại gây sốc tới thị trường dầu trong tháng này khi điều chỉnh lập trường về Iran theo hướng mềm mỏng hơn. Họ áp dụng miễn lệnh trừng phạt tạm thời cho Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia khác, cho phép họ tiếp tục mua dầu thô từ Iran.
Chính sự thay đổi quan điểm này đã khiến thị trường dầu đột ngọt đối mặt với khả năng rơi vào tình trạng dư cung. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hiện đang chịu áp lực cắt giảm sản lượng tại cuộc họp ở Vienna vào tháng tới để ngăn giá dầu giảm sâu hơn.
Dầu đá phiến ở Mỹ bùng nổ
Dù Donald Trump khen ngợi Saudi Arabia nhưng những dòng tweet của ông lại không đề cập đến vai trò then chốt của Mỹ trong đà sụp đổ của thị trường dầu. Nhờ sự bùng nổ của dầu đá phiến, Mỹ đã vượt qua Nga và Saudi Arabia để vươn lên trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới lần đầu tiên kể từ năm 1973.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng thêm hơn 2 triệu thùng/ngày trong năm 2018 và sẽ còn tiếp tục tăng thêm vào năm sau. Không có quốc gia sản xuất dầu nào trên thế giới có thể đẩy mạnh sản lượng ở mức như vậy.
Với đà tăng sản lượng mạnh từ Mỹ, các trader đang lo sợ cung sẽ tăng trưởng vượt cầu. Thật vậy, lượng dầu dự trữ của Mỹ đã tăng 9 tuần liên tiếp.
Triển vọng nhu cầu ảm đạm
Đợt suy thoái của giá dầu hiện nay không chỉ xuất phát từ khả năng dư cung. Đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu đang kéo theo nhu cầu dầu suy giảm.
Nhu cầu dầu ở Mỹ vẫn đang rất mạnh, nhưng tuần trước IEA cảnh báo nhu cầu ở châu Âu và các nước châu Á là “tương đối yếu”. IEA cũng cảnh báo về việc nhu cầu dầu tăng chậm lại ở Ấn Độ, Brazil và Argentina do giá dầu cao, đồng nội tệ yếu và hoạt động kinh tế ngày càng suy yếu.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 của Trung Quốc lẫn Mỹ vì chiến tranh thương mại. IMF dự báo, GDP toàn cầu sẽ tăng chậm lại từ mức ước tính 2.9% (trong năm 2018) xuống còn 2.5% vào năm sau. Đây chưa bao giờ là tin tốt cho giá dầu.
Lung lay theo thị trường chứng khoán Mỹ
Dầu thô cũng bị cuốn theo tâm lý “hành động trước, hỏi sau” trên Phố Wall. Các nỗi lo về đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu đã khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro, cho dù đó là cổ phiếu Apple, Bitcoin hay dầu thô. Giá dầu thô giảm 7% trong ngày thứ Ba (20/11), khi chỉ số Dow Jones rớt 552 điểm.
Damien Courvalin, Trưởng bộ phận nghiên cứu năng lượng ở ngân hàng Goldman Sachs, cho rằng cú đổ đèo trên thị trường một phần là do làn sóng bán tháo trên thị trường hàng hóa nói chung khi nỗi lo về tăng trưởng ngày càng tăng.
Ông nhận định đà bán tháo trên thị trường dầu đã “quá trớn” nhưng ông cho rằng giá dầu sẽ chưa phục hồi cho đến khi OPEC ra tay hành động và có bằng chứng cho thấy tăng trưởng nhu cầu dầu vẫn “bền vững”.
Dòng tiền “nhanh đến, nhanh đi”
Các hàng hóa, cũng giống như chứng khoán, đều bị ảnh hưởng bởi dòng tiền của các quỹ đầu cơ và các trader khác. Các chuyên viên phân tích cho rằng đà giảm của giá dầu đã bị khuếch đại vì sự tháo chạy của các quỹ đầu cơ và các trader.
Số vị thế mua dầu thô của các quỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016 vào cuối tháng 10/2018, theo RBC.
Vũ Hạo (Theo CNN)
FiLi
|