Thứ Tư, 14/11/2018 21:15

Dệt may Việt Nam: Làm gì để thoát tai tiếng thương hiệu giá rẻ?

Dệt may là ngành đóng góp 15% tổng giá trị xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt trên 12% từ năm 2010 tới 2017. Với hơn 6.000 nhà máy, cung cấp khoảng 3 triệu việc làm trên cả nước, ngành không chỉ quan trọng đối với nền kinh tế mà còn với xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là một ngành đã và đang gây ra nhiều tác động tới môi trường.

"Dệt may phải có vai trò là ngành khởi xướng, phối hợp với các ngành khác để chung tay bảo vệ môi trường".

Quá trình sản xuất của ngành phải khai thác, sử dụng và xả thải một lượng nước lớn, đồng thời sử dụng nhiều năng lượng cho việc đun nóng và tạo ra hơi nước. Đây chính là những yếu tố tác động lên nguồn nước và góp phần gia tăng khí phát thải nhà kính.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, thách thức với ngành dệt may Việt Nam hiện nay chính là sức ép đánh giá cực kỳ khắt khe. Chương trình Better Work có những đánh giá rất chặt chẽ với doanh nghiệp dệt may, từ giờ giấc làm việc, tới bữa ăn, nguồn nước người lao động sử dụng. Đơn cử, với nước, Better Work yêu cầu doanh nghiệp dệt may cung cấp hoá đơn nước, xem xét tổng lượng hút nước từ máy bơm là bao nhiêu mỗi ngày, một người lao động cần bao nhiêu khối nước, lượng nước hiện có có đáp ứng nhu cầu sử dụng không, nếu không đủ là không đạt, vượt quá cũng không đạt. Hay lượng ánh sáng trong nhà máy được Better Work đo bằng thiết bị của họ, nếu lượng ánh sáng không đủ sẽ không đạt yêu cầu.

Một vấn đề khác, nhiều nhà máy may ở Việt Nam hiện nay đang phải đầu tư bài bản cho công nhân nữ vì yêu cầu đặt ra của các nhà mua là nhà sản xuất phải có hệ thống nhà vệ sinh cho chị em đang mang bầu, nhà cho con bú...

"Đó là luật chơi trên bàn cờ thương mại thế giới. Nếu doanh nghiệp không tuân thủ sẽ không chen chân được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Xu hướng của khách hàng là ngày càng hướng tới sự bền vững môi trường khiến cho nhiều nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới bắt buộc phải thay đổi phương thức sản xuất. Nếu chúng ta không thay đổi phương thức sản xuất bây giờ, dệt may Việt Nam sẽ mất năng lực cạnh tranh và nhiều cơ hội", ông Giang nhấn mạnh.

Cũng nhìn nhận như vậy, theo ông Marc Goichot, Phụ trách Chương trình quản lý nước khu vực Mekong, Tổ chức quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF), hiện tại không chỉ người mua hàng phương Tây mà cả ở Việt Nam ngày càng hướng tới những sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm có chứng nhận được sản xuất bền vững. Nếu sản phẩm của Việt Nam có những tai tiếng không mấy tốt đẹp thì người tiêu dùng trên thế giới sẽ chuyển sang mua những sản phẩm xanh của các quốc gia khác. Do vậy người Việt Nam không có gì hơn là phải tự thay đổi mình nếu không sẽ mất khách hàng.

Để giảm tác động tới môi trường, ngành dệt may Việt Nam cần phải thay đổi quy trình sản xuất, trong khi vẫn đang tiếp tục mở rộng và phát triển, đây là một thách thức lớn với ngành.

Đại diện VITAS cho biết, dệt may Việt Nam hiện nay đã có những nhà máy giặt dùng ozon, dùng hơi, khí; có nhà máy dệt kim không dùng đến nước mà dùng khí, hơi để đẩy vào thiết bị; nhuộm sản phẩm trên khí, hơi... Đã có nhà máy không dùng màng nước phủ truyền thống như trước mà thay vào đó là hệ thống làm mát trong nhà máy được sử dụng bằng khí ozon, không khác ngồi trong hệ thống máy lạnh...

Song theo ông Giang, cần sự phối hợp giữa VITAS và các tổ chức nước ngoài như WWF có quy trình đánh giá để cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Vì đối với khu công nghiệp, khi đủ yếu tố về môi trường, các nhà đầu tư thứ cấp của dệt may sẽ vào. Các nhà đầu tư thứ cấp ngày nay họ không quan tâm tới giá thuê đất mà điều họ quan tâm là khu công nghiệp có đủ khả năng đáp ứng về môi trường hay không.

Ông Marc đồng tình với việc cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn môi trường cho doanh nghiệp đáp ứng tốt, song theo ông, vấn đề ở đây là cho dù một nhà máy được cấp chứng chỉ xanh nhưng lại cùng hoạt động trên cùng một dòng sông mà các nhà máy khác đang xả thải, gây ô nhiễm môi trường thì giá trị thương hiệu của Việt Nam cũng không được cải thiện mấy. Cho nên, theo ông cần có cách tiếp cận rộng hơn, không chỉ dừng ở ngành dệt may mà cần liên kết với các ngành khác để cùng đưa ra hành động chung khi đó mới có hiệu quả và để duy trì tính bền vững của môi trường.

"Dệt may phải có vai trò là ngành khởi xướng, phối hợp với các ngành khác để chung tay bảo vệ môi trường, khi đó Việt Nam mới thoát khỏi tai tiếng thương hiệu sản xuất giá rẻ, sử dụng nhiều nhân công và tiến tới đưa ra sản phẩm có thương hiệu tốt hơn", ông Marc nhấn mạnh.

Vũ Khuê

VNEconomy

Các tin tức khác

>   5G sẵn sàng lên ‘bệ phóng’ từ 2019 (14/11/2018)

>   Giá điện có thể 'tăng vào thời điểm thích hợp' trong năm 2019 (14/11/2018)

>   Nguyên tổng giám đốc MobiFone bị bắt cùng cấp phó (14/11/2018)

>   Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh bất ngờ rời phòng xét xử vì lý do sức khỏe (14/11/2018)

>   Xét xử đường dây đánh bạc ngàn tỉ: Con bạc 'đốt' hàng ngàn tỉ đồng ra sao? (14/11/2018)

>   Dự án thua lỗ, "xin rút kinh nghiệm"! (14/11/2018)

>   Đến lượt dữ liệu khách hàng FPT Shop bị tung lên mạng (14/11/2018)

>   Chỉ 5% thuê bao trả sau được chuyển mạng giữ số từ ngày 16/11 (13/11/2018)

>   Đường sắt tốc độ cao 58 tỷ USD - một thập kỷ tranh cãi (13/11/2018)

>   Chánh án: Bị cáo có quyền đề nghị không đăng bản án trên mạng (13/11/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật