Bó tay với chây ì thuế?
Số tiền nợ thuế trên cả nước liên tục gia tăng dù cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các giải pháp đòi nợ.
Tranh cãi về quyết định truy thu thuế giữa Unilever và cơ quan thuế kéo dài nhiều năm - ẢNH: NGỌC THẮNG
|
Nợ thuế gia tăng
Theo danh sách công khai nợ thuế mới nhất trong tháng 11.2018 của Cục Thuế Hà Nội, có 123 doanh nghiệp (DN) đang nợ thuế, trong đó có 23 đơn vị đã nợ và bị “bêu tên” công khai từ năm 2015, 2016 và 2017 với tổng số thuế nợ lên gần 53 tỉ đồng. Ví dụ Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 nợ đến hết tháng 9.2018 gần 18,3 tỉ đồng, Công ty cổ phần xây dựng 699 nợ hơn 9,88 tỉ đồng, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Bạch Đằng 8 nợ 6,13 tỉ đồng, Công ty cổ phần Sông Hồng số 6 nợ 3,3 tỉ đồng...
Hay trước đó, vào kỳ thông báo tháng 10.2018, cơ quan này cũng liệt kê 31 DN nợ thuế phí lâu năm với tổng số thuế lên hơn 209,6 tỉ đồng như Tổng công ty công nghiệp tàu thủy nợ 164,19 tỉ đồng, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại - Vinawaco 25 nợ hơn 11,9 tỉ đồng, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng công trình giao thông 874 nợ 8,3 tỉ đồng…
Thời gian qua cơ quan thuế hầu như chưa thực hiện biện pháp đưa ra tòa để thực hiện kê biên phát mãi tài sản hay tuyên bố phá sản DN nợ thuế lâu năm. Chỉ cần thực hiện vài vụ điển hình sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn trong việc thu hồi nợ đọng của ngành thuế.
Luật sưTrần Xoa
|
Cuối năm 2017. Còn báo cáo của Tổng cục Thuế, số tiền nợ thuế đến hết tháng 10.2018 trên cả nước là 81.555 tỉ đồng, bằng 7,4% dự toán thu nội địa cả năm nay. Số nợ thuế này tăng thêm hơn 8.400 tỉ đồng so với cuối năm 2017. Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày chiếm 56,7%, đạt 46.273 tỉ đồng.
Trong phiên làm việc của Quốc hội vào tuần qua, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề cập trường hợp Công ty Unilever để dẫn chứng cho việc cơ quan thuế để sót, để lọt nguồn thu. Sau khi Kiểm toán Nhà nước phát hiện đề nghị truy thu thêm 882 tỉ đồng Unilever VN khai thiếu thuế, công ty này khiếu nại và Kiểm toán Nhà nước đã kiểm tra xác định lại DN vẫn khai thiếu 584 tỉ đồng. Đến nay công ty vẫn chưa chấp hành dù Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định truy thu thuế...
Cần “xử” mạnh tay
Theo giải thích của cơ quan thuế, số nợ tăng là do các đơn vị bỏ trốn, ngừng hoạt động tăng lên. Nhưng bên cạnh đó, tình trạng chây ì nợ thuế cũng phát sinh. Có tình trạng DN nợ thuế gối đầu. Chẳng hạn, DN để nợ thuế quá hạn và chấp nhận trả tiền phạt chậm nộp thuế 0,03%/ngày, tương đương 0,9%/tháng nhưng chưa đến mức 90 ngày để không bị cưỡng chế thuế. Mức lãi suất đó thấp hơn hoặc tương đương với lãi suất vay ngân hàng, nhưng DN không cần phải có tài sản thế chấp như khi vay vốn ngân hàng.
Ngành thuế luôn khẳng định đã áp dụng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ như công khai thông tin nợ thuế, gọi điện thoại. Riêng với các khoản nợ trên 90 ngày cơ quan thuế có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định như thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, trích tiền từ tài khoản ngân hàng, đề nghị rút giấy phép kinh doanh hoặc thậm chí kê biên tài sản để bán đấu giá.
Thế nhưng trên thực tế, biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng thì nhiều trường hợp không có tác dụng, bởi các DN có thể thực hiện việc bán hàng không hóa đơn. Biện pháp đề nghị rút giấy phép kinh doanh cũng không hiệu quả bởi nếu thực sự áp dụng, DN sẽ bị “khai tử” và nguồn thu này cũng tự động mất đi. Còn việc kê biên tài sản để bán đấu giá hầu như ngành thuế chưa áp dụng.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, phân tích việc nợ thuế kéo dài có nhiều lý do. Trong đó có cả việc tranh cãi, bất đồng quan điểm giữa DN và cơ quan thuế hay Kiểm toán Nhà nước. Tiếp đến, việc đối chiếu, soát xét lại hay phải chỉnh sửa số thuế cũng mất rất nhiều thời gian, có khi kéo dài tận 2 - 3 năm. Vì vậy, cơ quan thuế cần phải hỗ trợ, đẩy nhanh hoạt động này. Riêng đối với những DN đang hoạt động bình thường nhưng cố tình không nộp số tiền nợ thuế, cần áp dụng hình thức chế tài mạnh hơn, như đưa ra tòa để kê biên tài sản đấu giá và công bố rộng rãi trên cả nước...
Theo luật Quản lý thuế, khi cơ quan thuế đã thông báo hay ra quyết định truy thu thuế thì DN phải chấp hành. Trong thời gian đó nếu DN không đồng ý với quyết định của cơ quan thuế thì sẽ khiếu nại hoặc khởi kiện tại tòa. Trường hợp tòa tuyên DN thắng kiện thì cơ quan thuế sẽ phải trả lại số tiền thuế DN đã nộp cộng thêm lãi suất theo quy định. Vì vậy không thể kéo dài tình trạng nợ đọng thuế theo kiểu "ông nói qua bà nói lại".
Mai Phương
THANH NIÊN
|