Bình quân doanh nghiệp nhà nước có nợ phải trả cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu
Phát biểu tại Diễn đàn Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư, một số dự án của doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, thất thoát vốn lớn như 12 dự án của ngành công thương.
Diễn đàn Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước sáng 6/11.
|
Cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm đổi mới, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, tính công khai minh bạch còn hạn chế. Số lao động, doanh nghiệp nhà nước đông, năng suất thấp, lao động có trình độ tay nghề cao còn thiếu và yếu. Doanh nghiệp nhà nước còn có nhiều thiết bị còn lạc hậu, chưa theo kịp kỹ thuật tiên tiến của thế giới và yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0.
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy trong doanh nghiệp còn cồng kềnh, thiếu hiệu lực. Trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng. Cá biệt, một số lãnh đạo vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến hiệu quả doanh nghiệp, kinh doanh thua lỗ, mất vốn tại các dự án.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho biết, phần lớn doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách của các doanh nghiệp nhà nước nằm ở ngành nghề, lĩnh vực có mức độ cạnh tranh thấp.
Hiện, lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp lớn. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì phần lớn tập nguồn lực tập trung vào 7 tập đoàn và trên 60 tổng công ty nhà nước. Trong đó, 7 tập đoàn kinh tế nhà nước nắm giữ 66% tài sản, nắm giữ 66,7% vốn chủ sở hữu nhà nước, tạo ra 61,7% doanh thu; 56,5% lợi nhuận trước thuế và 56,7% số thu ngân sách nhà nước.
Nếu so sánh trong bảng xếp hạng Global 500 năm 2017 của Fotune, doanh nghiệp xếp cuối cùng là tập đoàn Ericsson với doanh thu 23,5 tỷ USD, cao hơn 2 lần so với các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn nhất Việt Nam là EVN 11,9 tỷ USD; PVN 11,8 tỷ USD; Viettel 10,8 tỷ USD.
Ở các ngành có mức độ cạnh tranh cao giữa các thành phần kinh tế như thương mại, xây dựng, công nghiệp chế tạo thì hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước rất thấp. Điều này cho thấy áp lực cạnh tranh đã bộc lộ những điểm hạn chế về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước.
Đáng lưu ý, bình quân doanh nghiệp nhà nước có nợ phải trả cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu, trong khi mức trung bình doanh nghiệp Việt Nam là 2 lần.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho biết, kết quả làm ăn của doanh nghiệp nhà nước xuất phát từ quan điểm hiểu sai rằng doanh nghiệp Nhà nước là công cụ của nhà nước, tạo nhiều ưu ái cho khu vực này nên nhiều người đã lợi dụng điều đó để rút ruột, không chịu cổ phần hoá.
Đã là doanh nghiệp thì nhà nước hay tư nhân hay vốn FDI cũng phải kinh doanh, làm ra lợi nhuận và đánh giá hiệu quả doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận chứ không phải đánh giá dựa trên chính trị.
"Các doanh nghiệp đều phải được đối xử bình đẳng như nhau, chứ không phải đổ tiền vào doanh nghiệp nhà nước rồi các anh muốn làm gì thì làm. Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường dù nhà nước nắm 1%, 20% hay 100% vốn đi chăng nữa. Còn anh nào làm không ra lợi nhuận thì xoá bỏ đi", ông Nam nhấn mạnh.
Trước ý kiến này, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định quan điểm là dù có chi phối hay không thì ở đâu có vốn nhà nước, 50% hay 100% vẫn phải kiểm tra, giám sát để hoạt động mang lại hiệu quả nhất. Thời gian tới, doanh nghiệp nhà nước thả vốn vào kinh tế ít thôi, còn đâu thu gọn lại để các thành phần kinh tế khác phát triển.
Ông Tiến thông tin thêm về kết quả cổ phần hoá, 9 tháng năm 2018 có 10 doanh nghiệp được phê duyệt cổ phần hoá, tổng giá trị doanh nghiệp của 10 doanh nghiệp là 29.524 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước là 15.271 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt là 18.272 tỷ đồng, Nhà nước nắm giữ 11.158 tỷ đồng (61%); bán cho nhà đầu tư chiến lược 2.289 tỷ đồng (13%); đấu giá công khai 4.733 tỷ đồng (26%); số còn lại bán cho người lao động và tổ chức công đoàn.
Tuy nhiên, mới chỉ có 2 doanh nghiệp báo cáo tình hình thực hiện bán cổ phần lần đầu là VTV cab (đấu giá không thành công) và Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Vạn Tường.
Về kết quả thoái vốn, 9 tháng năm 2018 các doanh nghiệp đã thoái được 3.772 tỷ đồng, thu về 9.140 tỷ đồng.
Với tiến độ này, ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh còn chậm, nhiều khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kiều Linh
VNEconomy
|