666 doanh nghiệp tạo ra 34,268 tỷ đồng lãi ròng trong quý 3/2018
Khép lại mùa BCTC quý 3/2018, một số doanh nghiệp như HAG, HVG đang “đi ngược chiều gió” để cải thiện kết quả kinh doanh yếu kém. Những ông lớn như GAS, VNM, HPG, VJC,... vẫn giữ được vị thế đầu tàu của mình. Bên cạnh đó, thị trường cũng đón nhận thêm VHM – đơn vị chiếm thị phần lớn nhất trong chiếc bánh lợi nhuận chung.
Theo thống kê của Vietstock, tính đến ngày 31/10//2018 đã có 666/703 doanh nghiệp niêm yết (không bao gồm nhóm ngân hàng, CTCK và bảo hiểm) công bố BCTC quý 3/2018. Trong đó, có 586 doanh nghiệp báo lãi, 80 doanh nghiệp báo lỗ, 281 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng, 255 doanh nghiệp có lợi nhuận lao dốc, 47 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ và 28 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi.
Trong quý 3/2018, 666 doanh nghiệp đã tạo ra 403,255 tỷ đồng doanh thu và 34,268 tỷ đồng lãi ròng, tương ứng tăng nhẹ 2% và 29% so với cùng kỳ năm 2017. Nhóm các doanh nghiệp đạt lãi ròng cao nhất vẫn là những cái tên quen thuộc như GAS, VNM, HPG, VJC, SAB, MSN,...
Riêng CTCP Vinhomes (HOSE: VHM) chỉ mới lên sàn vào tháng 5/2018 nhưng đã vượt mặt “đàn anh” vươn lên dẫn đầu lợi nhuận toàn thị trường với 3,848 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu chuyển nhượng bất động sản đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu doanh thu của VHM, góp phần đẩy lợi nhuận chung tăng trưởng.
Một điều đáng chú ý hơn, top lãi ròng cao nhất thị trường quý 3 năm nay có sự góp mặt của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) – một trong những doanh nghiệp đang đuối sức sau nhiều lần “vỡ mộng” ở những kế hoạch kinh doanh từ nhiều năm nay. Với kết quả hơn 403 tỷ đồng lãi ròng, cao gấp 3.6 lần cùng kỳ, nỗ lực thay đổi tình thế của HAG bắt đầu có “vị ngọt”.
Tương tự như HAG, kết quả kinh doanh của CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) cũng được xem là điều bất ngờ bởi lẽ không những doanh nghiệp này đã có lãi trở lại mà còn là một trong 20 doanh nghiệp dẫn đầu lợi nhuận thị trường trong quý 4 niên độ 2017-2018. Nhờ vào hoạt động thoái vốn cũng như bán tài sản, HVG báo lãi gần 366 tỷ đồng sau một năm mạnh tay tái cơ cấu.
Top 20 doanh nghiệp đạt lãi ròng cao nhất quý 3/2018. Đvt: Tỷ đồng
|
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp có lãi ròng tăng trưởng mạnh mẽ so cùng kỳ. CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (HOSE: UDC) báo lãi 6.9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi chưa đến 10 triệu đồng. Thế nhưng, kết quả này nhờ vào việc Công ty ghi nhận hơn 6.5 tỷ đồng lợi nhuận khác do Nhà nước đền bù thu hồi đất dự án của công ty mẹ.
Vẫn đang trong quá trình vật lộn với việc tái cấu trúc nợ, tuy nhiên, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA) đã có sự cải thiện đáng kể về biên lại gộp, từ 27.5% ở cùng kỳ lên 60.7%. Nhờ đó, lãi ròng của Công ty cao gấp 61 lần cùng kỳ với 83 tỷ đồng.
Đối với ông lớn Nam Long (HOSE: NLG), doanh thu thuần quý 3/2018 đạt hơn 1,330 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ doanh thu bán đất, căn hộ, nhà phố và biệt thự tăng đột biến với 1,786 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ chỉ có 758 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 3 của NLG có thể đánh giá là bội thu khi lợi nhuận thuần đạt hơn 560 tỷ đồng, lãi ròng đạt 420 tỷ đồng, gấp 6 lần và gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2017. Đây cũng là quý mà NLG đạt lợi nhuận cao nhất kể từ khi niêm yết.
Top 20 doanh nghiệp tăng trưởng lãi ròng cao nhất quý 3/2018. Đvt: Tỷ đồng
|
Điều đáng mừng hơn là những cái tên từng báo lỗ ở quý 3/2017 như HDG, CII, hay BCC đã xoay chuyển được cục diện và báo lãi trong quý 3/2018. Kết quả 103 tỷ đồng lãi ròng của CTCP Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) đến từ việc Công ty bắt đầu bàn giao nhà tại một số dự án bất động sản, các công trình xây lắp được nghiệm thu đúng kế hoạch. Đồng thời, mảng khách sạn sau một năm hoạt động đã tăng trưởng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Top 25 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi trong quý 3/2018. Đvt: Tỷ đồng
|
Ngoài tin vui từ những doanh nghiệp báo lãi hay đạt mức tăng trưởng cao, vẫn còn đó những doanh nghiệp đang theo đà trượt dốc.
Không nằm ngoài mối lo chung của những doanh nghiệp ngành thép, câu chuyện về giá vốn tăng cao đã ăn mòn lợi nhuận của CTCP Thép Nam Kim (HOSE: NKG). Biên lãi gộp trong quý 3 của NKG chỉ hơn 4.8%, trong khi cùng kỳ là 10.4%, dẫn đến lãi gộp giảm đến 57.4%. So với con số gần 206 tỷ đồng lãi ròng ở cùng kỳ thì lãi ròng kỳ này của NKG lao đến 99.8%, chỉ đạt hơn 730 triệu đồng.
Kế đó, CTCP Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) đứng trước nguy cơ vỡ kế hoạch kinh doanh 2018 khi lãi ròng quý 3 năm nay chỉ bằng 1% cùng kỳ với 1.4 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía Công ty, do chưa bàn giao căn hộ cho khách hàng cộng thêm không có thu nhập từ chuyển nhượng đầu tư tài chính nên lợi nhuận lao thẳng hơn 99%.
Top 20 doanh nghiệp giảm lãi mạnh nhất quý 3/2018. Đvt: Tỷ đồng
|
Trong khi hành trình vượt khó của HAG bước đầu có kết quả thì công ty con là CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) vẫn lầm lũi báo lỗ gần 225 tỷ đồng. Đặc biệt, khoản thu nhập khác giảm mạnh, chi phí khác lại tăng cao khiến lợi nhuận khác trong kỳ của HNG âm gần 413 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) cũng là một trong những doanh nghiệp lao đao với câu chuyện giá vốn. Dù doanh thu có tăng trưởng nhưng giá vốn tăng cao cộng thêm gánh nặng chi phí tài chính buộc HSG báo lỗ 102 tỷ đồng trong quý 4 niên độ 2017-2018 kể từ lần báo lỗ vào quý 1/2009. Khác với những doanh nghiệp khác, năm tài chính của HSG bắt đầu vào ngày 01/10 năm này đến 30/9 năm sau (niên độ 2017-2018 bắt đầu vào ngày 01/10/2017 và kết thúc vào ngày 30/9/2018).
Top 20 doanh nghiệp báo lỗ trong quý 3/2018. Đvt: Tỷ đồng
|
Kinh doanh dưới giá vốn đã khiến CTCP Thép Việt Ý (HOSE: VIS) lỗ gần 65 tỷ đồng trong quý 3/2018, trong khi cùng kỳ lãi 29 tỷ đồng. Bên cạnh hoạt động kinh doanh khó khăn, cơ cấu tài chính của VIS cũng bắt đầu bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại. Tính đến ngày 30/09/2018, hàng tồn kho của VIS tăng 90% lên 1,015 tỷ đồng và vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 25% lên 1,523 tỷ đồng.
Top 20 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ trong quý 3/2018. Đvt: Tỷ đồng
|
Nguyên Ngọc
FILI
|