Xuất khẩu cá tra có thể vượt 2 tỷ USD
Mỹ sẽ vươn lên vị trí số 1 về nhập khẩu cá tra Việt Nam...
9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 1,6 tỷ USD, 3 tháng cuối năm chính là mùa xuất khẩu. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu cá tra có khả năng đạt thậm chí vượt 2 tỷ USD. Đây là con số mà hồi đầu năm ít người dám q đến. Điều đáng nói là trong tháng 9/2018, xuất khẩu cá tra Mỹ đạt mức tăng khủng, tới 358% so với cùng kỳ 2017. Với đà tăng này Mỹ sẽ nhanh chóng vượt qua Trung Quốc, vì hiện nay chênh lệch kim ngạch giữa 2 thị trường này chỉ 10,13 triệu USD.
Tháng 9/2018 kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước ước đạt 175,15 triệu USD, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng dồn 9 tháng ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng gần 23% % so với cùng kỳ năm 2017. Top 3 thị trường chính lần lượt là Trung Quốc với mức tăng trưởng 33,3%. Mỹ thị trường đứng thứ 2 với mức tăng 41% và EU tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Hiện nay, có khoảng 24% tổng sản lượng cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và đây chỉ là con số chính thức, chưa tính đến thương mại vượt biên giới.
Tháng 9/2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc đạt khoảng 46 triệu USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ 2017, cộng dồn 9 tháng đạt 378,5 triệu USD, chiếm tỷ lệ 23,7%, tăng 33,3%. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 410,8 triệu USD, tăng 34,8% so với năm 2016, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của cả nước.
Trung Quốc vừa là thị trường xuất khẩu thủy sản khổng lồ trên thế giới nhưng cũng là thị trường có sức tiêu thụ mạnh mẽ đối với thuỷ sản. Với lợi thế có chung biên giới, Việt Nam có thể vận chuyển thủy sản cả đường bộ và đường biển trong thời gian và quãng đường ngắn sang Trung Quốc, thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thiếu tính ổn định với những quy định về hải quan, kiểm dịch không rõ ràng và thường xuyên thay đổi.
Cũng trong tháng 9/2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Mỹ đạt 47,12 triệu USD, tăng 357,6% so với cùng kỳ 2017, cộng dồn 9 tháng ước đạt 368,4 triệu USD, tăng 41%, chiếm tỷ lệ 23%.
Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), việc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) khẳng định hệ thống quản lý chất lượng cá da trơn của Việt Nam đáp ứng hoàn toàn các tiêu chuẩn quản lý chất lượng của Mỹ sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu cá tra vào thị trường này. Và dù chỉ là mức thuế sơ bộ chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14), vì kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào tháng 3/2019, nhưng về mặt tâm lý có thể tạo ra sự tăng trưởng tiêu thụ ở thị trường Mỹ từ nay đến cuối năm.
Với tốc độ tăng trưởng như trong tháng 9, có nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Mỹ năm nay đạt xấp xỉ 500 triệu USD. Do vậy, có nhiều khả năng năm 2018 kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ đạt thậm chí vượt mức 2 tỷ USD.
Tại thị trường thứ 3 EU, kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 9/2018 ước đạt 16,1 triệu USD, tăng 16,2%, cộng dồn 9 tháng đầu năm đạt 176,3 triệu USD, tăng 15,4%, chiếm tỷ lệ 11,2%.
Ngoài những thị trường truyền thống xuất khẩu cá tra sang dần khẳng định vị thế tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là tại thị trường Ai Cập cũng mức tăng trưởng ấn tượng.
Theo Vasep, 8 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Ai Cập đạt 24,2 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Ai Cập vẫn được coi là một trong 3 thị trường tiềm năng lớn của doanh nghiệp cá tra Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm từ 38 - 71% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng trong 3 tháng tiếp theo, giá trị xuất khẩu sang thị trường Ai Cập tăng rất mạnh từ 100,6 - 207,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2018, cá tra là sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Ai Cập có giá trị cao nhất, chiếm 81%, tiếp đó là tôm và các sản phẩm thủy sản khác.
Sự đình trệ nhập khẩu thủy sản, trong đó có cá tra của thị trường nhập khẩu lớn: Ảrập Xêut đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải đẩy mạnh sang thị trường UAE và Ai Cập. Nhờ đó, trong suốt 8 tháng qua, xuất khẩu cá tra sang thị trường này tương đối tốt. Tuy nhiên so với thị trường UAE thì thị trường Ai Cập bấp bênh và nhiều rủi ro hơn, nhất là trong khâu thanh toán.
NGUYỄN HUYỀN
VNECONOMY
|