Trước giờ G, nhiều doanh nghiệp hé lộ “sức khỏe” sau 9 tháng
Trước khi báo cáo tài chính hoàn thiện được công bố, khá nhiều doanh nghiệp niêm yết đã tạm tính được tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 3 cũng như sau 9 tháng hoạt động với kết quả khá khả quan.
Theo Thông tư 155 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, tất cả các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn không phân biệt có mô hình mẹ - con hay đơn lẻ đều phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Như vậy, đây là thời điểm các doanh nghiệp đang dần gấp rút hoàn thiện báo cáo tài chính quý 3/2018 để công bố ra công chúng. Tuy nhiên, trước khi báo cáo tài chính được công bố, khá nhiều doanh nghiệp đã tạm tính được tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 3 cũng như sau 9 tháng hoạt động với kết quả khá khả quan.
Tình hình kinh doanh 9 tháng của các doanh nghiệp có phần khả quan hơn nhiều.
|
Doanh nghiệp thủy sản cùng hồ hởi báo đạt kỷ lục
Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng 6.4% khi đạt 6.4 tỷ USD nhờ thị trường Mỹ áp thuế chống bán phá giá thấp hơn, cùng với việc Trung Quốc thay đổi nhu cầu tiêu thụ cá tra Việt Nam. Trước tình hình này, VASEP dự báo xuất khẩu cả năm có thể đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 9 tỷ USD, tăng trưởng đến 7%.
CTCP Nam Việt (HOSE: ANV) ghi nhận 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu ước đạt 2,800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 290 tỷ đồng. Tính riêng trong quý 3/2018, doanh thu của ANV đạt mức 1,100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng. Năm 2018, ANV đặt kế hoạch đạt 3,200 tỷ đồng tổng doanh thu và 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, chỉ trong 9 tháng, tổng doanh thu của ANV đạt 87.5% kế hoạch, còn lợi nhuận sau thuế vượt tới 16% kế hoạch cả năm.
Với tình hình này, lãnh đạo ANV cho biết, Công ty đặt kế hoạch quý 4 sẽ tương tự như quý 3. Từ đó, tổng doanh thu cả năm sẽ vào khoảng 3,600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng. Như vậy, khả năng cả năm ANV sẽ vượt 60% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Cũng không nằm ngoài thời cuộc, nhà máy Vạn Đức Tiền Giang của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) đã phá kỷ lục xuất khẩu trong tháng 7, còn tháng 8 đạt 41 triệu USD, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tháng 8 tăng 27% nhờ nguồn cung dồi dào trong mùa thu hoạch và bán trung bình giá vẫn ở mức cao. Trong tất cả các sản phẩm của VHC, cá tra phi lê tăng gần gấp đôi về giá trị xuất khẩu. Các sản phẩm khác cũng tăng trưởng mạnh mẽ, chẳng hạn như bột cá và dầu cá (73%), collagen và gelatin (174%).
Đối với ngành tôm, CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) cũng đạt doanh số tháng 9/2018 cao nhất kể từ lúc thành lập đến nay, với trên 18 triệu USD. Lũy kế tháng 9, sản lượng tôm chế biến của FMC là 17,200 tấn, bằng 91% kế hoạch cả năm. Doanh số đạt 169 triệu USD, bằng 89% kế hoạch năm. Riêng lợi nhuận hoàn thành kế hoạch cả năm, trước 3 tháng. FMC cho biết, khả năng năm nay lợi nhuận vượt chỉ tiêu kế hoạch từ 40 - 50%. Được biết, năm 2018, FMC đặt mục tiêu doanh thu tiêu thụ đạt 4,350 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ít nhất 140 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (HOSE: MPC) cũng đạt mức xuất khẩu kỷ lục trong tháng 8 với 8,354 tấn, tăng hơn 35% so cùng kỳ; ghi nhận giá trị xuất khẩu đạt 89.73 triệu USD, tăng gần 18%. Doanh thu thuần 8 tháng của MPC đạt 10,735 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế cũng tăng 68% khi đạt hơn 563 tỷ đồng.
Dầu khí cũng tăng tốc
Trong 9 tháng đầu năm 2018, giá dầu thô trên thị trường quốc tế tăng mạnh, lên mức 70-80 USD/thùng. Đó là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành dầu khí có cơ hội hồi phục hơn so với thời gian trước.
Điển hình như Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT), trong 9 tháng đầu năm, doanh thu ước đạt 5,700 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 540 tỷ đồng, lần lượt vượt kế hoạch cả năm tới 9% và 23%. PVT dự kiến đạt doanh thu 7,000 tỷ đồng trong năm nay.
Theo PVT, kết quả kinh doanh khả quan như vậy là nhờ những thuận lợi của thị trường trong và ngoài nước. Trong 9 tháng đầu năm 2018, giá dầu thô trên thị trường quốc tế tăng mạnh. Đặc biệt, Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất hoạt động ổn định, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn dự kiến chính thức sản xuất thương mại vào tháng 11/2018 sẽ là những điều kiện thuận lợi tiếp theo cho PVT. Từ đầu năm đến nay, PVT tham gia vận chuyển một số lô dầu thô bằng tàu VLCC cũng như vận chuyển sản phẩm đầu ra cho NMLD Nghi Sơn theo hình thức đấu thầu theo từng lô và đang triển khai xây dựng phương án vận chuyển dài hạn khi NMLD Nghi Sơn đi vào hoạt động ổn định.
Mặc dù chưa công bố con số cụ thể, nhưng Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS) cho biết trong năm 2018, GAS triển khai kế hoạch với bối cảnh khách quan có nhiều điều kiện không thuận lợi. Tuy nhiên, GAS đã hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch 9 tháng đầu năm, các kết quả thực hiện chỉ tiêu tài chính đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Kế hoạch giai đoạn cuối năm 2018 được GAS đề ra là hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu sản lượng khí 3 tháng còn lại và cả năm 2018; triển khai mạnh công tác bán lẻ LPG theo chiến lược được duyệt; công tác tái cấu trúc theo kế hoạch mà PVN chấp thuận giai đoạn 2016-2020 được triển khai đồng bộ.
Còn với CTCP CNG Việt Nam (HOSE: CNG), doanh thu 9 tháng đạt hơn 1,336 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 91 tỷ đồng, tăng lần lượt 35% và 10% so với kế hoạch 9 tháng đầu năm. Sản lượng khí CNG tiêu thụ cũng tăng 31% so với kế hoạch 9 tháng đầu năm, đạt 122.5 triệu Sm3. CNG đề ra kế hoạch trong 3 tháng cuối năm 2018 với doanh thu 403.7 tỷ đồng và 35 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, PLX), 8 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 3,430 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ triển khai nhiều giải pháp như bám sát diễn biến giá dầu thế giới để cân đối linh hoạt nguồn từ các nhà máy lọc dầu trong nước và nhập khẩu; quản lý chặt chẽ chất lượng xăng dầu.
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower, POW) thì cho biết, 8 tháng đầu năm doanh thu hơn 21,655 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch cả năm. Trong tháng 8, sản lượng điện của POW đạt hơn 1,320 triệu kWh, tăng lũy kế 8 tháng lên 14,832.7 triệu kWh và đạt 69% kế hoạch cả năm. Doanh thu tháng 8 đạt 2,034 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng ở mức 21,655 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch cả năm.
Các ngành nghề khác thì sao?
Ở chiều khả quan, trong cuộc họp gần đây, HĐQT của CTCP Thủy sản Mê Kông (HOSE: AAM) đã thông qua kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018 với sản lượng đạt 2,527 tấn, thực hiện hơn 50% kế hoạch cả năm. Về mặt chỉ tiêu tài chính, Công ty lần lượt ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế là 169 tỷ đồng và 10.5 tỷ đồng. Với kết quả này, AAM đã thực hiện được hơn 76% kế hoạch doanh thu và gấp đôi chỉ tiêu lợi nhuận 5 tỷ đồng đề ra trước đó.
Trong tháng 8 năm 2018, Tổng CTCP Viglacera (HNX: VGC) đã đạt lợi nhuận trước thuế toàn 73.7 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 664.4 tỷ đồng, thực hiện được gần 70% kế hoạch năm. Đối với mảng kinh doanh bất động sản, VGC cho biết, lợi nhuận lũy kế 8 tháng đầu năm 2018 lãi 297 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch. Đối với mảng vật liệu xây dựng, VGC cho biết mảng sản xuất kinh doanh gạch ốp lát đã có các dấu hiệu tích cực hơn so với thời điểm đầu quý 3. Các đơn vị trong nhóm hàng sứ vệ sinh đã đạt và vượt các chỉ tiêu chính trong kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Theo thông tin công bố mới đây của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG), trong 8 tháng đầu năm 2018, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 58,667 tỷ đồng, doanh thu online đạt 7,557 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1,969 tỷ đồng. Tương ứng tăng trưởng 39% doanh thu thuần, 118% doanh thu online và 36% lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm 2017.
Tính đến hết quý 3/2018, lợi nhuận sau thuế của CTCP Bất động sản Netland (HNX: NRC) đạt khoảng 50 tỷ đồng, tương ứng với 71% kế hoạch cả năm. Lãnh đạo NRC cho biết, kế hoạch kinh doanh 70 tỷ đồng lãi ròng cho cả năm chắc chắn sẽ thực hiện được. Trong quý cuối năm, NRC sẽ ghi nhận lợi nhuận dự kiến được chia từ dự án Haborizon Nha Trang là 45 tỷ đồng.
Đối với CTCP Bất động sản Thế Kỷ (HOSE: CRE), trong quý 3/2018, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của CRE đạt gần 277 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu dịch vụ đạt 227 tỷ đồng, số còn lại là doanh thu đầu tư thứ cấp. Doanh thu thuần đạt gần 265 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 42 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị IDICO (HOSE: UIC) cũng ước tính tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt trên 1,870 tỷ đồng và 46.4 tỷ đồng, tương ứng thực hiện được 79% kế hoạch doanh thu và 89% kế hoạch lợi nhuận năm. Với kết quả đó, UIC đặt chỉ tiêu tổng doanh thu đạt 652 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 13 tỷ đồng. Với mục tiêu này, Công ty đang đặt kế hoạch vượt 7% kế hoạch năm về doanh thu và hơn 14% về lợi nhuận.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) ước đạt trên 4,478 tỷ đồng doanh thu trong tháng 9, thấp hơn gần 10% so với tháng trước nhưng vẫn tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế từ đầu năm đến tháng 9/2018, VGT đạt mức doanh thu 36,409 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so cùng kỳ và thực hiện gần 76% kế hoạch cả năm.
Tương tự, CTCP Đầu tư – Thương mại SMC (HOSE: SMC) đạt doanh thu 12,360 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 212 tỷ đồng sau 9 tháng, lần lượt thực hiện 103% và 85% kế hoạch cả năm 2018. Tính trong 9 tháng này, SMC đạt sản lượng tiêu thụ 855,000 tấn thép các loại.
Chỉ tính riêng trong tháng 8/2018, lợi nhuận sau thuế của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) tăng 41% so với cùng kỳ khi đạt hơn 27 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu năm, TNG báo lãi gần 118 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 8 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của CTCP FPT (HOSE: FPT) lần lượt đạt 14,061 tỷ đồng và 2,340 tỷ đồng, tăng 19% và 32% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1,547 tỷ đồng, tăng 19% và lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 2,526 đồng. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận đạt 16.6%, bằng 2.3 lần so với cùng kỳ.
Ngược lại, CTCP Nhựa Đà Nẵng (HNX: DPC) lại ghi nhận kết quả kinh doanh khá èo uột với sản lượng tiêu thụ trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt 863 tấn sản phẩm các loại. Doanh thu 8 tháng ước đạt 43.6 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 3 tỷ đồng, tương ứng chỉ mới thực hiện được gần 43% kế hoạch doanh thu và xấp xỉ 44% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
CTCP Vicostone (HOSE: VCS) cũng tương tự khi công bố kết quả kinh doanh dự kiến quý 3/2018 với doanh thu và lợi nhuận chững lại. Theo đó, trong quý 3/2018, VCS ước đạt doanh thuần 1,056 tỷ và lợi nhuận sau thuế sẽ là 267.5 tỷ đồng, hầu như không tăng trưởng so với kết quả đạt được trong cùng kỳ năm 2017.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, VCS ước đạt hơn 3,208 tỷ doanh thu và lãi sau thuế gần 788 tỷ đồng, lần lượt giảm nhẹ 1% và 6.7% so với cùng kỳ năm trước. Với kế hoạch 2018, VCS đặt chỉ tiêu tổng doanh thu 5,290 tỷ và 1,355 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, như vậy lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, Công ty đã lần lượt thực hiện 60.6% và 67.9% kế hoạch cả năm.
Minh An
Fili
|