Thanh long thê thảm: Giải cứu hay để thị trường quyết định?
Hiện giá thanh long ruột trắng chỉ có 500-1.000 đồng/kg, loại kém chất lượng thì đổ bỏ không ai mua, thậm chí phải đổ bỏ cho bò ăn.
Thanh long tại các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang… tiếp tục rớt giá mạnh. Hiện giá thanh long ruột trắng chỉ có 500-1.000 đồng/kg, loại kém chất lượng thì đổ bỏ không ai mua, thậm chí phải đổ bỏ cho bò ăn.
Việc kêu gọi “giải cứu” thanh long lại bắt đầu rộ lên trên các diễn đàn, mạng xã hội. Nhiều người kêu gọi người tiêu dùng lẫn DN chung tay mua thanh long hỗ trợ nông dân.
Hệ thống siêu thị Lotte Mart Việt Nam cũng đang hỗ trợ thu mua và tiêu thụ thanh long Bình Thuận với mức giá tốt. Theo kế hoạch, từ 9 đến 14-10, Lotte Mart ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng sẽ hỗ trợ tiêu thụ khoảng 5-7 tấn thanh long.
Lotte Mart mua thanh long tại vườn cho nông dân với mức giá 5.000-7.000 đồng/kg (loại 450 g/trái trở lên, trái sạch không bị nám da) và bán ra với mức giá không lợi nhuận 5.900 đồng/kg tại Lotte Mart Nha Trang và Phan Thiết; 8.500 đồng/kg tại các trung tâm còn lại.
Được biết, Saigon Co.op cũng đang có kế hoạch ‘giải cứu’ thanh long ở miền Tây và Bình Thuận.
'Giải cứu' thanh long chỉ là giải pháp trước mắt, lâu dài phải quy hoạch lại vùng sản xuất, tăng chất lượng, liên kết chuỗi với DN bán lẻ, siêu thị và xuất khẩu.
|
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T, cho biết hiện nay DN vẫn thu mua thanh long tại vườn của nông dân với giá 16.000 đồng/kg (ruột trắng), 24.000 đồng/kg (ruột đỏ) để xuất khẩu sang Mỹ.
Điều kiện thu mua là nông dân phải tham gia chuỗi liên kết với DN, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn của Mỹ và được cấp mã số theo quy định.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, DN cũng chỉ thu mua theo sản lượng xuất khẩu theo hợp đồng bình thường, không tăng lên.
"Tình hình hiện nay cũng là hồi chuông cảnh báo cho các DN, nông dân cần thay đổi sản xuất để đa dạng hóa thị trường, tránh bị phụ thuộc vào một vài thị trường. Nếu tiếp tục sản xuất theo cách cũ, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết...thì chỉ có thể bán cho Trung Quốc với quá nhiều rủi ro", ông Tùng cảnh báo.
Nhiều hộ nông dân trồng thanh long vẫn bán được giá cao ổn định nhờ trồng theo tiêu chuẩn Viet GAP, liên kết với các DN xuất khẩu.
|
TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng liên quan đến câu chuyện giải cứu nông sản ế phải có giải pháp tổng thể bắt đầu từ Nhà nước, phải thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất mới giải quyết được tình trạng dư thừa nông sản.
“Phải tổ chức phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp tại các vùng nguyên liệu được quy hoạch. Liên kết được các hộ nông dân, trang trại nhỏ lẻ thành hợp tác xã mới giải quyết được bài toán sản xuất manh mún, mới có thể đưa công nghệ sản xuất hiện đại, ký kết hợp tác DN chế biến, bán lẻ, xuất khẩu” - TS Mai nói.
Đồng quan điểm với TS Võ Mai, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng lỗi ở đây không phải hoàn toàn do nông dân mà còn do năng lực của hai bộ NN&PTNT và Công Thương về trách nhiệm trong việc nông sản ế đọng phải giải cứu.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, hai bộ này thiếu hệ thống cảnh báo, thông tin thị trường kịp thời và hiệu quả cho các ngành sản xuất nông sản. Riêng vấn đề nguồn cung thanh long vượt cầu dẫn đến ế, TS Thành cho rằng không cần giải pháp mà hãy để tự thị trường điều chỉnh; nông dân sản xuất nông sản không đảm bảo chất lượng, không liên kết tiêu thụ thì sẽ tự họ ngừng sản xuất, nguồn cung tự cân đối với nhu cầu...
QUANG HUY
PHÁP LUẬT
|