Thứ Tư, 31/10/2018 08:45

Siết chuyển giá, công ty Việt bị vạ lây: Vẫn phải 'nằm' chờ luật?

Các doanh nghiệp Việt bị “vạ lây” bởi quy định “siết” chuyển giá, khống chế trần lãi vay sẽ vẫn phải chờ...

>> Siết chuyển giá, công ty Việt bị vạ lây: Nhiều doanh nghiệp đối mặt với thua lỗ

>> Siết chuyển giá, công ty Việt bị vạ lây

Chính sách chưa hợp lý gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Ngọc Thắng

Các doanh nghiệp Việt bị “vạ lây” bởi quy định “siết” chuyển giá, khống chế trần lãi vay sẽ vẫn phải chờ, trong khi đại diện Tổng cục Thuế cho biết chính sách này phải đến năm sau mới có thể được sửa đổi theo luật Quản lý thuế đang trình Quốc hội.

Chính sách thuế khiến DN lãi giả, lỗ thật

Như Thanh Niên đã phản ánh, cuối tháng 2.2017, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết (hiệu lực từ 1.5.2017) với mục tiêu quản lý, chống thất thu thuế thu nhập DN với các DN có quan hệ liên kết.

Một trong những vấn đề mấu chốt của Nghị định 20 là khống chế tỷ lệ lãi vay. Khoản 3, điều 8 quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN (TNDN) không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Nghĩa là, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Quy định này khiến nhiều tập đoàn lớn như EVN, Lilama, Vinacomin, Vicem… gặp khó khăn lớn, thậm chí còn thiệt hại, hạn chế DN đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh ở những lĩnh vực cần khuyến khích phát triển, trên những địa bàn đặc biệt khó khăn cần khuyến khích đầu tư.

Mới đây nhất, Công ty TNHH BOT 36.71 cũng phản ánh dự án BOT là dự án có vốn đầu tư rất lớn, vốn vay chiếm tỷ lệ cao (81% là vốn vay), tỷ lệ này đã thể hiện rõ trong hợp đồng BOT và DN buộc phải vay vốn thông qua tổng công ty (công ty mẹ) do chỉ có công ty mẹ mới có đủ khả năng thực hiện vay vốn. Hơn nữa, công ty mẹ không tính chênh lệch lãi suất khi cho DN dự án (công ty con) vay lại. Toàn bộ chi phí lãi vay đều là chi phí lãi thực tế phải trả ngân hàng để thực hiện dự án BOT.

Hiện nay, dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh (thu phí hoàn vốn), nhưng do mới đi vào hoạt động, vốn đầu tư lớn, điểm hòa vốn dài, chi phí lãi vay cao, những năm đầu lợi nhuận trước thuế bị âm nhiều. Điều này cũng đã được tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng BOT.

Nếu tuân thủ theo quy định trên có nghĩa là DN không có lãi hoặc lãi thấp thì chi phí lãi vay bị loại sẽ rất lớn. “Tinh thần của Nghị định 20/2017/NĐ-CP là nhằm chống chuyển giá, chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước, tránh tình trạng lãi thật lỗ giả. Nhưng trong trường hợp này nếu bị khống chế lãi vay theo quy định trên sẽ chuyển thành tình trạng “lỗ thật lãi giả” khi quyết toán thuế TNDN, gây khó khăn cho công ty trong quá trình huy động vốn và thanh toán nợ cộng lãi vay ngân hàng thông qua tổng công ty (công ty mẹ)”, đại diện Công ty BOT 36.71 cho biết.

Không phù hợp thì sửa ngay

Sau hàng loạt kiến nghị của DN, Bộ Tài chính đã bổ sung nội dung liên quan vào luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quản lý thuế.

Ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết một số nội dung, trong đó có quy định trên, được đưa vào nội dung sửa đổi. Hướng đi của luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ chỉ áp dụng mức trần 20% về chi phí lãi vay phát sinh đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN có giao dịch về vay vốn với các bên có quan hệ liên kết nhưng có mức thuế TNDN khác nhau. Riêng đối với tổng công ty, công ty mẹ - công ty con ở cùng lãnh thổ VN, cùng mức thuế TNDN, cùng mức ưu đãi về thuế TNDN thì áp dụng trên báo cáo tài chính hợp nhất của đơn vị nộp thuế.

“Nội dung trên đã được đưa vào luật Quản lý thuế sửa đổi để trình Quốc hội tại phiên họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 đang diễn ra. Dự thảo luật sẽ được các đại biểu thảo luận vào ngày 8.11 tới đây, nhưng phải kỳ họp sau mới thông qua”, ông Tuấn nói.

Kỳ họp sau, tức kỳ họp thứ 7 sẽ diễn ra vào tháng 5.2019, trong trường hợp Quốc hội thông qua thì theo PGS-TS Ngô Trí Long cũng phải cuối năm 2019 mới có hiệu lực, rồi còn chờ ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn... Từng đó thời gian, không ít DN Việt vì cách tính trần khống chế 20% tỷ lệ lãi vay trừ vào chi phí trước khi tính thuế thu nhập sẽ bị thiệt hại nặng.

Đồng quan điểm này, một chuyên gia trong lĩnh vực thuế cũng cho biết, vừa qua, vụ việc đổi 100 USD bị phạt, báo chí đưa tin, dư luận quan tâm, phía Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng khẳng định sẽ báo cáo Chính phủ để sửa đổi, tiếp thu. Phó thủ tướng cũng chỉ đạo và tại phiên chất vấn hôm qua (30.10), Chủ tịch Quốc hội cũng đã nêu ý kiến, chính sách nào mà không phù hợp thì phải nhanh chóng sửa đổi cho người dân. “Chính sách không đúng, không phù hợp, gây khó khăn, thiệt hại cho DN thì phải sửa ngay. Đó mới là tinh thần cải cách của Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động”, chuyên gia này đề nghị.

Tiêu Phong

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   Đường cao tốc 34.500 tỉ lộ thêm vi phạm (31/10/2018)

>   Đề xuất gần 10.500 tỉ làm cao tốc từ TP.HCM đi Tây Ninh (31/10/2018)

>   TP.HCM kêu gọi đầu tư vào 253 dự án (30/10/2018)

>   Nikkei: Một số công ty Việt bắt đầu hưởng lợi từ chiến tranh thương mại (30/10/2018)

>   Bộ Giao thông nghiên cứu hai phương án mở rộng Nội Bài (30/10/2018)

>   Vốn FDI: Thực và ảo (30/10/2018)

>   Doanh nghiệp Việt rót hơn 300 triệu USD đầu tư ra nước ngoài (30/10/2018)

>   Biến tướng của tour giá rẻ là hoạt động kinh doanh trái phép, lừa đảo (30/10/2018)

>   Cuộc chiến của các công ty giao đồ ăn trực tuyến (30/10/2018)

>   Các thuê bao được chuyển mạng giữ số từ 16/11 (30/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật