Thứ Hai, 22/10/2018 08:41

Nỗ lực nắm bắt cơ hội làm ăn với nhà sản xuất ngoại

Các tổ chức mua hàng đang tích cực tư vấn, đào tạo doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa

Bộ Công Thương và Tập đoàn Samsung vừa tổ chức lễ tổng kết "Dự án đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam", trao chứng nhận cho 25 tư vấn viên ở khu vực phía Nam. Các tư vấn viên này đã có thể tư vấn cải tiến cho các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam và ngay tại công ty mình.

Thêm giải pháp hỗ trợ

"Dự án đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam" là sáng kiến của Tập đoàn Samsung cùng Bộ Công Thương nhằm đào tạo 200 chuyên gia tư vấn hỗ trợ các DN CNHT cải thiện năng lực cạnh tranh để từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm tại Supporting Industry Show 2018

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, cho biết mỗi năm, Samsung Việt Nam đang phải nhập 30 triệu USD linh kiện phụ tùng, đây là cơ hội lớn cho các nhà cung ứng Việt Nam. Từ năm 2014, Samsung Việt Nam đã bắt đầu tìm kiếm nhà cung ứng trong nước và chủ động tìm kiếm, hướng dẫn DN CNHT Việt Nam cải tiến nhưng số DN được hỗ trợ còn rất ít. Các tư vấn viên vừa được đào tạo sẽ giúp Samsung làm công việc hướng dẫn này.

Không chỉ Samsung, các nhà sản xuất Nhật Bản cũng rất quan tâm tìm kiếm nguồn cung ứng tại chỗ để tăng tỉ lệ nội địa hóa. Gần 60% DN Nhật Bản ở Việt Nam được khảo sát gần đây cho biết sẽ nâng cao tỉ lệ nội địa hóa. Và để phát triển nguồn cung ứng tại chỗ, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đang triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các DN CNHT và cung cấp thông tin tổ chức nhiều hoạt động kết nối kinh doanh giữa các DN Việt - Nhật... Bên cạnh đó, JETRO thường xuyên phối hợp với Trung tâm Phát triển CNHT TP HCM, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (ITPC) tổ chức các buổi hội thảo, triển lãm chuyên ngành về CNHT; những buổi kết nối trực tiếp, giúp các DN CNHT Việt Nam giới thiệu sản phẩm và đàm phán hợp tác kinh doanh với các công ty thu mua Nhật Bản.

Bỏ tâm lý chờ hỗ trợ

Mới đây, 33 DN Nhật Bản là người mua hàng và 30 công ty Việt Nam là những nhà cung cấp đã tham gia các hoạt động triển lãm giới thiệu sản phẩm và tìm hiểu kết nối tìm kiếm cơ hội hợp tác tại triển lãm về CNHT "Supporting Industry Show 2018". Các DN Nhật Bản đánh giá tay nghề của DN Việt Nam tham gia triển lãm đã được cải thiện, có thể đáp ứng yêu cầu của nhà mua hàng Nhật Bản. Đại diện Công ty Mitsubishi kỳ vọng có thể hợp tác cùng các DN Việt Nam trong những đơn hàng sắp tới.

Cũng khẳng định DN Việt Nam đang có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TP HCM, cho biết Sở Công Thương TP đã giao trung tâm phối hợp với Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza), Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cùng các tổ chức nước ngoài như JETRO, Tập đoàn Samsung… tổ chức nhiều hoạt động kết nối trực tiếp, hỗ trợ cải tiến cho các DN. Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng và DN sản xuất sản phẩm đầu cuối chỉ là một phần, DN không nên có tâm lý chờ hỗ trợ mà phải có chiến lược phát triển thông qua những triết lý kinh doanh, lộ trình đầu tư nhất định cũng như nỗ lực cải thiện năng lực quản lý, bảo đảm tính ổn định chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng... Bên cạnh đó là đẩy mạnh liên kết, tạo nền tảng dẫn dắt chuỗi cung ứng sản phẩm phụ trợ trong nước phát triển. 

500 gian hàng tham gia VIMAF và VSIF

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các DN CNHT trong nước kết nối trực tiếp với DN FDI, Trung tâm Phát triển CNHT TP HCM chủ trì phối hợp Hiệp hội Máy móc công nghiệp Hàn Quốc (KOAMI) và một số đơn vị tổ chức Triển lãm Quốc tế máy móc, thiết bị công nghiệp tại Việt Nam (VIMAF) và Triển lãm Sản phẩm CNHT Việt Nam (VSIF) 2018, sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 14-12 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (quận 7, TP HCM) với quy mô khoảng 500 gian hàng của 350 DN trong và ngoài nước. Trong đó, khoảng 200 gian hàng trưng bày chi tiết linh kiện sản phẩm CNHT Việt Nam.

PHƯƠNG AN

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Bán đồ ăn phải mang bao tay (22/10/2018)

>   Việt Nam là điểm đến của các nhà xuất khẩu bò (22/10/2018)

>   Các dự án điện mặt trời có “về đích” đúng hạn? (15/10/2018)

>   Doanh nghiệp kinh doanh gas “kêu trời” vì phải lập sổ theo dõi vỏ chai LPG (20/10/2018)

>   Hàng hiệu vài trăm nghìn đồng bán đầy chợ mạng (20/10/2018)

>   Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Làm gì để đẩy nhanh tiến trình? (20/10/2018)

>   Du lịch Việt: Sẽ còn thay đổi lớn với công nghệ 4.0 (20/10/2018)

>   Chuyển hóa đơn giấy sang điện tử: “Bà con không cần quá sợ hãi” (19/10/2018)

>   'Đại chiến' Grab - Vinasun: Tiết lộ bí mật kinh doanh khiến Grab lỗ mà không lỗ (19/10/2018)

>   Samsung Việt Nam lên tiếng về tin "chuyển sản xuất sang Triều Tiên" (19/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật