Ngành xi măng Việt sẽ chịu ảnh hưởng nếu Philippines áp dụng biện pháp tự vệ
Bên lề của buổi họp báo giới thiệu Triển lãm Quốc tế Vietbuild lần thứ 3 tại TP. HCM trong năm 2018 được tổ chức sáng ngày 18/10/2018, ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã chia sẻ về “bất ổn” trong quy luật tăng trưởng của xuất khẩu xi măng Việt Nam.
Năm vừa rồi, tiêu thụ xi măng từ tháng 4 đến khoảng tháng 10 sụt giảm do ảnh hưởng từ thời tiết (năm 2017 có 16 cơn bão), đồng thời, tác động từ chính sách thắt chặt, kiểm soát cát đặc đã dẫn đến giá cát tăng và khối lượng bị thiếu hụt, ngành xây dựng năm 2017 gần như bế tắc cũng từ đó.
Ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam
|
Thị trường năm nay lại khác hẳn. Từ tháng 1 đến tháng 4/2018, xuất khẩu xi măng tăng nhưng bắt đầu đến tháng 5, 6, 7 lại giảm so với tháng trước liền kề. Nguyên giảm vẫn chưa tìm ra được lời giải trong khi mọi điều kiện đều ổn định.
Một điều đặc biệt khác, xuất khẩu xi măng Trung Quốc theo lịch trình đến hết tháng 3 các nhà máy đóng cửa trong dịp mùa đông để bảo vệ môi trường và tập trung điện cho sinh hoạt sẽ bắt đầu sản xuất trở lại vào tháng 4. Như vậy, xuất khẩu xi măng của Việt Nam kể cả qua Trung Quốc và thế giới đều giảm ở tháng 5, 6, 7. Thế nhưng, từ tháng 8 thị trường lại tăng lên và tiếp diễn đà tăng sang đến tháng 9.
“Quy luật này thật sự chúng tôi đang nghiên cứu và chưa tìm được nguyên nhân vì sao? Có thể, bắt đầu có tác động của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng tác động như thế nào thì cần những nghiên cứu sâu hơn”, ông Cung cho biết.
Philippines đang nghiên cứu sử dụng biện pháp tự vệ lên xi măng Việt Nam
Một vấn đề khác liên quan đến việc Philippines đang nghiên cứu sử dụng giải pháp tự vệ để chống lại hàng xi măng nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á và đặc biệt là từ Việt Nam. Ông Cung cũng chia sẻ thông tin rằng, Philippines đã gửi các văn bản cho Chính phủ Việt Nam, Cục phòng vệ thương mại Việt Nam về các nội dung mà họ đang nghiên cứu.
“Đây là biện pháp tự vệ chứ không phải biện pháp phòng vệ và cũng không liên quan đến vấn đề bán phá giá. Có nghĩa là việc làm này phía Philippines không đổ lỗi gì cho phía Việt Nam mặc dù đang nghiên cứu. Mục tiêu của họ là không đổ lỗi cho Việt Nam”, ông Cung nhận định.
Biện pháp tự vệ có thể được sử dụng khi xuất hiện các hiện tượng sau:
Thứ nhất, nhập khẩu tăng đột biến cả về khối lượng và giá trị. Trong 2-3 năm trở lại đây hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Philippines tăng đến hàng trăm %.
Thứ hai, phải xét xem sự xuất khẩu hay sự nhập khẩu có tổn hại đến nền kinh tế của nước sở tại hay không. Điều này đồng nghĩa với việc Philippines phải chứng minh được xuất khẩu xi măng Việt Nam trong năm 2016, 2017 và 2018 làm hại đến kinh tế và ngành xi măng của Philippines.
Thứ ba, có những vấn đề chưa lường được như tình hình xi măng của khu vực Đông Nam Á và thế giới có xuất hiện tình trạng cung vượt cầu hay không thì Philippines có thể sử dụng biện pháp tự vệ.
Biện pháp tự vệ có thể được sử dụng thông qua một số hình thức như tăng thuế nhập khẩu, lập quota,… Một khi biện pháp tự vệ được thực thi chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang Philippines. Bởi vì hiện nay, lượng xi măng xuất khẩu của Việt Nam sang Philipines chiếm khoảng 41% trong tổng lượng xi măng xuất khẩu toàn cầu.
Việt Nam một mặt đang tìm cách phối hợp với Philippines để chứng minh rằng xi măng Việt Nam xuất khẩu sang Philippines đang mang lại lợi ích cho Philippines trong những năm vừa rồi, mặt khác đang xem xét nguyên nhân tại sao họ lại phát động các công việc này.
Về phía Bộ Tài chính cũng đang có những đề xuất và Nhà nước cũng đã bắt đầu xem xét lại việc điều chỉnh thuế theo hướng có lợi cho việc xuất khẩu khi nhận thấy việc xuất khẩu xi măng đang mang lại lợi ích cho quốc gia.
Trong năm 2017 và 2018, Philippines đầu tư thêm 3 nhà máy xi măng. Việc đầu tư thêm này rõ ràng làm lượng cung trong nước tăng, cho nên việc nhập khẩu sẽ phải giảm đi. Trong khi đó, đặc điểm đầu tư của Philippines giống thời kỳ đầu của Việt Nam là đầu tư theo kiểu nâng suất đầu tư, tăng giá thành xi măng và sức cạnh tranh thấp. Và theo đánh giá của ông Cung “tình hình bên đó rất phức tạp”.
Năm nay, xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam có thể đạt đến 30 triệu tấn trong khi mục tiêu đặt ra là cố gắng xuất khẩu 15 triệu tấn, ông Cung chia sẻ.
Nguyên Ngọc
FILI
|