Lo ngại gì khi thanh khoản tự do sụt giảm mạnh?
Thanh khoản tự do của hệ thống ngân hàng đã sụt giảm mạnh trở lại trong quý 3. Đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này và có gì đáng lo ngại sau diễn biến trên?
Sụt giảm mạnh so với quý 2
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20/9 là 8.74% so với đầu năm, thấp hơn 0.78% mức tăng trưởng tín dụng là 9.52%. Diễn biến trên đã đảo chiều so với quý 2, thời điểm tăng trưởng cung tiền M2 đạt 7.96% và cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 6.35%.
Với con số tăng trưởng cung tiền M2 và tín dụng tính đến cuối quý 3 như trên, dựa trên nền tảng cuối năm 2017, thì giá trị tăng thêm của M2 trong 9 tháng qua là hơn 716 ngàn tỷ đồng, trong khi phần tăng thêm của dư nợ tín dụng là gần 619.7 ngàn tỷ đồng, theo đó phần chênh lệch giữa tăng trưởng cung tiền và tín dụng là gần 96.3 ngàn tỷ đồng. Con số này thấp hơn nhiều so với mức chênh lệch lên đến 238.7 ngàn tỷ đồng vào cuối quý 2.
Nếu liên hệ thêm với hoạt động của các ngân hàng trên thị trường trái phiếu Chính phủ, thì phần vốn dư ra trong hệ thống ngân hàng càng giảm nhiều hơn. Cụ thể, trong 9 tháng qua, giá trị trái phiếu Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh phát hành trên thị trường sơ cấp là gần 128.5 ngàn tỷ đồng, thông thường các ngân hàng thương mại (NHTM) hấp thụ khoảng 90% lượng trái phiếu phát hành này, thì số tiền mà các NHTM đã rót vào kênh đầu tư trên là hơn 115.6 ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó, giá trị trái phiếu Chính phủ đáo hạn trong cùng thời gian là hơn 40 nghìn tỷ đồng, tương tự giả định số lượng trái phiếu này do NHTM nắm giữ cũng ở tỷ lệ 90%, thì số tiền mặt mà các NHTM thu về ước hơn 36 ngàn tỷ đồng. Theo đó, trong 9 tháng qua các NHTM đã rót ròng vào thị trường trái phiếu gần 79.6 ngàn tỷ đồng, do đó lượng vốn dư ra trong hệ thống ngân hàng chỉ còn vỏn vẹn 16.7 ngàn tỷ đồng, giám rất mạnh so với con số 204.7 ngàn tỷ đồng vào thời điểm cuối quý 2.
Ngoài ra, tính từ đầu năm đến tuần kết thúc ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng cộng 61.4 ngàn tỷ đồng trên thị trường mở, do đó phần thanh khoản dư thừa trong hệ thống đã chuyển sang âm 44.7 ngàn tỷ đồng. Nếu so với con số dương hơn 142.5 ngàn tỷ đồng vào cuối quý 2, thì có thể thấy một lượng thanh khoản rất lớn đã bị rút ra khỏi thị trường.
Nguyên nhân là gì?
Lý giải cho lượng thanh khoản dư thừa của hệ thống đã chuyển từ dương sang âm có thể gồm một vài nguyên nhân sau, đầu tiên là do NHNN trong quý 3 đã hút một lượng lớn tiền đồng ra khỏi hệ thống thông qua con đường bơm ngoại tệ vào thị trường. Theo những số liệu chia sẻ gần đây cho thấy NHNN đã bán 3.1 tỷ USD ra để bình ổn thị trường ngoại hối, giúp tỷ giá USD/VNĐ duy trì sự ổn định, đồng nghĩa với việc đã có khoảng 72 ngàn tỷ đồng bị rút ra.
Ảnh hưởng tiêu cực thứ hai từ việc thanh khoản tự do sụt giảm là làm giảm dòng tiền vào các kênh đầu tư tài sản, khiến giá của các thị trường này chịu áp lực. Diễn biến điều chỉnh mạnh của chứng khoán từ giữa quý 2 kéo dài sang quý 3, cũng như sự giảm nhiệt trên thị trường bất động sản những tháng gần đây là dấu hiệu rõ nhất, khi dòng tiền bị hạn chế.
|
Trong khi đó, dù NHNN gần đây thường bơm ròng trên thị trường mở để giảm áp lực căng thẳng thanh khoản cho hệ thống, bù trừ cho lượng tiền đồng bị rút ra qua kênh bán ngoại tệ như trên, thì tính từ đầu năm đến nay NHNN vẫn đang hút ròng lũy kế hơn 61.4 ngàn tỷ đồng như đã nói. Con số hút ròng này chủ yếu rơi vào quý 1, thời điểm sau Tết nguyên đán là chính.
Một yếu tố khác là do tăng trưởng tín dụng trong năm nay bị kìm hãm, trong khi chính bản thân một số NHTM Nhà nước do hệ số CAR quá thấp nên không thể đẩy mạnh tín dụng, vì vậy buộc phải rót vốn vào thị trường trái phiếu, nhất là khi lợi suất trái phiếu đã bắt đầu xu hướng phục hồi trở lại từ giữa quý 2 đến nay. Do đó, một lượng lớn thanh khoản đã tìm đến và nằm lại tại kênh trái phiếu.
Thống kê cho thấy dòng tiền ròng chảy vào thị trường trái phiếu trong quý 3 lên tới hơn 45.5 ngàn tỷ đồng, trong khi quý 2 chỉ có 18.6 ngàn tỷ đồng và quý 1 là 15.4 ngàn tỷ đồng. Dĩ nhiên một phần lượng tiền này cũng có thể quay lại hệ thống ngân hàng qua tiền gửi của KBNN, tuy nhiên với tiến độ giải ngân vốn cho các dự án đầu tư công chậm cũng đã góp phần ảnh hưởng lên tổng phương tiện thanh toán.
Lo ngại là tất yếu
Trong khi thanh khoản suy yếu khiến các NHTM giảm các hoạt động đầu cơ lướt sóng trên thị trường ngoại hối, vốn là một trong những yếu tố cũng đã góp phần giúp tỷ giá ổn định trở lại, thì một hệ quả tiêu cực khác là gây áp lực lên lãi suất huy động của chính các ngân hàng.
Thực tế cho thấy sau giai đoạn điều chỉnh giảm những tháng đầu năm nay, thì đặc biệt trong 2 tháng 8 và 9 vừa qua đã chứng kiến hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng mạnh lãi suất, trong đó có những ngân hàng lớn vốn lâu nay giữ ổn định như Vietcombank, Vietinbank hay BIDV. Nếu mặt bằng lãi suất tiếp tục đi lên, thì những lo ngại sẽ ngày càng tăng theo, không chỉ đến từ những người vay vốn mà cả giới đầu tư cũng thật sự phải lo lắng.
Ảnh hưởng tiêu cực thứ hai từ việc thanh khoản tự do sụt giảm là làm giảm dòng tiền vào các kênh đầu tư tài sản, khiến giá của các thị trường này chịu áp lực. Diễn biến điều chỉnh mạnh của chứng khoán từ giữa quý 2 kéo dài sang quý 3, cũng như sự giảm nhiệt trên thị trường bất động sản những tháng gần đây là dấu hiệu rõ nhất, khi dòng tiền bị hạn chế. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này được xem là cần thiết để tránh thị trường tăng trưởng quá nóng mà có thể dẫn đến rủi ro bong bóng tiềm ẩn.
Tuy nhiên, với định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại nhằm mục tiêu ưu tiên giữ ổn định vĩ mô, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang rủi ro hơn bao giờ hết từ chiến tranh thương mại, khủng hoảng kinh tế tại các nền kinh tế mới nổi và gần đây là rủi ro chính trị tại Liên minh châu Âu (EU), cũng như trước xu hướng thắt chặt của các ngân hàng trung ương trên thế giới, thì nhà điều hành không chỉ sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, mà việc thắt chặt cung tiền cũng trở nên cần thiết để tránh gây áp lực lên lạm phát.
Dù vậy, để có thể giữ được ổn định lãi suất, một thách thức khá lớn khi gần như mâu thuẫn với định hướng chính sách thắt chặt, thì việc bơm hút vốn linh hoạt để hỗ trợ thanh khoản vừa đủ, đúng nơi và đúng lúc cho các ngân hàng, mà không để phần thanh khoản tự do dư thừa quá lớn, cũng là điều cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.
Phan Thụy
FILI
|