Khi nào thì việc “cắt lỗ” là hợp lý?
Trong đầu tư chứng khoán, bất cứ ai, cho dù là huyền thoại đến mấy đi chăng nữa, cũng từng chịu nhiều quyết định sai lầm. Nhìn lại quãng đời đầu tư của bản thân, ngài Peter Lynch, dù đánh bại thị trường hàng chục năm với suất sinh lợi đều 30%, cũng phải thú nhận rằng: Đầu tư 10 khoản, ta đúng được 6 khoản trung bình thôi đã là hoàn toàn rồi!
Trước đây, hồi còn mới nghiên cứu đầu tư, chúng tôi cũng tò mò xem vậy thì các ông xử lý các khoản sai lầm còn lại như thế nào? Nhỡ chăng ta vừa bán xong, chịu lỗ nặng nề, thì cổ phiếu lại tăng mạnh? Còn nếu ta không bán, nhỡ đâu nó lại rớt mạnh xuống nữa? Bất cứ người nào đang thua lỗ, cũng vướng phải tình thế tiến thoái lưỡng nan (dilemma) như vậy.
Vì thế, kỳ này, chúng tôi xin mạn phép đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân, cũng như học hỏi từ các bậc huyền thoại, để đưa ra câu trả lời cho tình thế đó vậy…
Tại sao ta lại có tâm lý “sợ lỗ”
Sợ lỗ (loss-averse) là một thứ tâm lý loài người vừa vô cùng tự nhiên, vừa vô cùng phức tạp. Trong các bẫy tâm lý mà chúng tôi nói ở trên, sợ lỗ là sự kết hợp của cả hai thứ: Tâm lý nhất quán trong tư duy và tâm lý phủ nhận thực tại quá đau đớn.
Rất hiếm ai tự nhận mình sai khi trước đây họ từng đúng rất nhiều lần. Đám đông đồng ý với họ, giá cổ phiếu đồng ý với họ, tư duy của họ tự nhiên đóng lại với tất cả các góc nhìn ngược chiều khác lúc nào không hay. Rồi họ thua lỗ bất ngờ, lâm vào cảnh phủ nhận rằng họ đã thua lỗ, cho rằng thị trường đang phản ứng thái quá. Rất hiếm ai nhìn tài khoản mất hàng tỷ đồng, 20-30% trong chốc lát, mà không hề cảm thấy đau đớn.
Sợ lỗ, thành ra ta không dám đối diện với nỗi sợ và sai lầm của ta, ta bám víu vào hy vọng rằng mọi thứ sẽ phục hồi nguyên trạng, để rồi tài sản ngày qua ngày bào mòn dần…
Nếu ta không tự nhận sai lầm
Ta hy vọng vậy, nhưng ta đâu biết rằng để cổ phiếu hồi phục lại, nó cần mức tăng mạnh hơn rất nhiều (!) so với mức giảm:
Nếu ta lỗ 25%, ta cần sinh lời đến 33% mới quay lại mức cũ.
Nếu ta lỗ 50%, ta cần sinh lời đến 100% mới quay lại mức cũ.
Nếu ta lỗ 75%, phải sinh lời đến 300% mới đạt lại mức cũ.
Nếu ta thua lỗ nghiêm trọng mà ta không biết lý do tại sao, hầu như khả năng rất cao là lỗi nằm ở ta. Nếu ta đầu tư với kỷ luật, mua một cổ phiếu tuyệt vời với định giá thấp hơn lãi suất phi rủi ro, thấp hơn tốc độ tăng trưởng trung bình, mà không mang tính chu kỳ, rồi đa dạng hóa đúng mức, thì ắt hẳn ta đã không thua lỗ - hoặc nếu cổ phiếu có giảm mạnh nhất thời, thì trực giác ta cũng không khiến ta đau đớn và lo sợ đến vậy. Nếu ta không chấp nhận sai lầm sớm, và hành động mau, thì mức lỗ sẽ càng ngày lớn hơn – và sẽ rất khó để ta quay lại mức cũ như tỷ lệ tăng mà chúng tôi liệt kê ở trên. Ở đây, một lần nữa, câu châm ngôn của ngài Ben Franklin lại chí lí vô cùng: “Một tấc phòng ngừa còn hơn một tấn chữa trị.” Ta càng đối diện, nhìn nhận khách quan sai lầm của ta càng sớm, thiệt hại của ta càng nhỏ và ngược lại.
Nhìn lại lịch sử, thử hỏi nếu Bill Ackman chịu chấp nhận sai lầm tại Valeant sớm hơn, chắc quỹ của ông còn khá hơn bây giờ nhiều. Nếu Bill Miller chịu giảm bớt các cổ phiếu tài chính, ông đã không lún sâu như bây giờ. Nếu ông Đoàn Nguyên Đức chấp nhận rằng các mảng trái ngành mình đầu tư đều sai, bán nhanh đi, tập trung vào cốt lõi trước đây từng thành công, thì có lẽ HAG đã có tương lai sáng sủa hơn. Nếu các con bạc đỏ đen biết mình sai, chừa đi, tập trung làm ăn thì đã có bao nhiêu gia đình êm ấm trở lại, nhiều khi còn sống trong cẩn trọng, thịnh vượng hơn trước…
Khi nào ta nên sửa sai bằng việc “cắt lỗ”
“Ông nói thì hay lắm, lần nào tôi bán đi thì hệt như rằng cổ phiếu tăng lại ngay!” – nhiều người sẽ gay gắt lại với chúng tôi.
Trường hợp này gặp nhiều lắm, đặc biệt nếu ta chú tâm vào biến động giá cả thay vì nội tại kinh doanh (fundamentals) của doanh nghiệp - bao gồm trong bốn chữ cái M mà chúng tôi nói đi nói lại vậy. Việc sửa sai không thể quy thành công thức cứ giảm 8% là cắt lỗ như nhiều sách vở nói được – làm vậy ta sẽ hành động sai nhiều vô kể. Việc cắt lỗ để sửa sai cần sự suy xét thấu đáo và khách quan.
Ta cần nhìn lại lý do gốc rễ mà ta quyết định mua cổ phiếu là gì? Ta có đánh giá sai về doanh nghiệp hay không – lợi thế cạnh tranh và triển vọng tăng trưởng của nó có vấn đề? Ta có cả tin quá hay không – đâu là những dấu hiệu mà ban lãnh đạo doanh nghiệp đã lừa dối ta, tư lợi cá nhân? Ta có từng hưng phấn quá hay không, sẵn sàng trả 20.x P/E cho một công ty chu kỳ như tài chính – bất động sản, nghĩ rằng nó tăng trưởng cao vĩnh viễn, lên 30.x P/E? Trong khi định giá thị trường chung, định giá của các nước phát triển lân cận còn thua cả ta?
Câu trả lời cho việc nên cắt lỗ để sửa sai khi nào, nằm hoàn toàn ở những lý do mà ta mua nó ngay từ đầu. Ta mua sai vì sao, thì ta phải bán nó đi cũng vì lẽ đó. Ngài Peter Lynch luôn giữ bên mình cuốn sổ tay ghi lại những luận điểm đầu tư sơ khởi của ông, để khi nào thấy mình sai, ông lật lại, ngộ ra, và hành động thật đúng mực.
Kết luận
Bất cứ ai trên đường đời này đều từng mắc sai lầm lớn. Song, như triết gia Von Goethe đã nói: “Những người vĩ đại mà biết chấp nhận hạn chế của họ, thì sẽ tiến gần hơn đến sự hoàn thiện.” Còn nếu ta chọn sự tầm thường: Ta sẽ phủ nhận sai lầm của ta, để rồi chìm trong sự thất bại lẽ ra có thể đổi thay.
Lời cuối, ít ai biết rằng hồi còn niên thiếu mười mấy tuổi, ngài Buffett từng thua quá nửa tài sản tiết kiệm của ông vào trường đua ngựa. Mới đầu chỉ thua nhỏ, song càng thua, ông càng đặt cược lớn hơn mà không hiểu tại sao, cuối cùng ra về trắng tay. Sau này, ông nhìn lại mà nói rằng sai lầm sớm đó mới thực là may mắn. Nhờ vậy, ông học được bài học rằng: “Ta không thể thua lần thứ hai theo cách mà ta đã thua lần trước được.” Sau khi nhận ra sai lầm, nhất thiết nhà đầu tư cá nhân chúng ta cần tránh lại lỗi cũ, để rồi đầu tư không ngoan hơn. Dần dà, ta không những lấy lại vốn, mà thậm chí còn trở lại hơn trước bội phần.
Hà Hùng Anh – Golden Newsletter Vietnam
FILI
|