Doanh nghiệp niêm yết vật lộn với tái cấu trúc (Kỳ 3)
DST: Từ bán sách chuyển sang đầu tư tài chính
Tiền thân là công ty kinh doanh trong lĩnh phát hành sách giáo dục và văn phòng phẩm các loại, đến năm 2015, CTCP Đầu tư Sao Thăng Long (HNX: DST) quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực đầu tư tài chính và tư vấn M&A.
* Doanh nghiệp niêm yết vật lộn với tái cấu trúc (Kỳ 1)
* Doanh nghiệp niêm yết vật lộn với tái cấu trúc (Kỳ 2)
CTCP Đầu tư Sao Thăng Long (HNX: DST) tiền thân là CTCP Sách và Thiết bị Giáo dục Nam Định, thành lập từ năm 2004 với hoạt động kinh doanh chính ngày mới thành lập là phát hành sách giáo dục và văn phòng phẩm các loại. Tới năm 2007, Công ty chính thức được niêm yết lên sàn HNX với vốn điều lệ 10 tỷ đồng.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của DST kể từ ngày lên sàn, có thể thấy Công ty không mấy thành công với mảng kinh doanh sách giáo dục và văn phòng phẩm. Mặc dù có nguồn doanh thu tăng trưởng đều. Giai đoạn từ 2010-2014, Công ty ghi nhận doanh thu tăng trưởng bình quân 7.5% từ mức 25.3 tỷ đồng lên trên 33.8 tỷ đồng. DST lại không thu được nhiều lợi nhuận lắm vì mức biên lãi gộp quá thấp. Cụ thể, mức biên lãi gộp của Công ty năm 2010 đạt mức 12% và giảm dần đều qua các năm, tới năm 2014, biên lãi gộp chỉ còn ở mức 8%.
Sau khi trừ đi chi phí bán hàng và quản lý, lãi ròng trong giai đoạn không năm nào vượt 1 tỷ đồng. Cá biệt, năm 2012, DST ghi nhận lỗ ròng gần 100 triệu đồng.
Cơ cấu tài chính của DST giai đoạn từ 2010-2017
Nguồn: BCTC các năm của DST
|
Trước tình hình kinh doanh không mấy lời lãi, DST đã quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực đầu tư tài chính và tư vấn M&A. Năm 2015, Công ty đã phát hành cổ phiếu nâng vốn điều lệ mức 165. Số tiền thu về từ phát hành cổ phiếu đã được Công ty sử dụng mua lại vốn góp tại Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Smart Invest. Năm 2016, Công ty ghi nhận doanh thu đạt hơn 42 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 17% so với năm 2015 và mức biên lợi nhuận tăng mạnh từ 9% lên 20%. Tuy nhiên, kết quả lãi ròng vẫn không được cải thiện là mấy. Lý do là vì song song với tăng trưởng doanh thu các khoản chi phí quản lý của Công ty cũng tăng mạnh. Cụ thể, năm 2016, DST phải chịu mức chi phí quản lý tới hơn 8.6 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm trước. Có vẻ Smart Invest vẫn chưa phải là nước cờ chuẩn xác của DST.
Tuy vậy, năm 2016, DST vẫn tiếp tục phát hành thêm cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên 323 tỷ đồng. Số tiền thu được tiếp tục được sử dụng để mua thêm vốn góp tại Smart Invest. Đồng thời, Công ty lại rót thêm vốn vào một công ty khác là Công TY TNHH Đầu tư và Thương mại Hưng Thịnh An.
Nói về hoạt động tài chính, giai đoạn 2016 – 2017, DST bắt đầu ghi nhận tăng trưởng trong doanh thu từ mảng này, tuy nhiên, không lời lỗ là mấy. Năm 2016, DST chỉ lời khoảng 400 triệu đồng từ hoạt động tài chính, trong khi năm 2017, Công ty lỗ hơn 100 triệu từ hoạt động này.
Liên tiếp phát hành tăng vốn lên gấp hàng chục lần để thâu tóm các công ty khác, năm 2017, doanh thu của Công ty tăng trưởng tới gần 50%, đạt mức 63.5 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của DST vẫn không được cải thiện khi Công ty ghi nhận lỗ ròng tới hơn 11 tỷ đồng!? Lý do là vì biên lợi nhuận thấp không đủ bù đắp chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cộng thêm khoản lỗ 9 tỷ đồng khác do bị tịch thu, thanh lý tài sản cố định. DST lại một lần nữa khiến nhà đầu tư phải nghi ngại về công cuộc tái cơ cấu của mình.
Kết quả kinh doanh của DST giai đoạn 2010-2017
Nguồn: BCTC các năm của DST
|
Không nản chí, Công ty vẫn tiếp tục đi theo con đường vạch ra từ trước. Theo nghị quyết HĐQT năm 2017, Công ty đã tách mảng kinh doanh sách giáo dục và văn phòng phẩm thông qua việc thành lập công ty con CTCP Sách và Thiết bị Giáo dục Nam Định với vốn điều lệ 10 tỷ đồng và đổi tên thành CTCP Đầu tư Sao Thăng Long. Sang năm 2018, DST đã có những động thái chuyển hướng đầu tư vào các công ty con thuộc lĩnh vực may mặc. Cụ thể, ngày 07/03, Công ty quyết định góp 12 tỷ đồng vào Công ty TNHH Thời trang và May mặc Demoda dẫn tới sở hữu 19.35% vốn điều lệ. Ngày 09/03, Công ty đã đồng ý góp vốn vào CTCP Thời trang Clothesrack với số vốn góp là 37 tỷ đồng, chiếm 37% vốn điều lệ của Clothesrack.
Đáng chú ý, trong năm 2018, Công ty đã thông qua phương án thoái toàn bộ vốn khỏi Smart Invest với giá trị không thấp hơn 175.8 tỷ đồng. Được biết, DST khá chắc chắn về phương án thoái vốn này vì đã tìm được đối tác tin tưởng.
Song song đó, Công ty dự kiến trong quý 3/2018 sẽ thực hiện phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược với giá 10,000 đồng/cp. Số tiền thu về sẽ được dùng bổ sung vốn lưu động cho hoạt động than thương mại than và một số hoạt động khác.
Sau hàng loạt nước đi trong ván cờ tái cơ cấu, nửa đầu năm 2018, doanh thu lần lượt đạt 196 tỷ đồng và lợi nhuận 17.8 tỷ đồng, tương ứng tăng 448% về doanh thu và 1,634% so với cùng kỳ. Tuy kết quả kinh doanh chuyển biến hết sức tích cực, nhà đầu tư không khỏi lo ngại khi DST đặt kế hoạch quá lạc quan với doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2018 lần lượt đạt 800 tỷ đồng và 52 tỷ đồng. Với kết quả nửa đầu 2018, DST chỉ mới lần lượt thực hiện được 24.5% kế hoạch doanh thu và 34.2% kế hoạch lợi nhuận.
Mặc dù kết quả kinh doanh khởi sắc, trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu DST vẫn đang đi ngang ở mức giá trà đá hơn 2,000 đồng/cp sau đợt giảm mạnh từ đỉnh 42,600 đồng/cp (06/10/2017). Chốt phiên 12/10/2018 mỗi cổ phiếu ở mức giá 2,600 đồng/cp. Thanh khoản đối với cổ phiếu này vẫn tích cực với hơn con số 1.3 triệu cp/phiên trong năm qua. Tuy nhiên, hồi tháng 6 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Ngô Quang Hòa lại có mới có động thái thoái toàn bộ 3.2 triệu cp, ứng với 10.03% vốn góp tại DST.
Giá cổ phiếu DST kể từ khi niêm yết tới nay
|
Đầu tháng 8 vừa qua, DST bị phạt 60 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với các tài liệu, bao gồm: Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2016; Báo cáo tài chính công ty mẹ, hợp nhất Quý 4/2016; Giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh Quý 4/2016, Quý 1/2017; Báo cáo thường niên năm 2016; Thay đổi phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu năm 2015 (thu hồi vốn góp hợp tác đầu tư để bổ sung vốn lưu động)…
Về phía Chủ tịch HĐQT Ngô Quang Hòa, ông này đã có hành vi vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty trong việc bầu thành viên HĐQT. Vào ngày 04/10/2017, ông Hòa đã ký Biên bản họp và Nghị quyết HĐQT về việc bầu ông Bùi Việt Dũng giữ chức vụ thành viên HĐQT của Công ty khi chưa được ĐHĐCĐ của Công ty thông qua. Do đó, theo quyết định của Thanh tra UBCKNN, ông Hòa bị phạt 42.5 triệu đồng.
Những động thái này đặt dấu chấm hỏi lớn về triển vọng cho công cuộc tái cơ cấu của DST.
Chí Kiên
FILI
|