Chứng khoán rủi ro, loạt kế hoạch thoái vốn nguy cơ vỡ
Không chỉ Nhà nước mà cả doanh nghiệp có vốn Nhà nước chủ đạo đang đứng trước thực tế này...
Có thể dự tính hoạt động thoái vốn Nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp sẽ tiếp tục dồn toa lượng lớn sang năm 2019 - Ảnh: Quang Phúc.
|
Năm 2018 chỉ còn lại hai tháng, thị trường chứng khoán đang bộc lộ rủi ro và tưởng như "nghịch lý". Nhiều kế hoạch thoái vốn năm nay đang lần lượt kém khả thi và dồn toa.
Tưởng như "nghịch lý", vì thời điểm này nhiều doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2018 với những kết quả ấn tượng, nhưng giá cổ phiếu liên tục lao dốc.
Điển hình ở khối ngân hàng, hầu hết các mã niêm yết đều có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ 40-50% cùng kỳ, thậm chí 200-240%. Song, khoảng hai tháng qua, giá cổ phiếu ngân hàng trên sàn lặng sóng, càng gần đến kỳ công bố báo cáo tài chính quý 3 và khi đã công bố thì giá càng lao dốc.
Thị trường chứng khoán bộc lộ rủi ro lớn. Chỉ số VN-Index từ quanh 1.020 điểm rơi thẳng về sát 920 điểm, chỉ trong khoảng một tháng. Và cũng ở lĩnh vực ngân hàng, khoảng thời gian đó các kế hoạch thoái vốn gần như thất bại hoàn toàn.
Trong tháng này, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lần lượt tổ chức đấu giá để thoái vốn tại Ngân hàng Quân đội (MB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank). Một cuộc gần như "ế" toàn bộ, một cuộc buộc phải hủy vì không có nhà đầu tư tham gia.
Trong các nguyên nhân, bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam suy giảm nhanh, rủi ro bộc lộ hơn là cơ hội nên khó kích thích nhà đầu tư tham gia.
Đó cũng là bối cảnh đang đặt ra đối với một loạt kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đang dồn toa trong năm nay khi chỉ còn hai tháng nữa kết thúc năm.
Như tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), kế hoạch thoái vốn trong năm 2018 đang xin được lùi sang giai đoạn 2019-2020, với lý do diễn biến thị trường không thuận lợi.
Hay thực tế một loạt kế hoạch thoái vốn vừa qua cũng gần như thất bại vì không bán nổi. Như Tập đoàn Cao su Việt Nam chỉ bán được 1/5 số cổ phần chào bán); IPO của Tổng công ty Phát điện 3 chỉ bán chưa được 3%; đợt thoái vốn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông tại Maritime Bank không có nhà đầu tư đăng ký mua; phiên đấu giá cổ phần của VTVCab phải hủy bỏ do không có đủ lượng tham gia; trước nữa Bộ Giao thông Vận tải cũng thất bại với đợt chào bán quyền mua cổ phần của Vietnam Airlines…
Còn về tổng thể, theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2017-2018 có 316 trường hợp phải thoái vốn, nhưng cập nhật đến tháng 6/2018 mới chỉ có 16 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn.
Ở tiến độ cổ phần hóa, số liệu kết quả thực hiện trong 8 tháng đầu 2018 cũng chỉ có 10/85 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa…
Với mức độ thực hiện được rất thấp nói trên, trong khi năm 2018 chỉ còn lại hai tháng và bối cảnh thị trường chứng khoán đang bất lợi, có thể dự tính hoạt động thoái vốn Nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp sẽ tiếp tục dồn toa lượng lớn sang năm 2019.
Hải Vân
vneconomy
|