Các CTCK ngoại có bước đi nào để tiến vào “sân chơi” đầy tiềm năng nhưng lắm cạnh tranh?
Với động thái tăng vốn khủng, các công ty chứng khoán (CTCK) ngoại đang và sẽ là đối thủ đáng gờm trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bức tranh toàn cảnh
Chỉ mới hình thành và phát triển được gần 20 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể. Mặc dù có những giai đoạn đi xuống và đóng băng do ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thời gian trở lại đây, thị trường chứng khoán đang phục hồi hết sức mạnh mẽ. Điển hình là từ cuối năm 2017, thị trường đã có giai đoạn tăng điểm mạnh. VN-Index cuối năm 2017 chốt ở mức 984.24 điểm, tăng hơn 48%. Sang đến quý 1/2018, thị trường tiếp tục chứng kiến đà tăng điểm mạnh mẽ và tạo đỉnh mới 1,200 điểm. Tuy sụt giảm mạnh trong quý 2/2018, thị trường cũng đã hồi phục lại trong quý 3 và vẫn đang là một thị trường tiềm năng.
Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường cũng được cải thiện hơn nhiều so với trước, mặc dù những phiên giao dịch gần chục ngàn tỷ đồng như hồi cuối năm 2017 đầu 2018 không còn nữa. Nhưng những phiên giao dịch với giá trị ngàn tỷ không còn là xa vời.
Tăng trưởng lạc quan như vậy, miếng bánh chứng khoán ở Việt Nam không thể tránh khỏi sự quan tâm từ các tập đoàn tài chính ngoại. Ngày càng nhiều các CTCK ngoại tham gia thị trường điển hình như Mirae Asset, Maybank Kim Eng, KIS Việt Nam, KB Việt Nam hay Chứng khoán Yuanta. Với lợi thế sẵn có từ tập đoàn mẹ của mình các CTCK này đang trở thành đối thủ đáng gờm với khối CTCK nội trên mảnh đất chứng khoán màu mỡ.
Gần đây, nhóm CTCK ngoại này ngày càng tăng cường khả năng cạnh tranh thể hiện qua những thương vụ tăng vốn khủng. Cụ thể, Mirae Asset tăng vốn từ mức 300 tỷ đồng lên 4,300 tỷ đồng. Với con số này Mirae Asset nghiễm nhiên xếp thứ 2 về vốn điều lệ trong toàn khối CTCK, chỉ sau SSI. Tương tự, KIS cũng đã tăng vốn điều lệ lên 1,897 tỷ đồng hay MBKE tăng lên 1,056 tỷ đồng, mới đây Yuanta thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn lên 1,000 tỷ đồng.
Động thái tăng vốn này phần nào thể hiện tham vọng của loạt CTCK ngoại này. Trước mắt, với việc tăng vốn điều lệ, các CTCK này sẽ đủ điều kiện để thực hiện nhiều nghiệp vụ hơn trên thị trường mà cụ thể là tham gia thị trường phái sinh, miếng bánh hấp dẫn của nhiều CTCK hiện nay. Hơn nữa với mức vốn vốn điều lệ khủng, khả năng cạnh tranh của các công ty này cũng sẽ tăng đáng kể.
Cái nhìn cận cảnh
Có thể thấy rõ, Mirae Asset là một trong những công ty chứng khoán đang tận dụng lợi thế vốn của mình khi tăng vốn điều lệ lên mức 4,300 tỷ đồng.
Trao đổi với người viết bài, ông Kang Moon Kyung – Tổng Giám đốc của Mirae Asset Việt Nam cho biết, Công ty có thế mạnh không chỉ về vốn mà còn ở nguồn khách hàng từ mạng lưới nhiều nước trên thế giới đầu tư vào Việt Nam. Nói về chiến lược kinh doanh của Mirae Asset, mục tiêu của Công ty là làm cầu nối đưa thêm nhiều nhà đầu tư khối ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như xúc tiến chào bán các cổ phiếu, trái phiếu tốt của doanh nghiệp Việt Nam cho khối ngoại.
Được biết, trong ngắn hạn, giai đoạn năm 2018 – 2019, Mirae Asset sẽ mở rộng mạng lưới của mình trên toàn quốc nhằm tăng cường sự hiện diện của mình. Trong quý 4/2018, Mirae Asset cũng sẽ cung cấp hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh - đây cũng là thế mạnh lớn của Mirae Asset tại Hàn Quốc.
Vị Tổng Giám đốc cho biết sản phẩm chiến lược của Mirae Asset vẫn là các dịch vụ tài chính (thị trường vốn) dành cho doanh nghiệp đã và sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Hoàn - CEO của KBSV.
|
Nhận xét về cơ hội tại thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Đức Hoàn – CEO của CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất tiềm năng và đang có cơ hội ngang nhau cho tất cả các công ty chứng khoán đang hoạt động trên thị trường, đặc biệt các lĩnh vực mới như phái sinh, ngân hàng đầu tư. Trong khi đó, KBSV có thể tận dụng lợi thế hỗ trợ tài chính từ công ty mẹ KB Securities và mạng lưới toàn cầu từ tập đoàn KBFG Hàn Quốc.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động, KBSV cũng đang đồng thời triển khai cung cấp thêm các sản phẩm tài chính đến khách hàng, gồm phái sinh, các sản phẩm cho vay margin với lãi suất ưu đãi nhằm thu hút thêm các khách hàng cá nhân và tổ chức.
Nói về đợt tăng vốn lên 1,680 tỷ đồng của KBSV, ông Hoàn cho biết, bên cạnh việc đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ phái sinh, KBSV cũng sử dụng nguồn vốn mới cho việc đẩy mạnh mảng dịch vụ chứng khoán, ngân hàng đầu tư, đặc biệt nâng cao năng lực hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và nhà đầu tư.
Trong đó, ông Hoàn đánh giá mảng hoạt động ngân hàng đầu tư còn rất nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Đây cũng là mảng dịch vụ mà KBSV sẽ tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.
Đại diện CTCK KIS Việt Nam (KIS), Tổng Giám đốc Park Won Sang cho biết nhân tố con người là một trong những thế mạnh của KIS Việt Nam. Trong điều kiện không có quá nhiều nhân tố khác biết trên thị trường khách hàng cá nhân cùng với việc tác động của phí giao dịch lên khách hàng không quá lớn cũng như hạn chế của hệ thống giao dịch trực tuyến thì năng lực con người chính là thế mạnh chính.
Ông Park Won Sang - Tổng Giám đốc của KIS Việt Nam.
|
Thêm vào đó, với kinh nghiệm và mạng lưới hoạt động rộng khắp, KIS Việt Nam tự tin có thể cạnh tranh và phát triển ở các thị trường mới nổi, điển hình là thị trường Việt Nam nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ về nguồn lực từ Tập đoàn KIH và công ty mẹ tại Hàn Quốc.
Ông Park Won Sang cho biết việc KIS tăng vốn không chỉ để đầu tư vào thị trường khách hàng cá nhân mà còn để củng cố cơ sở hạ tầng và tăng cường đội ngũ nhân viên cho từng mảng hoạt động. Trong tương lai, KIS dự kiến phát hành trái phiếu doanh nghiệp với dịch vụ tài chính doanh nghiệp, tư vấn IPO tại cả thị trường Việt Nam và Hàn Quốc, tư vấn M&A và đầu tư vào các dự án bất động sản.
“Tập trung vào hoạt động của ngân hàng đầu tư, KIS Việt Nam đặt mục tiêu trở thành công ty chứng khoán lớn mạnh không chỉ đối mảng khách hàng doanh nghiệp mà cả đối với thị trường khách hàng cá nhân”, Tổng Giám đốc Park cho biết.
Đến từ Malaysia, MBKE đã qua 4 lần tăng vốn với tổng vốn tăng lên hơn 400% tương ứng 1,056 tỷ đồng. Phía MBKE cho biết, Công ty sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, không ngừng gia tăng doanh thu từ mảng môi giới khách hàng cá nhân đặc biệt là mảng giao dịch trực tuyến. MBKE đặt kế hoạch tăng doanh thu từ mảng giao dịch online lên đến 90% doanh thu môi giới của Công ty trong thời gian tới. Thêm vào đó, việc tăng vốn vừa qua là tiền đề mạnh mẽ giúp MBKE nâng cao vị thế cạnh tranh, triển khai thêm nhiều sản phẩm tài chính. Đặc biệt, với mức vốn lên đến hơn 1,000 tỷ đồng, MBKE sẽ chính thức bước vào sân chơi mới, cung cấp các sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (covered warrant).
Tựu trung lại, việc các CTCK ngoại tham gia thị trường mang đến nhiều lợi ích cho thị trường nói chung và nhà đầu tư nói riêng. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi trên thị trường vốn. Nhưng nhìn vào bức tranh của nhóm CTCK, việc hầu hết các đối thủ ngoại đều đến từ các nước có nền tài chính phát triển đang và sẽ tạo ra những áp lực cạnh tranh đáng kể tới hoạt động kinh doanh của các CTCK trong nước. Bên cạnh biến động thị trường, đây sẽ là yếu mà các CTCK nội phải để tâm trong thời gian tới.
Chí Kiên
FILI
|