Bỏ siêu thị vì chiết khấu quá cao
“Đưa hàng vào siêu thị không khó, cái khó là không thể trụ lại lâu dài với mức chiết khấu cho siêu thị đến gần 30% giá trị hàng bán ra như vậy”.
Doanh nghiệp nhỏ khó đưa hàng vào siêu thị vì chiết khẩu quá khủng
- Ng.Ng
|
Một chủ cơ sở chuyên sản xuất xúc xích, nem giò chả tại TP.HCM đưa ra nhận xét trên sau khi đã đưa hàng vào bán tại chuỗi siêu thị Co.op Mart được gần 1 năm trước.
Cây chả lụa gánh 32% thuế, phí, chiết khấu
Chủ cơ sở này cho biết, việc đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu từ phía nhà bán lẻ về chất lượng, hình thức nhãn hàng, công bố, bao bì, thời gian giao hàng, hóa đơn chứng từ… không khó. Tuy nhiên, bộ phận thu mua của siêu thị thường không bao giờ thông báo mức chiết khấu họ lấy sẽ bao nhiêu mà lại hỏi doanh nghiệp muốn bán với giá thế nào. "Sản phẩm của chúng tôi siêu thị bán trên 180.000 đồng/kg, song chúng tôi thu về 130.000 đồng/kg, chênh hơn 50.000 đồng, chưa tính thêm 4% thuế bán hàng. Tính ra mức chiết khấu siêu thị lấy hơn 28%, cộng thêm thuế, 1 ký giò bán ra người tiêu dùng phải gánh thêm 32% giá trị. Vô lý quá. Vậy nên, muốn bán được hàng, doanh nghiệp phải giảm giá bán thêm nữa để bù lại mức chiết khấu quá cao của nhà phân phối. Như vậy xoay xở rất khó, hoặc lấy công làm lãi, hoặc có lãi cũng rất thấp, thấp hơn bỏ tiền vào ngân hàng gửi ngắn hạn. Đâu còn nhiệt huyết để sản xuất nữa"- vị này nói.
“Tôi muốn bán thực phẩm sạch, giá tốt cho người tiêu dùng trong nước. Nếu họ lấy 10% trên giá bán cơ sở sản xuất còn xoay xở được, đằng này chiết khấu đến 28%, khó quá… Ban đầu nghĩ “gồng” bán hàng số lượng lớn thì bù qua sớt lại. Nhưng hàng đưa vào siêu thị không được bảo quản tốt, nhanh hỏng, cơ sở phải chủ động xin đổi hàng thường xuyên. Mỗi tuần có nơi bán được 1-2kg, có nơi không bán được ký nào. Sau 1 năm vào siêu thị, không xây dựng được thương hiệu, nhưng lỗ gần 200 triệu đồng. Chúng tôi đành bỏ cuộc, rút hàng khỏi siêu thị đã được gần một năm nay rồi"- vị này nói.
Thú thật không dám nói bán hàng trong siêu thị khó có lãi nhưng theo chủ cơ sở này, hệ thống bán lẻ hiện đại có thể tốt cho các doanh nghiệp lớn, trường vốn lớn, cho nhóm hàng thực phẩm bắt buột phải có chất bảo quản lâu, còn hàng không dùng chất bảo quản, cơ sở nhỏ… rất khó tồn tại. Không chỉ cơ sở của ông, một số cơ sở sản xuất mật ong, hạt điều, kẹo mè xững… mà ông quen cũng cho biết bỏ cuộc với một số siêu thị khác do không “gánh” nổi mức chiết khấu cao ngất trong khi lượng hàng bán ra nhỏ giọt.
Quay lại làm thuê cho nhà phân phối
Tại một hội thảo về hàng Việt mới đây được tổ chức tại TP.HCM, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cũng khẳng định nhiều doanh nghiệp không dám bán hàng vào siêu thị vì mức chiết khấu các siêu thị đòi hỏi quá cao, khiến họ không có lợi nhuận để kể cả tái đầu tư. Bà Lý Kim Chi nói: “Nhiều doanh nghiệp không dám nói ra vì sợ bị làm khó dễ. Siêu thị hay chê doanh nghiệp không chịu đổi mới về chất lượng, mẫu mã bao bì nên không được nhà bán lẻ chọn. Tuy nhiên, tôi khẳng định, nhận thức của doanh nghiệp về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm rất chuẩn, sản phẩm hoàn toàn đáp ứng được tiêu chuẩn các nhà bán lẻ yêu cầu. Vấn đề chúng tôi muốn nói là mức chiết khấu hoa hồng quá cao của siêu thị đang gây khó khăn nhất cho doanh nghiệp”. Mức chiết khấu bà Chi thống kê từ những phản hồi của doanh nghiệp làm trong ngành lương thực thực phẩm chia sẻ với bà là từ 15-25%, có lúc lên 30% thậm chí hơn mức đó. “Doanh nghiệp làm sao duy trì sản xuất, tái đầu tư được với mức chiết khấu cao như vậy?”, bà Lý Kim Chi hỏi gay gắt.
Rút hàng khỏi siêu thị, quay lại bán hàng nhỏ lẻ qua kênh truyền thống hoặc “may mắn” hơn, có những cơ sở lại được nhà bán lẻ “thuê” gia công cho hàng nhãn hàng riêng là con đường sống của nhiều cơ sở sản xuất. Trong một lần tham gia tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, một chủ cơ sở sản xuất thịt hộp, giò tại Biên Hòa (Đồng Nai) cũng cho biết, cơ sở đã từng có nhãn hàng riêng, sản xuất bán hàng vào một số siêu thị BigC, Co.op Mart... Tuy nhiên, sau thời gian không trụ nổi, mức chiết khấu lên đến 30%, cơ sở này buộc ngưng bán hàng vào siêu thị. Sau đó, bộ phận thu mua của một siêu thị đến đặt vấn đề đơn vị sản xuất gia công sản phẩm cùng loại, gắn nhãn hàng riêng của chuỗi siêu thị này. Giò lụa được sản xuất theo lối công nghiệp, gắn nhãn hàng riêng của chuỗi siêu thị này theo chị N.B, chủ cơ sở gia công, chỉ bằng nửa giá giò lụa chị bán trước đó. “Không tiếp tục nuôi giấc mơ xây dựng thương hiệu riêng, chúng tôi chấp nhận làm gia công để tiếp tục tồn tại”, chị N.B cho hay.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp nhỏ “tố” nhà phân phối trích mức chiết khấu quá cao. Cách đây 2 năm, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã từng có công văn phản đối siêu thị BigC do chuỗi siêu thị này đột ngột tăng chiết khấu thêm 4,25-5,5%, lên mức 17-25% với hàng nông thủy sản Việt Nam. Theo đại diện VASEP, mức chiết khấu khoảng 10% đã quá sức chịu đựng của doanh nghiệp và yêu cầu nhà bán lẻ đưa mức chiết khấu xuống dưới 15% với nhà cung cấp. Không chi than khổ với mức chiết khấu, đại diện VASEP còn kê loạt chi phí khác mà nhà cung cấp phải chịu như chi phí siêu thị mở điểm bán mới, kỷ niệm ngành thành lập, chi phí cho thương lượng chung, vận chuyển, chương trình khuyến mãi. Ngoài ra, còn có những khoảng “bắt chẹt” nhà cung cấp như tỉ lệ hàng hư hỏng (khoảng 1%). Rõ ràng, sau 2 năm, những phản ánh của nhà cung cấp về nhà phân phối đã không có gì khác: Chiết khấu nay còn cao hơn (lên đến 30% thay vì mức cao nhất 25% của siêu thị B. cách đây 2 năm), chưa bao gồm các chi phí khác như sinh nhật siêu thị, khuyến mãi tặng quà…
Nguyên Nga
THANH NIÊN
|