Thứ Tư, 10/10/2018 14:45

Bán lẻ Việt Nam: Kẻ lặng lẽ biến mất, người rầm rộ đầu tư

Fivimart là cái tên tiếp theo bị xóa sổ khỏi thị trường bán lẻ sau quá trình mua bán, sáp nhập. Trong khi đó, nhiều thương hiệu vẫn tiếp tục đầu tư để giành thị phần.

Vingroup đã chính thức mua lại Fivimart và sau khi việc sáp nhập hoàn thành, hệ thống siêu thị Fivimart sẽ được đổi tên thành Vinmart. Như vậy, Fivimart sẽ trở thành cái tên mới nhất biến mất khỏi bản đồ bán lẻ Việt Nam cùng với Ocean Mart, Maximark, Metro trước đó.

Ocean Mart, Maximark, Metro, Fivimart lần lượt bị xóa tên

Sau 3 năm hợp tác cùng Aeon, Fivimart và tập đoàn bán lẻ của Nhật Bản đã quyết định chia tay với lý do phương hướng, tư tưởng, tầm nhìn chiến lược của hai bên có sự khác biệt. Và chỉ hơn 1 tuần sau, Vingroup xác nhận việc mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart. Vingroup cũng thông báo sẽ đổi tên tất cả 23 siêu thị của chuỗi này thành Vinmart trong thời gian tới sau khi hoàn tất việc sáp nhập.

Ngay khi hoàn tất việc sáp nhập, 23 siêu thị của Fivimart sẽ được đổi tên thành Vinmart.

Cách đây tròn 4 năm, vào tháng 10/2014, một thương hiệu bán lẻ khác cũng đã bị xóa sổ sau khi được Vingroup mua lại: Ocean Mart. Khi đó, công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã mua lại 70% cổ phần của Ocean Retail, đơn vị sở hữu Ocean Mart thuộc Ocean Group. Chưa đầy 2 tháng sau khi chính thức công bố thương vụ, hệ thống siêu thị chỉ mới hoạt động được hơn 1 năm của Ocean Retail được đổi tên thành Vinmart, đánh dấu sự xuất hiện chính thức của thương hệu bán lẻ thuộc tập đoàn Vingroup tại thị trường Việt Nam.

Một năm sau, Vingroup tiếp tục mua lại chuỗi siêu thị Maximark để phục vụ chiến lược mở rộng quy mô hệ thống bán lẻ của mình. Thời điểm đó, Maximark đã có 9 siêu thị tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ, trong đó có 4 siêu thị tại TP.HCM. Ngay khi các thủ tục sáp nhập hoàn thành, toàn bộ hệ thống Maximark cũng được xóa tên, về cùng hệ thống của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Một thương hiệu bán lẻ đình đám một thời khác cũng đã rơi vào dĩ vãng là Metro Việt Nam. Tháng 1/2016, tập đoàn Metro AG của Đức hoàn tất việc bán công ty Metro Cash & Carry Việt Nam cho TCC Holdings của Thái Lan. Mặc dù ban đầu tuyên bố sẽ giữ lại thương hiệu Metro Việt Nam, nhưng sau đúng 1 năm, 19 siêu thị thuộc hệ thống Metro trên toàn quốc đã khoác tấm áo mới với cái tên MM Mega Market. 

Ở mảng bán lẻ điện máy, Thế Giới Di Động đã thâu tóm Trần Anh từ tháng 8/2017. Thời điểm này thương hiệu Trần Anh vẫn đang được sử dụng nhưng ban lãnh đạo của Thế Giới Di Động đã khẳng định sẽ chuyển đổi toàn bộ cửa hàng sang thương hiệu mới trong tương lai. Một trong những bước của đầu tiên của quá trình này đã được thực hiện khi từ ngày 1/10, website trananh.vn ngừng hoạt động và khách hàng khi truy cập sẽ được chuyển hướng đến website của Điện Máy Xanh.

Một loạt đại gia bán lẻ đặt mục tiêu lớn với Việt Nam

Trái ngược với một số thương hiệu đã chấp nhận bán mình và bị xóa tên khỏi bản đồ bán lẻ Việt Nam, nhiều ông lớn đang ra sức đầu tư và mở rộng số lượng điểm bán để giành lấy thị trường được dự báo có thể đạt quy mô lên tới 180 tỷ USD vào năm 2020.

Cái tên đáng chú ý nhất lúc này không ai khác chính là Vingroup với chuỗi siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vimart+. Sau khi lần lượt thâu tóm và đổi tên Ocean Mart, Maximark và mới nhất là Fivimart, Vingroup đang sở hữu hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam với với khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên cả nước. Nhưng chưa dừng lại ở đây, tập đoàn này đặt mục tiêu sẽ có 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+ vào năm 2020.

35 siêu thị Big C cùng 25 siêu thị Lanchi Mart, 56 siêu thị điện máy Nguyễn Kim, và hơn 40 cửa hàng bán lẻ khác tại Việt Nam thuộc tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group.

Trong cùng phân khúc đại siêu thị, các thương hiệu được hậu thuẫn bởi dòng vốn ngoại cũng đang có những kế hoạch tăng số lượng cửa hàng đầy tham vọng. Central Group Việt Nam đã tuyên bố sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD để mở mới 500 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc trong 5 năm tiếp theo. Central Group đang sở hữu 35 siêu thị Big C, 25 siêu thị Lanchi Mart, 56 siêu thị điện máy Nguyễn Kim và hơn 40 cửa hàng thời trang, đồ gia dụng, văn phòng phẩm trên cả nước.

Hai tập đoàn bán lẻ lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc là Aeon và Lotte cũng có tham vọng nâng số lượng siêu thị của mình lần lượt lên 20 vào năm 2025 và 60 vào năm 2020. Tuy nhiên, có lẽ Lotte sẽ không kịp hiện thực hóa mục tiêu của mình khi tính tới tháng 10/2018, số lượng siêu thị Lotte Mart vẫn đang dừng lại ở con số 13.

Ở phân khúc cửa hàng tiện lợi, Bách Hóa Xanh thuộc sở hữu của Thế Giới Di Động hiện đã có 405 cửa hàng và đặt mục tiêu sẽ nâng con số này lên 500 vào cuối năm nay. Trong khi đó, dù mới chỉ hiện diện tại Việt Nam, 7-Eleven và GS25 đều kì vọng sẽ có 1.000 cửa hàng vào năm 2027. Aeon cũng đang dự định sẽ mở thêm 500 cửa hàng tạp hóa tại Việt Nam đến năm 2025.

Được xem là một trong những thị trường hấp dẫn nhất ở châu Á hiện nay, không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ được các đại gia bán lẻ tiếp tục đổ thêm vốn cho tham vọng giành miếng bánh thị phần của mình hoặc thậm chí chứng kiến những cái tên mới xuất hiện. 

Việt Đức

Zing

Các tin tức khác

>   Kiểm toán Nhà nước chuyển cơ quan điều tra hai vụ có dấu hiệu tội phạm (10/10/2018)

>   Chủ tịch Vietravel: Chính sách cho phát triển du lịch đã lạc hậu? (10/10/2018)

>   Đường hư, phí cứ thu! (10/10/2018)

>   Hãng bay Việt ở đâu trong cuộc chiến bay giá rẻ Đông Nam Á? (10/10/2018)

>   Quy định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo (09/10/2018)

>   Phong tỏa tài sản của 9 người liên quan đến vụ án Vũ 'nhôm' (09/10/2018)

>   Rau xanh tăng giá gấp đôi (09/10/2018)

>   Khốc liệt bán lẻ, 'ông lớn' gục ngã (09/10/2018)

>   Việt Nam giảm mạnh nhập khẩu thuốc trừ sâu và phân bón Trung Quốc (09/10/2018)

>   Dòng vốn FDI - Những câu hỏi chưa lời đáp (09/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật