Thứ Sáu, 19/10/2018 08:48

Ẩn số phía sau việc các NHTM Nhà nước liên tiếp tăng lãi suất?

Động thái tăng lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước gần đây gây sự chú ý cho thị trường, khi nhóm này luôn duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi khá ổn định trong suốt thời gian dài. Vậy, ẩn số phía sau diễn biến này là gì?

Tín hiệu của nhà điều hành?

Không hẹn mà gặp, 4 ông lớn NHTM Nhà nước là Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV gần đây đều tăng lãi suất huy động lên mặt bằng mới. Điều này khiến thị trường đặc biệt chú ý, nhất là trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang ngày càng chịu nhiều áp lực trong thời gian gần đây.

Tại Vietcombank, khung lãi suất tiền gửi mới điều chỉnh tăng thêm 0.1 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 và 2 tháng, lên 4.4%, kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng tăng thêm 0.2 điểm phần trăm lên tương ứng 4.8% và 5.5%. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 liên tiếp trong vòng 2 tháng ngắn ngủi vừa qua của ngân hàng này, khi trước đó vào tháng 9, Vietcombank cũng đã tăng 0.2 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1, 2 và 6 tháng, đồng thời tăng 0.1 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

BIDV cũng mới tăng thêm 0.2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 1-2 tháng lên 4.5%, 5 tháng lên 5.0% và 6 tháng lên 5.5%, đặc biệt là kỳ hạn 3 tháng tăng mạnh 0.4 điểm phần trăm lên 5.0%. Đây cũng là lần tăng thứ 2 của BIDV sau đợt điều chỉnh gần nhất hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Diễn biến tương tự cũng xảy ra tại Vietinbank, sau lần tăng cuối tháng 8 thì mới đây, ngân hàng này cũng có lần tăng thứ 2 chỉ sau 2 tháng, với mức tăng đều là 0.2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ 1- 8 tháng. Khung lãi suất mới nhất của Agribank cũng chứng kiến mức tăng 0.2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống, lên mốc tương đương với 3 ngân hàng trên.

Nếu nhìn vào xu hướng giảm lãi suất của nhóm ngân hàng này từ cuối 2017 cho đến những tháng đầu năm nay, thì quyết định tăng trở lại có thể hàm chứa nhiều ý nghĩa, nhất là khi các thời điểm trước đây, Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) cũng có lúc định hướng và ra tín hiệu cho thị trường qua động thái điều chỉnh lãi suất tại các ngân hàng này, mà không cần sử dụng đến các loại lãi suất điều hành chủ chốt. Vì vậy, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang chịu nhiều áp lực, thì không ít quan điểm cho rằng diễn biến tại các NHTM nhà nước chính là thể hiện tín hiệu của nhà điều hành.

Hay xu hướng tất yếu?

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn vào hoạt động của các ngân hàng này, thì có vẻ như việc điều chỉnh lãi suất liên tiếp trong 2-3 tháng qua của nhóm này là điều tất yếu. Thứ nhất là mặt bằng lãi suất của 4 ngân hàng trên đã duy trì ở mức thấp nhất so với thị trường suốt một thời gian dài, và trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng TMCP gần đây đã tăng lãi suất lên đáng kể so với giai đoạn trước, trong đó không chỉ những ngân hàng nhỏ mà còn có những tên tuổi lớn Techcombank, SHB, ACB, Quân đội hay VPBank, thì nhóm NHTM Nhà nước buộc phải điều chỉnh theo để đảm bảo duy trì sức cạnh tranh.

Thứ hai là trong bối cảnh lạm phát đang dâng lên, cũng như áp lực trong năm 2019, mà theo nhiều dự báo cho rằng khó tiếp tục giữ được mục tiêu 4%, thì lãi suất các ngân hàng này cũng phải tăng theo để đảm bảo lãi suất thực dương đủ cao cho người gửi tiền. Cụ thể, nếu như trước đây mục tiêu lạm phát là tối đa 4%, thì lãi suất các ngân hàng này chỉ cần duy trì 4.1- 4.2%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng là cao hơn lạm phát, nhưng với dự báo lạm phát thời gian tới sẽ vượt mốc 4% thì dĩ  nhiên lãi suất của nhóm này cũng phải tăng lên vùng 4.4 - 4.5%/ năm ở kỳ hạn 1 tháng, cũng như tăng tương ứng tại các kỳ hạn khác thì mới đảm bảo quyền lợi về mặt tâm lý cho người gửi tiền.

Thứ ba là những tháng cuối năm, khả năng sẽ chứng kiến thanh khoản của hệ thống chịu không ít áp lực, thậm chí có thể rơi vào căng thẳng, thì việc đảm  bảo nguồn tiền gửi ổn định là điều cần thiết để phục vụ cho việc kinh doanh. Nhóm NHTM Nhà nước từ trước đến nay luôn là những “tay chơi” lớn trên thị trường liên ngân hàng, trong khi dịp cuối năm chính là lúc kiếm ăn tốt nhất trên thị trường do nhu cầu vay của các ngân hàng nhỏ thường lên cao, do đó cũng đẩy lãi suất trên liên ngân hàng có những thời điểm tăng vọt, và các NHTM Nhà nước luôn là những người cho vay nhờ nguồn vốn luôn dồi dào.

Thứ tư là theo thông lệ thì việc giải ngân vốn đầu tư công luôn có xu hướng tăng tốc vào những tháng cuối năm, nguồn tiền gửi nhàn rỗi của kho bạc tại các NHTM Nhà nước có thể sẽ bị rút ra, ảnh hưởng lên nguồn vốn huy động của nhóm này. Thống kê cho thấy vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm nay là 214.5 ngàn tỷ đồng, chỉ mới đạt 63.2% kế hoạch năm.

Thứ năm là nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ cũng sẽ tăng lên trong thời gian còn lại của năm, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm (hiện tại 9 tháng mới đạt 59% kế hoạch phát hành cho cả năm), cũng như phục vụ cho công tác giải ngân vốn đầu tư công sẽ nhanh hơn như đã nói. Trong khi đó, các NHTM Nhà nước cũng luôn là những người mua lớn nhất trên thị trường này, và với việc lợi suất của thị trường trái phiếu đang tăng lên thì nhóm này càng có động lực đầu tư vào trái phiếu, do đó cũng cần phải chuẩn bị nguồn vốn dồi dào để rót vốn vào kênh trái phiếu.

cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là động thái tăng lãi suất nếu liên hệ với những thông tin về việc các NHTM Nhà nước được phép tăng vốn gần đây cũng là điều dễ hiểu. Trong những năm qua, do không thể tăng được vốn điều lệ dẫn đến nguồn vốn tự có bị hạn chế, khiến hệ số CAR của nhóm này luôn ngấp nghé ngưỡng quy định 9% và các hoạt động kinh doanh như phát triển tín dụng không thể đẩy mạnh, vì vậy, tuy nguồn vốn huy động rất dồi dào nhưng lại được sử dụng chủ yếu rót vào thị trường trái phiếu Chính phủ với hệ số rủi ro là 0%. Do đó, nếu như trong thời gian tới, nhóm này có thể tăng mạnh vốn điều lệ thì khả năng hoạt động tín dụng sẽ tăng tốc mạnh hơn, nên việc chuẩn bị nguồn vốn huy động bền vững ngay từ thời điểm này là điều cần thiết.

Nếu như trước đây, mục tiêu lạm phát là tối đa 4%, thì lãi suất các ngân hàng này chỉ cần duy trì 4.1- 4.2%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng là cao hơn lạm phát, nhưng với dự báo lạm phát thời gian tới sẽ vượt mốc 4% thì dĩ  nhiên lãi suất của nhóm này cũng phải tăng lên vùng 4.4 - 4.5%/ năm ở kỳ hạn 1 tháng, cũng như tăng tương ứng tại các kỳ hạn khác thì mới đảm bảo quyền lợi về mặt tâm lý cho người gửi tiền.

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   Kienlongbank: Giảm hơn nửa chi phí dự phòng, lãi ròng 9 tháng tăng 16% (18/10/2018)

>   Saigonbank: Lãi ròng 9 tháng sụt giảm một nửa, nợ xấu tăng đột biến 6.4% (18/10/2018)

>   "Ghế nóng" ABBank lại đổi chủ sau 5 tháng (18/10/2018)

>   Hủy phiên đấu giá 45.6 triệu cp EIB do VCB sở hữu  (18/10/2018)

>   Nhiều ưu đãi dịp cuối năm dành cho khách hàng VIB (18/10/2018)

>   Chủ thẻ thanh toán Sacombank có thể kích hoạt, khóa và mở khóa thẻ bằng tin nhắn (17/10/2018)

>   Diễn biến của thị trường tiền tệ những tháng cuối năm (17/10/2018)

>   Đổ xô cho vay tiêu dùng: Nghẹt thở với lãi suất! (17/10/2018)

>   Khởi tố vụ án 10 quả mìn cài quanh cây ATM ở Quảng Ninh (16/10/2018)

>   Cựu chủ tịch Ngân hàng MHB bị truy tố (16/10/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật