Tháo gỡ “nút thắt” phát triển logistics Việt
Tại Hội nghị đối thoại chính sách logistics Việt Nam - Nhật Bản 2018 diễn ra ngày 26/9 tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà quản lý trong nước và quốc tế đã đưa ra nhiều khuyến nghị để tháo gỡ những khó khăn, thách thức để ngành logistics Việt Nam phát triển trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đảm nhận khoảng 25% thị trường dịch vụ logistics trong nước. Ảnh: Quang Tuấn
|
Thách thức và những “điểm nghẽn” về logistics
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, ở Việt Nam, chi phí logistics chiếm 20,9% GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 56%. So với các nước trong khu vực và thế giới thì chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn cao. Những năm gần đây, dịch vụ logistics có sự phát triển mạnh. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 xếp hạng 39 trong số 160 quốc gia được khảo sát, tăng 25 bậc so với năm 2016. Trong đó, đóng góp lớn vào sự cải thiện này là 2 chỉ tiêu: năng lực và chất lượng của dịch vụ logistics; khả năng truy xuất lô hàng.
Còn theo bà Đặng Thị Minh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, bên cạnh những lợi thế như tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định; thu nhập cá nhân tăng; sức mua của người tiêu dùng tăng; cơ cấu dân số vàng; đầu tư nước ngoài tăng; lợi ích mang lại từ các hiệp định thương mại tự do; chính sách quản lý nhà nước thông thoáng thì Việt Nam vẫn phải giải quyết nhiều “điểm nghẽn” để phát triển ngành logistics. Cụ thể, Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng, chưa có các trung tâm logistics ở các khu vực kinh tế trọng điểm; thiếu kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành logistics.
Bên cạnh đó, các quy định chính sách đối với ngành logistics hiện vẫn chưa rõ ràng, không đồng bộ; chưa có chính sách hỗ trợ phát triển ngành logistics; sự diễn giải các nội dung quy định không thống nhất giữa các cơ quan quản lý, gây phát sinh tăng nhiều chi phí không hợp lý. Trong khi đó, thực tiễn đòi hỏi nhu cầu dịch vụ logistics chất lượng cao nhưng nguồn nhân lực có chuyên môn về logistics của Việt Nam lại rất hạn chế.
Ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải thuộc Bộ GTVT cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 6.000 nhân viên logistics có trình độ và 1 triệu lao động làm việc trong ngành logistics, mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực tế. Các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đảm nhận một phần nhỏ, khoảng 25% thị trường dịch vụ logistics trong nước.
Áp dụng tổ hợp biện pháp thúc đẩy logistics
Theo kết quả tổng hợp của Bộ GTVT, hiện có khoảng 25/30 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới tham gia đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam dưới nhiều hình thức. Cả nước có khoảng 1.200 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics (kinh doanh dịch vụ vận tải, kho bãi, giao nhận hàng…). Dự kiến trong 3 năm tới, các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cần thêm 18.000 người có chuyên môn về lĩnh vực này.
|
Tại Hội nghị, ông Ryoichi Ichino, Phó Trưởng phòng Xúc tiến logistics quốc tế thuộc Bộ Đất đai, Kết cấu hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho rằng, để phát triển ngành logistics, cần phải áp dụng tổ hợp biện pháp thúc đẩy, có chương trình và mục tiêu thực hiện cụ thể trong từng năm tài chính. Ở Nhật Bản, từng thời kỳ đều xây dựng hệ thống biện pháp thúc đẩy logistics. Ở mỗi giai đoạn (5 năm) đều xác lập các mục tiêu, quan điểm để có tầm nhìn trung hạn, thúc đẩy phát triển toàn diện và thống nhất các biện pháp phát triển logistics trong toàn bộ Chính phủ. Điểm quan trọng của tổ hợp giải pháp thúc đẩy logistics là chất lượng cao nhưng chi phí thấp; có tác động tích cực đối với các vấn đề, các lĩnh vực khác của xã hội.
Về phía Việt Nam, ông Nguyễn Công Bằng cũng nêu ra 5 định hướng chính sách phát triển dịch vụ logistics thời gian tới. Cụ thể là đầu tư hoàn thiện, cải tạo và phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đồng bộ; phát triển các trung tâm phân phối hàng hóa; nâng cao năng lực doanh nghiệp dịch vụ logistics trong lĩnh vực GTVT; phát triển nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế về logistics; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành logistics phát triển.
Tại Hội nghị, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều có chung quan điểm, bên cạnh việc xây dựng các chiến lược phát triển logistics thì Việt Nam cần có các giải pháp thúc đẩy, có cơ chế kiểm tra, rà soát và đánh giá các biện pháp để thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển logistics, hướng tới mục tiêu logistics xanh, nhanh chóng, liền mạch, tiết kiệm và an toàn.
Tuấn Dũng
ĐẤU THẦU
|