Thứ Ba, 25/09/2018 13:17

SRA: "Thiên đường" hay "Địa ngục"?

Sau giai đoạn tăng nóng lên hơn 8 lần sau khi công bố kết quả kinh doanh Quý 2/2018, cổ phiếu CTCP Sara Việt Nam (HNX: SRA) liên tục giảm sàn với tình trạng “trắng bên mua”. Trước biến động bất thường của cổ phiếu này, đâu là những điểm giới đầu tư cần lưu ý khi đầu tư vào SRA?

* SRA: Cổ phiếu liên tục lập đỉnh, liệu có thực chất?

Giá cổ phiếu chuyển mình mạnh mẽ

SRA vốn có lĩnh vực hoạt động ban đầu là nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin, cung cấp các sản phẩm phần mềm, thiết kế website. Năm 2016, công ty đã chuyển đổi ngành nghề kinh doanh chính thành tư vấn về chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực điện tử, tin học; bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng khác; cho thuê máy móc, thiết bị…

Sang năm 2017 công ty đã mở rộng hoạt động qua bán hàng thiết bị y tế, liên kết xã hội hóa y tế, dự án về môi trường, dự án kinh doanh sản phẩm tiêu dùng của Nhật. Chính quyết định này đã góp phần thay đổi bộ mặt kinh doanh đem lại những hiệu quả tích cực đến cho công ty.

Kể từ sau khi công bố báo cáo tài chính Quý 2/2018, SRA đã tăng trần liên tục xuyên suốt tháng 8/2018 với mức tăng trưởng lên đến hơn 600%. Đà tăng tiếp tục được duy trì sang tháng 9/2018 và có lúc cổ phiếu đã lên tiệm cận mốc 85,000. Nhưng kể từ sau đó cổ phiếu đã liên tục giảm sàn với tình trạng trắng bên mua và đà giảm chỉ dừng lại khi có lực cầu nhập cuộc tại vùng giá 40,000.

Diễn biến giá cổ phiếu SRA

Nguồn: ptkt.vietstock

Lợi nhuận tăng hơn 32 lần so với cùng kỳ

SRA công bố kết quả kinh doanh 6T/2018 với doanh thu tăng mạnh 6.8 lần so với cùng kỳ đạt 53,832 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng hơn 32 lần đạt 29.3 tỷ đồng. Nếu đem so sánh với thời kì trước khi chuyển đổi hoạt động của công ty có thể thấy quyết định đổi mới này của ban lãnh đạo đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Mặc dù những con số ấn tượng kể trên nhưng tham vọng của ban quản trị SRA không chỉ dừng lại ở mức đó khi đặt chỉ tiêu doanh thu cả năm 2018 đạt 250 tỷ và lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng. Như vậy doanh thu 6T/2018 mới hoàn thành 24% chỉ tiêu đề ra và lợi nhuận sau thuế 6T/2018 đạt 48% chỉ tiêu kế hoạch.

Kết quả kinh doanh (Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance

Ta cùng xem qua những điểm tích cực và tiêu cực của SRA sau khi doanh nghiệp này chuyển đổi ngành nghề kinh doanh.

Những điểm nhấn tích cực

       (1) Kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, biên lãi cao

Yếu tố tích cực đầu tiên phải kể đến đó là sự tăng trưởng mạnh của kết quả kinh doanh kể từ sau khi SRA chuyển đổi ngành nghề hoạt động. Tính riêng trong năm 2017 doanh thu tăng 212% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng đến 315%. Biên lợi nhuận sau thuế của SRA năm 2017 đạt 29% và trong 6T/2018 biên lợi nhuận sau thuế lên đến 55%. Biên lãi đạt mức cao xuất phát từ doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng chi phí hoạt động của doanh nghiệp chỉ ở mức thấp.

Hiệu quả kinh doanh giai đoạn 2016-2017

Nguồn:VietstockFinance

Doanh thu thuần: Tỷ đồng

       (2) Cấu trúc vốn an toàn

Cấu trúc vốn của doanh nghiệp luôn được giữ ở mức an toàn trong các năm gần đây. Vốn luân chuyển của doanh nghiệp vẫn đang ở mức dương. Các chỉ số thanh khoản như khả năng chi trả lãi vay hay hệ số thanh toán của doanh nghiệp luôn được duy trì ở một tỷ lệ an toàn.

Cơ cấu nguồn vốn kinh doanh (Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance

       (3) Các yếu tố tích cực khác

Năm 2017 công ty đã mở rộng hoạt động qua bán hàng thiết bị y tế, liên kết xã hội hóa y tế, dự án về môi trường, dự án kinh doanh sản phẩm tiêu dùng của Nhật. Điểm đặc biệt trong hoạt động kinh doanh của SRA đến từ nguồn đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp đều được hỗ trợ. Các đơn hàng dự án đều được tạm ứng trước, thể hiện qua khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn. Còn bên bán hàng cho trả sau không lãi suất hơn 65% giá trị lô hàng trong 3 tháng. Điều này cũng lý giải tại sao với mức vốn điều lệ thấp chỉ 20 tỷ được giữ ổn định trong suốt 10 năm qua nhưng SRA vẫn có thể tài trợ hiệu quả cho các dự án thương mại của mình.

Và một yếu tố giúp cho biên lợi nhuận của doanh nghiệp đạt mức cao là nhờ vào các khoản chi phí hoạt động như giá vốn, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp… chiếm tỉ trọng thấp trên doanh thu sau khi SRA chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Cơ cấu chi phí hoạt động

Nguồn: VietstockFinance

Những rủi ro đầu tư cần lưu ý

       (1)  Biên lợi nhuận hấp dẫn dễ dẫn đến tính cạnh tranh cao trong trung dài hạn

Biên lợi nhuận cao và chi phí hoạt động thấp đây là một điểm sáng không thể bàn cãi kể từ khi SRA chuyển đổi mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, chính điều này sẽ đem đến những rủi ro và thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt trong tương lai. Một ngành nghề mang lại biên lợi nhuận sau thuế hơn 20% ngay trong hai năm đầu hoạt động trong khi rào cản gia nhập ngành không rõ ràng sẽ dễ dàng gia tăng tính cạnh tranh trong dài hạn. Khả năng duy trì biên lợi nhuận cao như hiện tại của SRA theo đó sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong dài hạn.

                                                            Nguồn: VietstockFinance

       (2)  Quy mô vốn chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng

Bên cạnh đó quy mô vốn hiện tại khá thấp. Vốn chủ sở hữu hiện tại vẫn được giữ ở mức 20 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay. Với doanh thu và lợi nhuận tăng chóng mặt trong 2 năm gần đây, nguồn tài trợ từ lợi nhuận chưa phân phối sẽ không đủ để duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong những năm tới. Đây là lí do khiến SRA phải lên kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành 16 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với mức giá 10,000 đồng/cp nhằm huy động vốn cho dự án đầu tư 180 tỷ đồng liên doanh liên kết vào bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Với lượng phát hành vốn gấp nhiều lần so với quy mô hiện tại, điều này có thể dẫn đến rủi ro điều chỉnh giá cổ phiếu và pha loãng EPS của doanh nghiệp.

Cần chú ý rằng vào năm 2010 SRA đã từng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng để thực hiện các dự án bất động sản và trong thời gian này giá cổ phiếu cũng đã tăng đến 400%. Tuy nhiên khoảng thời gian sau đó là những ngày trượt dài của cổ phiếu khi kế hoạch huy động vốn thất bại. Do đó, các nhà đầu tư cần xem xét cẩn trọng tính khả thi của kế hoạch tăng vốn lần này cùng những rủi ro tương ứng có thể xảy ra trên thị giá cổ phiếu.

Kế hoạch đầu tư của SRA năm 2010

       (3)  Tỷ lệ miễn thuế cao so với thu nhập kế toán, khả năng phát sinh dòng chi phí thuế trong tương lai?

Một điểm đáng lưu ý nữa đó là khoản mục thu nhập tính thuế của doanh nghiệp rất thấp. Tỷ lệ miễn thuế lên đến hơn 90%. Điều này cũng góp phần lý giải tại sao biên lợi nhuận sau thuế đạt con số tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, tỷ lệ miễn thuế cao so với thu nhập kế toán sẽ đưa đến khả năng trì hoãn các dòng chi phí thuế, đồng nghĩa với việc lợi nhuận có khả năng sẽ chịu tác động mạnh từ chi phí thuế các năm hoạt động tới.

      (4)  Nguy cơ “làm giá” cổ phiếu

Giá cổ phiếu phản ứng quá mức với kết quả kinh doanh. Đây là điều không hợp lý khi sự chuyển đổi ngành nghề chỉ mới diễn ra trong 1, 2 năm. Dù đạt hiệu quả kinh doanh cao nhưng tính ổn định rõ ràng là chưa có. Ngoài ra, số lượng cổ phiếu niêm yết và giao dịch không cao (chỉ có 2 triệu cổ phiếu niêm yết) cùng khoảng trống thông tin về hoạt động kinh doanh sẽ tạo rủi ro cao khi đầu tư vào cổ phiếu này.

      (5)  Những vấn đề liên quan đến cơ cấu cổ đông

Cơ cấu cổ đông hiện tại cũng là một yếu tố cần lưu ý đối với các nhà đầu tư trước khi quyết định nắm giữ cổ phiếu này. Tính đến cuối năm 2017, cá nhân trong nước nắm 91.8%, tổ chức nước ngoài nắm 7.71% vốn và không có cổ đông lớn. Người nội bộ (HĐQT, BKS, Tổng giám đốc, Kế toán trưởng) và người liên quan hầu như không sở hữu cổ phiếu. Việc SRA không có cổ đông lớn dài hạn và ban lãnh đạo cũng không nắm giữ cổ phiếu hàm ý sự thiếu tin tưởng về triển vọng phát triển bền vững của doanh nghiệp này trong dài hạn.

      (6)  Chất lượng dòng tiền kém

Dù lợi nhuận sau thuế tăng trưởng qua các năm nhưng chất lượng dòng tiền của doanh nghiệp là chưa cao khi dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh biến động mạnh qua các năm và đạt mức thâm hụt hơn 11 tỷ đồng trong năm 2017. Tỷ lệ dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trên lợi nhuận sau thuế theo đó suy giảm mạnh và rơi xuống dưới ngưỡng 0. Điều đó cho thấy các khoản dồn tích chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của SRA trong những năm qua.

 

Theo mô hình đánh giá chất lượng thu nhập Beneish, giá trị M-score của SRA biến động rất mạnh trong vòng 03 năm trở lại và đều duy trì trên ngưỡng -1.78 lần. Đây cũng là giai đoạn chuyển đổi hoạt động kinh doanh của SRA. Điều này cho thấy xác suất cao hơn mức tiêu chuẩn khả năng xuất hiện thao túng thu nhập trong hoạt động kinh doanh của SRA.

 

Hoàng Nguyên

FiLi

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 26/09: Tăng điểm trở lại? (25/09/2018)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu tuần 24/09 (24/09/2018)

>   Phân tích kỹ thuật nhóm cổ phiếu xây lắp điện – Tháng 09/2018: TV2 (26/09/2018)

>   CHP: Không báo cáo dự kiến giao dịch, một cá nhân bị phạt 30 triệu đồng (22/09/2018)

>   Tundra Vietnam Fund bị phạt 50 triệu đồng (22/09/2018)

>   Chậm công bố thông tin, Ô tô PTM bị phạt 60 triệu đồng (22/09/2018)

>   Chứng khoán Tuần 17-21/09: Tăng rực rỡ, VN-Index tái chiếm thành công ngưỡng 1,000 điểm (21/09/2018)

>   Thao túng giá cổ phiếu KDM, một cá nhân bị phạt 550 triệu đồng (21/09/2018)

>   TDG: Lướt sóng "chui”, một cá nhân bị phạt 65 triệu đồng (21/09/2018)

>   Nhịp đập Thị trường 21/09: Thanh khoản vượt 10,000 tỷ, khối ngoại bán ròng gần 790 tỷ đồng (21/09/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật