Thứ Ba, 04/09/2018 08:48

SCIC tiếp quản vốn tại đơn vị sở hữu 'đất vàng' Đồng Khởi Seaprodex

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Seaprodex về SCIC.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đã chính thức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - CTCP (Seaprodex, SEA) cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với giá trị gần 800 tỷ đồng.

SCIC tiếp quản vốn Seaprodex

Hiện tại, trong tổng số 1.250 tỷ đồng vốn điều lệ tại Seaprodex, Nhà nước đang sở hữu hơn 792 tỷ đồng, tương đương hơn 63% vốn sở hữu. Sau khi tiếp quản, SCIC sẽ là cổ đông lớn nhất tại đây và sẽ tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Trường hợp cần thiết, SCIC sẽ thực hiện tái cấu trúc tài chính và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Sau đợt chuyển giao này, Bộ NN & PTNT sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tại 2 doanh nghiệp còn lại do Bộ quản lý là Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long và Công ty TNHH MTV XNK Nông sản Thực phẩm Hà Nội để chuyển giao vốn về SCIC.

Theo Quyết định số 1232 về danh mục thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng đã quyết định việc các Bộ/UBND tỉnh chuyển giao về SCIC để triển khai bán phần vốn nhà nước tại 62 doanh nghiệp tại 6 Bộ và 16 địa phương với tổng số vốn nhà nước là trên 11.200 tỷ đồng (chiếm 65,3% vốn điều lệ các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao).

Tổng công ty Thủy sản Việt Nam tiền thân là Công ty Xuất nhập khẩu Hải sản thành lập từ năm 1978. Những năm 90 của thế kỷ trước, Seaprodex phát triển rất mạnh với hơn 30 đơn vị thành viên trên khắp cả nước, doanh thu mỗi năm khoảng 6.000 tỷ đồng.

Đến năm 2011, tổng công ty được tổ chức lại và chính thức được cổ phần hóa vào cuối năm 2014. Trong đợt IPO của Seaprodex, có rất nhiều nhà đầu tư tham gia trong đó có nhiều tên tuổi lớn như VinaCapital, Masan, Mekong, Geleximco...

Vài năm trở lại đây, việc chuyển hướng kinh doanh cũng như tìm nhà đầu tư chiến lược khó khăn khiến kết quả kinh doanh của Seaprodex không như kỳ vọng. Dù vẫn ghi nhận hàng nghìn tỷ đồng doanh thu cùng hơn trăm tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm, so với giai đoạn trước doanh thu của Seaprodex đã giảm đáng kể. 6 tháng đầu năm vừa qua, tổng công ty ghi nhận hơn 630 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 28% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng nửa năm công ty thu về cũng giảm 19% chỉ đạt 95 tỷ đồng.

Rối ren "đất vàng" 2-4-6 Đồng Khởi

Seaprodex là cái tên được nhắc tới rất nhiều trong vụ lùm xùm về thâu tóm đất vàng của các đại gia Việt. Công ty hiện quản lý và sử dụng tới gần 880.000 m2 đất tại 5 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó có nhiều khu đất ở vị trí đắc địa tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng.

Đáng chú ý nhất chính là khu "đất vàng" gần 1.900 m2 tại 2-4-6 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM, nơi từng là trụ sở của tổng công ty.


Trụ sở Seaprodex tại khu "đất vàng" 2-4-6 Đồng Khởi. Ảnh: N.Đ.

Theo quy hoạch, khu đất sẽ được dùng để xây dựng một khu phức hợp văn phòng và trung tâm thương mại, khách sạn 20 tầng, tổng mức đầu tư dự kiến 1.400 tỷ đồng, thời hạn giao đất là 50 năm. Nếu thoái hết vốn Nhà nước, cổ đông chiếm cổ phần chi phối sẽ có quyền quyết định số phận khu đất này.

Đây cũng là khu "đất vàng" vướng nhiều lùm xùm với các đại gia Việt trước đó.

Cụ thể, năm 2005, Seaprodex đã ký thoả thuận hợp tác với thành viên của Geleximco để triển khai dự án này. Sau đợt IPO hồi cuối năm 2014, nhóm cổ đông Geleximco cũng sở hữu 35% vốn và trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại tổng công ty. Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco cũng được bầu trở thành Phó chủ tịch HĐQT Seaprodex.

Tuy nhiên, sau khi Bộ Nông nghiệp phủ quyết mọi vấn đề liên quan đến việc đầu tư vào khu đất này và chỉ đạo tạm ngưng tái cơ cấu vốn đầu tư thì nhóm Geleximco đã thoái vốn khỏi đây. Ông Vũ Văn Tiền cũng từ nhiệm ban lãnh đạo tổng công ty vào tháng 12/2016.

Thay vào đó là Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 với 20% vốn sở hữu, 15% vốn còn lại của Geleximco được Công ty TNHH Bất động sản Anh Tú mua lại. Cả 2 doanh nghiệp này đều liên quan đến tập đoàn Novaland khi mà cổ đông sáng lập của Bất động sản Anh Tú chính là ông Bùi Đạt Chương, em trai Chủ tịch Tập đoàn Novaland và ông Bùi Cao Nhật Quân sáng lập, nắm giữ 100% vốn điều lệ tương ứng 48 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu sở hữu của Anh Tú sau đó đã thay đổi khi những người thân của ông Bùi Thành Nhơn thoái hết vốn khỏi đây.

Thay đổi cổ đông sở hữu vốn nhưng dự án trên "đất vàng" 2-4-6 Đồng Khởi vẫn chưa được triển khai. Đến nay, ngoài SCIC mới tiếp quản hơn 63% vốn tại Seaprodex, còn có cổ đông cá nhân Ngô Minh Anh sở hữu hơn 20% vốn. Đây là số cổ phần mà Công ty Chấn Phong (tiền thân là Nova Bắc Nam 79) chuyển nhượng cho vị này.

Quang Thắng

zing

Các tin tức khác

>   TCBS: Nghị quyết và Biên bản họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2018 (04/09/2018)

>   VFR: Báo cáo tài chính bán niên năm 2018 (04/09/2018)

>   TBD: Báo cáo tài chính bán niên năm 2018 (công ty mẹ) (04/09/2018)

>   TLD: BCTC Năm 2017 (02/04/2018)

>   TLD: BCTC Quý 02.2017 (04/12/2017)

>   TLD: BCTC Quý 02.2017 (04/12/2017)

>   TLD: BCTC Quý 04.2017 (23/01/2018)

>   TLD: BCTC Quý 04.2017 (24/01/2018)

>   TLD: BCTC Quý 04.2017 (23/01/2018)

>   TLD: BCTC Quý 04.2017 (24/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật