Thứ Sáu, 14/09/2018 15:10

Những cuộc IPO bất thành

Nguyên nhân nào dẫn tới IPO thất bại? Phải chăng chỉ là việc chọn lựa thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng không phù hợp, hay còn lý do nào khác?

Một số đợt IPO của doanh nghiệp nhà nước gần đây đã không nhận được sự tham gia nhiệt tình của giới đầu tư. Ảnh: THÀNH HOA

Một số đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của doanh nghiệp nhà nước gần đây đã không nhận được sự tham gia nhiệt tình của giới đầu tư, điển hình như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex Bình Dương (chỉ hơn 6% cổ phần chào bán đã bán được); Tổng công ty Phát điện Genco 3 (bán được hơn 7,2 triệu cổ phiếu); Tổng công ty Hàng hải Vinalines bán được 5,44 triệu cổ phiếu... Với tỷ lệ cổ phiếu phát hành được quá thấp so với hàng trăm triệu cổ phiếu chào bán, và giá đấu bình quân xấp xỉ giá khởi điểm, các đợt IPO nói trên đã làm cho việc tìm kiếm đối tác đầu tư chiến lược của doanh nghiệp nhà nước trở nên khó khăn.

Nợ cao

Cho đến nay việc tìm nhà đầu tư chiến lược cho Genco 3 vẫn chưa có kết quả dù doanh nghiệp đã đăng ký niêm yết trên UpCom cả nửa năm. Giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên và giá IPO của Genco 3 tới 24.800 đồng/cổ phiếu và 24.600 đồng/cổ phiếu, nay đã có phiên cổ phiếu rơi về gần 11.000 đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2018, vốn chủ sở hữu của Genco 3 là 10.489 tỉ đồng, vốn điều lệ 10.363 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm đạt 442 tỉ đồng. Mức lợi nhuận này rõ ràng là không hấp dẫn và khó thuyết phục các nhà đầu tư giải ngân, nên thanh khoản giao dịch hàng ngày của Genco 3 chỉ lèo tèo vài trăm cổ phiếu. Ngày nào khối lượng khớp lệnh được một ngàn cổ phiếu là cao!

Tuy nhiên, câu chuyện chính của Genco 3 không chỉ gói gọn ở lợi nhuận so với quy mô tổng công ty, mà ở... nợ. Báo cáo tài chính cho thấy nợ ngắn hạn và dài hạn của tổng công ty lên tới 61.029 tỉ đồng, gấp 5,82 lần vốn chủ sở hữu. Giả sử mang số tiền tương đương số nợ gửi tiết kiệm ngân hàng kỳ hạn 12 tháng với lãi suất 6,5%/năm (mức thấp trên thị trường hiện nay), Genco 3 có thể thu về gần 4.000 tỉ đồng mỗi năm, gấp nhiều lần lợi nhuận ròng làm ra.

Nợ của Vinalines phức tạp hơn. Tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào tổng công ty trước thềm IPO, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên, cho biết nợ của công ty mẹ hiện còn 2.000 tỉ đồng do đã tái cơ cấu. Theo ông, phần lớn nợ của Vinalines đã được bán cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) của Bộ Tài chính. Giở báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm nay của DATC ra xem, thấy các khoản nợ gốc mua lại; nợ và tài sản nhận bàn giao của DATC tại ngày 30-6-2018 không có thay đổi nhiều so với đầu năm, chênh nhau vài trăm tỉ đồng. Trong khi đó, các khoản phải trả dài hạn khác tổng cộng khoảng 19.600 tỉ đồng của DATC tồn tại đã một số năm, chủ yếu liên quan đến quá trình tái cơ cấu nợ của Vinashin trước đây. Nếu DATC mua nợ của Vinalines, không biết DATC hạch toán vào đâu.

Chưa minh bạch

Không ít nhà đầu tư e ngại việc mua cổ phần Vinalines. Năm, sáu năm trước, Vinalines đã từng có thời điểm lỗ lũy kế tới 22.000 tỉ đồng. Nhà nước cũng đã từng cân nhắc việc cho Vinalines phá sản. Chỉ từng ấy dữ liệu đủ khiến nhà đầu tư băn khoăn có nên “xuống tiền” tham gia IPO.

Theo quy định, trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, các đơn vị cổ phần hóa phải giải quyết minh bạch vấn đề nợ nần. Nợ của Vinalines đã tụt giảm nhanh và nhiều trong năm 2016-2017, vậy liệu Nhà nước có xóa nợ cho tổng công ty? Nhà nước là chủ sở hữu, đương nhiên Nhà nước có quyền xóa nợ cho doanh nghiệp. Xóa nợ có nghĩa là Nhà nước mất tiền. Còn không xóa, mà nợ của Vinalines giảm, thì Nhà nước phải bỏ tiền ra trả nợ cho tổng công ty. Cái này không thấy làm rõ trong bản công bố thông tin IPO.

Mặt khác, Vinalines còn nhiều công ty con, công ty liên kết trong lĩnh vực vận tải biển. Hầu hết các công ty này đều đang thua lỗ, nợ ngân hàng cao, vốn chủ sở hữu đã âm hoặc còn rất ít. Vinalines đã tiến hành thoái một tỷ lệ vốn nhỏ (chẳng hạn từ 51% xuống dưới 49%) của các công ty con và chuyển những công ty con này thành công ty liên kết để không phải trích lập dự phòng rủi ro. Tổng nợ của các công ty con là chi tiết mà Vinalines dường như đã không đề cập đến.

Trên sàn những công ty con hoặc liên kết của Vinalines như Vosa, Đông Đô, vận tải Biển Bắc... đều đang giao dịch với thị giá cổ phiếu dưới 2.000 đồng, thậm chí vài trăm đồng. Bên cạnh vận tải biển Vinalines còn có những mảng hoạt động khác như cảng biển, dịch vụ hàng hải và tổng công ty dựa vào những mảng này để bù đắp cho vận tải biển. Thế nhưng để tạo đột phá, Vinalines phải có những cơ chế mạnh. Cơ chế đó là gì? Cụ thể ra sao? Mức độ nào? Giới đầu tư không tỏ tường.

Đã một thời gian dài, phương thức phổ biến trong tiến trình cổ phần hóa là xác định giá trị phần vốn nhà nước, sau đó doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu ra bên ngoài để nâng vốn điều lệ, thu thêm tiền vào, còn vốn nhà nước giữ nguyên và tương đương với một tỷ lệ nhất định nào đó vốn điều lệ công ty. Như Genco 3 dự kiến khi IPO sẽ nâng vốn điều lệ lên 20.809 tỉ đồng. Phương thức trên đảm bảo lợi ích cho Nhà nước về mọi phương diện, song không tạo sức hút giới đầu tư. Giờ đây nó dần trở nên thiếu thực tế và ít khả thi. Để IPO thành công, phải thay đổi từ điểm gút này.

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   Sắp IPO một công ty thuốc lá với giá khởi điểm 15,500 đồng/cp (13/09/2018)

>   UBND Tỉnh Khánh Hòa đấu giá 1.6 triệu cp Cảng Nha Trang, giá khởi điểm 11,900 đồng/cp (10/09/2018)

>   EVN đề xuất được IPO EVNGenco1 và 2 vào đầu năm 2019 (07/09/2018)

>   Cấp thoát nước Tây Ninh: Đấu giá thành công 1.8 triệu cp, thu về hơn 23.4 tỷ đồng (07/09/2018)

>   Vụ cổ phần hóa cảng Quy Nhơn: Nhà nước lấy lại cổ phần thế nào? (07/09/2018)

>   Xem xét để nhà nước trở lại nắm cổ phần chi phối cảng Quy Nhơn (05/09/2018)

>   IPO Vinalines: Chỉ bán thành công hơn 1.1% cổ phần mang ra đấu giá (05/09/2018)

>   Protrade mang cổ phiếu "ế" chào bán đấu giá 18,000 đồng/cp (05/09/2018)

>   Nhà nước đã mua nợ của Vinalines (02/09/2018)

>   HOSE: Thông báo về thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần ra công chúng của Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (31/08/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật