Thứ Sáu, 14/09/2018 13:13

Nhờ đâu cổ phiếu thủy sản nổi sóng?

Ngày 10 và 11/09 hai nhóm lĩnh vực cá tra và tôm thuộc ngành thủy sản cùng đón nhận tin vui về mức thuế chống bán phá giá đều giảm hơn rất nhiều so với trước đó.

Biến động cổ phiếu MPC, FMC, HVG, VHCANV trong vòng 12 tháng qua

Từ tôm…

Đối với ngành tôm, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố mức thuế cuối cùng chống bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ của đợt xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) thuộc niên độ bán hàng 2016 là 4.58% áp dụng cho hơn 30 doanh nghiệp tôm Việt Nam. Mức thuế chính thức này giảm rất mạnh so với mức thuế sơ bộ trước đó của POR12 là 25.76% và cũng cải thiện hơn so mức thuế của POR11 là 4.78%. Theo đó, những doanh nghiệp tôm Việt Nam bán hàng vào Mỹ theo giá đã đặt cọc tiền thuế theo mức 4.78% thì sẽ thu hồi được một khoản tiền tương ứng dù không nhiều.

Nhận định về mức thuế này, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT CTCP Sao Ta (HOSE: FMC) - là bị đơn bắt buộc trong đợt này, cho biết nguyên nhân chính của sự thay đổi lớn này là giá trị thay thế sử dụng không còn phù hợp. Bởi trước đây các doanh nghiệp tôm mua và chế biến phần lớn là tôm sú và nhận giá trị thay thế từ tôm sú của Bangladesh. Nhưng hiện nay ở Việt Nam tôm thẻ chân trắng là phổ biến và giá thấp hơn tôm sú nên không khó tìm số liệu.

Hướng tới ở POR13 (niên độ bán hàng 2017) mà FMC tiếp tục là bị đơn bắt buộc, Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tập hợp các bị đơn vụ kiện hợp tác với nhau để nhờ luật sư tư vấn tìm giá trị thay thế mới là tôm thẻ cho phù hợp thực tế. Ông Lực cho biết, nếu giá trị thay thế mới được áp dụng, chắc chắn mức thuế ở POR13 sẽ hết sức thấp, thậm chí là 0%. Hiện nay, FMC đã cung ứng tới DOC tất cả dữ liệu mà DOC yêu cầu cho POR13.

Cổ phiếu FMC cũng ghi nhận mức tăng gần 22% trong vòng 1 tháng qua, hiện vẫn đang trên đà lên 27,000 đồng/cp. Dù gần đây FMC công bố doanh số xuất khẩu của tháng 7 và tháng 8 đều giảm so với cùng kỳ lần lượt ở mức 13.7 triệu USD và 14.2 triệu USD.

Tương tự, chỉ trong vòng 1 tuần qua, cổ phiếu MPC đã tăng hơn 7% để vượt con số 40,000 đồng/cp trong phiên sáng 14/09. Khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh với bình quân gần 175,000 đơn vị/phiên, đặc biệt, phiên ngày 11/09 ghi nhận cuộc sang tay thỏa thuận hơn 9 triệu cp MPC. Khả năng đây chính là giao dịch của 3 cô con gái Chủ tịch Lê Văn Quang, trong đó Lê Thị Minh Quý và Lê Thị Minh Ngọc đã cùng lúc mua vào hơn 4.6 triệu cp và mỗi người chính thức là cổ đông của MPC khi nắm 3.3% vốn; còn Lê Thị Dịu Minh cũng mua được 104,800 cp trong tổng số đăng ký mua 1 triệu cp, tăng sở hữu lên hơn 5.49 triệu cp, tương ứng 4.64% vốn.

Còn về hoạt động kinh doanh, 6 tháng đầu năm, MPC thực hiện được hơn 6,615 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 4% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tới hơn 303.5 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. 

Chủ tịch Lê Văn Quang từng chia sẻ, trong giai đoạn tháng 5 vừa qua, giá tôm nguyên liệu có giảm nhưng không giảm mạnh như thời kỳ trước, vẫn cao hơn bình quân trong khu vực khoảng 5-10%. Hiện Minh Phú đã nâng giá mua tôm nguyên liệu lên 5% trong tháng 5 và 10% trong tháng 6. Khi Minh Phú mua giá này thì giá thế giới cũng bắt đầu tăng trở lại bởi Minh Phú hiện chiếm gần 6% thị trường tôm toàn cầu.

Theo ông Quang, trong bối cảnh giá tôm giảm thì các doanh nghiệp sản xuất được lợi, vì thế, lợi nhuận sau thuế của Minh Phú trong năm nay có thể trên 1,150 tỷ đồng, vượt xa con số kế hoạch (990 tỷ đồng) cũng như thực hiện của năm 2017 (800 tỷ đồng).

Về hoạt động đầu tư, MPC vừa quyết định tăng vốn cho Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Minh Quý từ 200 tỷ đồng lên tới 1,000 tỷ đồng và đầu tư 1,500 tỷ đồng cho dự án xây dựng nhà máy chế biến tôm Minh Quý tại khu công nghiệp Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau.

Trước đó, “vua tôm” Minh Phú từng cho biết, việc trở lại sàn HOSE, huy động vốn, đầu tư công nghệ và dự án 10,000 ha vùng nuôi của Minh Phú đều phục vụ cho mục đích chiếm 25% thị phần tôm thế giới từ mức 6% như hiện nay.

… đến cá tra đón tin vui

Cùng thời điểm này, DOC cũng đã ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 01/8/2016 đến 31/7/2017 đối với sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Theo đó, mức thuế sơ bộ cho hai bị đơn bắt buộc là 0 và 1.37 USD/kg, còn thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0.41 USD/kg và thuế suất toàn quốc là 2.39 USD/kg. Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó (POR13) là 3.87 USD/kg. Tuy nhiên, DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng trong vòng 120 ngày kể từ ngày ra kết luận sơ bộ (dự kiến vào khoảng tháng 1/2019).

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho đến giữa tháng 8, Việt Nam xuất khẩu gần 1.3 tỷ USD giá trị cá tra, tăng trưởng mạnh 37% so cùng kỳ và chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Theo dự báo, ngành công nghiệp cá tra có thể đạt được một bước đột phá trong năm 2018, với giá trị xuất khẩu vượt quá 2 tỷ USD.

Trước đây, xuất khẩu đạt đỉnh điểm trong năm 2011 với 1.81 tỷ USD và Trung Quốc, Mỹ, EU và ASEAN tiếp tục nổi lên như một thị trường xuất khẩu hàng đầu. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất từ tháng 7/2018. Cụ thể, từ 15/01 đến nay, tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ đạt 287 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ; còn vào thị trường Trung Quốc ở mức 283 triệu USD nhưng lại có mức tăng mạnh hơn là 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai thị trường này cùng chiếm 22% tổng giá trị xuất khẩu.

Trong khi đó, xuất khẩu vào khối EU cũng đang có dấu hiệu phục hồi kể từ tháng 7, với mức tăng trưởng 16% cho đến giữa tháng 8 và chiếm 11% tổng giá trị xuất khẩu. Ngược lại, xuất khẩu sang các thị trường Mỹ Latin giảm trong giai đoạn này, 4% ở Mexico, 32% ở Brazil và 2% ở Colombia.

Đối với tình hình xuất khẩu của Vĩnh Hoàn (VHC), giá trị xuất khẩu của Vạn Đức Tiền Giang đã phá kỷ lục trong tháng 7, còn tháng 8 đạt 41 triệu USD, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng của VHC cũng tăng 27% nhờ nguồn cung dồi dào trong mùa thu hoạch và bán trung bình giá vẫn ở mức cao.

Trong tất cả các sản phẩm của VHC, cá tra phi lê tăng gần gấp đôi về giá trị xuất khẩu. Các sản phẩm khác cũng tăng trưởng mạnh mẽ, chẳng hạn như bột cá và dầu cá (73%), collagen và gelatin (174%).

Ngoài ra, thêm điểm đáng chú ý là trong tháng 8 vừa qua, VHC và PharmaQ, một doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe động vật toàn cầu, đã ký hợp tác chiến lược. Theo đó, VHC sẽ áp dụng vắc-xin trên quy mô lớn đối với cá tra nhằm làm giảm hoặc thay thế việc sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, và cải thiện tính bền vững và lợi nhuận cho nông dân nuôi cá.

Nhờ những tín hiệu tích cực này mà trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu VHC có mức tăng hơn 22%, hiện đang quanh mức 85,000 đồng/cp.

Còn với Hùng Vương (HVG), chỉ trong vòng 1 tuần mà cổ phiếu đã ghi nhận 5 phiên trần, tăng gần 30% để sắp áp sát mốc 5,000 đồng/cp. Mặc dù trước đó có thông tin hỗ trợ khi bán các bất động sản và cả "con cưng" FMC và VTF nhưng những cú leo lên rồi lại nhanh chóng hạ xuống của HVG cũng khiến cổ đông đau tim. Cũng bởi hoạt động kinh doanh của HVG không cải thiện nhiều khi 9 tháng niên độ 2017-2018 vẫn chìm trong lỗ nặng với 347 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 645 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý của HVG trong thời gian gần đây là vay nợ đang có dấu hiệu giảm. Cụ thể, nợ phải trả giảm 43%, ở mức 6,158 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ vay của Công ty được cắt giảm mạnh so với đầu năm. Cụ thể, vay nợ ngắn hạn giảm phân nửa từ 7,069.7 tỷ đồng xuống còn 3,350.6 tỷ đồng; vay nợ dài hạn giảm từ 671 tỷ đồng xuống còn 335.3 tỷ đồng.

Xa hơn, với mức thuế suất giảm đáng kể thì khả năng HVG có lợi thế khi có đầu mối xuất mạnh cá tra vào thị trường Mỹ hơn các doanh nghiệp khác, dù năm ngoái, chính mức thuế chống bán phá giá từ thị trường Mỹ đã khiến Hùng Vương ngừng cung cấp cá tra vào thị trường này.

Trong khi đó, Nam Việt (ANV) là một trong những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khá tốt trong 6 tháng đầu năm với doanh thu tăng 23% khi đạt gần 1,700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 189 tỷ đồng, vọt tới 260% và đạt 70% kế hoạch cả năm. Nhờ đó, cổ phiếu ANV đã có những phiên xanh miên man trong tuần trước nhưng bước sang tuần này chỉ xanh được 2 phiên đầu tuần, còn lại vẫn đang chìm trong sắc đỏ. Và ngay trong giai đoạn này, Chủ tịch Doãn Tới đã mua thành công 3 triệu cổ phiếu và tăng sở hữu từ hơn 58.9 triệu cp (47.11%) lên 61.9 triệu cp (49.51%).

Minh An

Fili

Các tin tức khác

>   Những chuyển động ngầm (14/09/2018)

>   Nhịp đập Thị trường 14/09: Bảo hiểm lao dốc, ngân hàng lạc quan nhẹ (14/09/2018)

>   VIS: Phó TGĐ Nguyễn Ngọc Quyết bị xử phạt vì bán "chui" cổ phiếu (14/09/2018)

>   14/09: Đọc gì trước giờ giao dịch? (14/09/2018)

>   Góc nhìn 21/09: Tiếp cận vùng kháng cự gần? (20/09/2018)

>   Góc nhìn 19/09: Giằng co và tích lũy? (18/09/2018)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 14/09 (14/09/2018)

>   Phân tích kỹ thuật nhóm cổ phiếu xây lắp điện - Tháng 9/2018: PC1 (18/09/2018)

>   Nhịp đập Thị trường 13/09: Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng, nhưng Large Cap vẫn phân hóa (13/09/2018)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 13/09 (13/09/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật