Nhịp đập Thị trường 27/09: Dầu khí cứu chỉ số cuối phiên chiều
Sau vài phút đầu chần chừ, VN-Index bỗng tăng mạnh vọt lên 1,017.7 điểm nhờ lực đẩy chính từ VN30 (chỉ số này cũng tăng mạnh lên 992.1 điểm). Đến thời điểm đó, có lẽ nhiều người tin rằng thông tin nâng hạng đang phản ánh vào giá cổ phiếu, nhất là các Large Cap của nhóm VN30. Tuy nhiên, sau đó 2 chỉ số nói trên bất thần quay đầu giảm trở lại về sát mức “khởi động” của phiên chiều.
Cuối cùng nhờ phiên tụ lệnh ATC, cũng như nhờ nhóm dầu khí, VN-Index và VN30-Index mới lần lượt hồi phục lên 1,015.37 điểm và 989.45 điểm. Sàn HOSE nhìn chung vẫn xanh, với số lượng mã tăng giá áp đảo mã giảm giá, tuy nhiên diễn biến giao dịch cả 2 phiên sáng và chiều đều khá bất ngờ.
Thông tin “nâng hạng” TTCK Việt Nam tất nhiên liên quan đến khối ngoại, nhưng dường như hôm nay khối ngoại cũng chưa mang lại điều gì bất thường. HPG, VRE… vẫn là các large cap được họ mua ròng nhiều, nhưng lượng bán ra cũng không ít ở VCB, VJC… Một số mã khác có lượng mua và bán khá lớn nhưng cân bằng (tức khối lượng mua bán ròng nhỏ) như VIC, MSN, VHM, VNM…
Diễn biến sàn HNX khá đồng dạng với HOSE, tuy nhiên nhóm HNX30 vẫn có mức tăng giá vượt trội mặt bằng chung. Chỉ số HNX30-Index chiều nay tăng hơn 1%, nhờ BCC tăng trần 9,3% phiên thứ hai liên tiếp, và các mã khác như NDN, TV2… cũng tăng mạnh. TV2 xét trong 3 phiên gần nhất đã tăng gần 20%.
Nhóm ngân hàng tiếp tục có sự phân hóa trong phiên chiều, với các đại gia gốc quốc doanh như VCB, CTG và BID đều giảm giá. Ngược lại, 1 số cổ phiếu ngân hàng tư nhân lại tăng giá như NVB, TCB, SHB, VPB… TCB có lẽ là tâm điểm trong nhóm, nhờ có diễn biến tăng giá trong suốt 2 tuần nay.
Nhóm dầu khí khởi sắc hơn nhiều trong phiên chiều, GAS, PVS, PVT, PVC… đều tăng giá tốt hơn phiên sáng, PVD thậm chí có tăng trần. Giá dầu Brent đang ở mức cao kỷ lục của năm nay, có lẽ đang giúp giá cổ phiếu của đại gia khoan dầu tăng hơn 20% trong tháng 9 này. Hôm nay cũng là phiên thứ 4 PVD được khối ngoại mua ròng, sau phiên 19/09 bị họ bán ròng tới gần 1,2 tr.cp.
HĐQT TNG đã công bố phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi, kỳ hạn 3 năm, tổng giá trị 200 tỷ đồng, giá chuyển đổi 13,800 đ/cp, trái chủ có thể chuyển đổi sau 1 năm. Tin ra, chiều nay cổ phiếu TNG giảm giá gần 6% về 17,600 đ/cp. Là 1 cổ phiếu small cap nhưng thuộc nhóm ngành dệt may, vốn đang hưởng những thông tin tích cực gần đây, nên giá cổ phiếu TNG đã tăng mạnh từ dưới 12,000 đ/cp lên đỉnh 19,300 đ/cp chiều qua, kèm theo đó là thanh khoản cao (trong 10 phiên gần đây lượng giao dịch bình quân đều trên 1.5 triệu). Do đó có thể coi mức giảm giá chiều nay là hệ quả của việc chốt lời kỹ thuật.
Ngày 03/10 tới đây, FOX sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2018 bằng tiền, tỷ lệ 10%, thời gian thanh toán vào 10/10/2018. FOX vốn kém thanh khoản, trong gần 2 tháng qua giá cổ phiếu gần như đi ngang quanh 50,000 đ, kể cả khi có tin chia cổ tức cũng chỉ tăng giá chưa đến 1%.
Phiên sáng: Hồi phục nhẹ vào cuối phiên sáng
VN-Index và “động cơ chính” VN30-Index đã hồi lại một chút trong 30 phút cuối phiên sáng, sau khi bất ngờ “suy giảm”. Nói suy giảm, dù VN-Index vẫn cao hơn tham chiếu, là bởi vì thị trường chứng khoán Việt Nam ngay từ đầu phiên đã nhận tin vui, rằng FTSE đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng, nhưng diễn biến giá nhiều cổ phiếu lớn lẫn các chỉ số sau đó đã hoàn toàn ngược lại. GAS, MSN, VIC, VCB… những mã vốn hóa “khủng” nhất sàn HOSE liên tục rơi vào sắc đỏ, tác động tiêu cực lên các chỉ số liên quan.
Với lực cầu hồi vào cuối phiên sáng, thị trường lại kỳ vọng vào phiên chiều, bởi 1 số tổ chức và chuyên gia trong ngành đang sớm “đếm cua” về số tiền các quỹ trên thế giới sẽ bỏ ra 1 khi Việt Nam được nâng hạng. Dù sớm, nhưng có lẽ điều này sẽ tác động tâm lý lên những mã vốn hóa lớn và ưu tiên còn room.
Việc Việt nam sắp “thăng hạng” sẽ liên quan nhiều đến giao dịch của khối ngoại. Sáng nay, có vẻ như khối ngoại đang mua ròng trên sàn HOSE, trong đó 3 mã được mua ròng nhiều nhất là HPG, VRE và SSI. Tuy nhiên lượng mua ròng nhìn chung chưa có gì đột biến. Ở phía bên bán cũng vậy, bán ròng nhiều nhất là VCB, HSG và VJC, nhưng lượng bán không hề lớn.
Ngân hàng, bất động sản dân dụng, dầu khí là các nhóm ngành có đóng góp lớn vào chỉ số, sáng nay có diễn biến phân hóa, dù không có tin xấu. Thậm chí đối với nhóm dầu khí, giá dầu Brent vẫn đang ở mức cao của năm nay, vượt 80 USD/thùng. Những đầu tàu của các nhóm này như VCB, VIC hay GAS đều có nhiều thời điểm chìm trong sắc đỏ. May thay, tình hình đang có vẻ phục hồi vào phút chót của phiên sáng. Trong nhóm ngân hàng, TCB đang gây chú ý (không chỉ sáng nay mà trong 2 tuần nay) với mức tăng 2.1%. Trong nhóm dầu khí, thu hút nhất là PVD (cựu thành viên nhóm VN30) với mức tăng tới 4%.
Các nhóm ngành nhỏ hơn nhìn chung vẫn có diễn biến khá tích cực. Điều này đồng dạng với diễn biến của các chỉ số về Mid Cap Cap và Small Cap Cap của 2 sàn niêm yết. Một số ít nhóm có diễn biến tiêu cực là mía đường, hàng không…
VGI tiếp tục tăng mạnh sáng nay, với mức tăng giá 14.6% (giá trần). Tính tổng từ khi lên sàn UPCoM (hôm nay là phiên thứ ba), cổ phiếu công ty con của tập đoàn Viettel này đã tăng giá 68%, có vẻ không tương xứng đối với kết quả tăng trưởng lợi nhuận gần đây.
Sau khi có tin Fed tăng lãi suất, giá USD tự do trong nước sáng nay tăng khoảng 20 đồng so với ngày hôm qua và đang có dấu hiệu hồi phục về mức đỉnh hồi cuối tháng trước. Tại Hà Nội, mức quy đổi phổ biến 23,420 – 23,450 đồng. Còn các cửa hàng ở TPHCM mua vào 23,450 đồng và bán ra 23,470 đồng. Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá trung tâm giảm nhẹ 2 đồng so với ngày hôm qua nhưng vẫn là mức sát đỉnh, tại 22,715 đồng. Trong biên độ cho phép, các ngân hàng được giao dịch 22,034 – 23,396 đồng. Tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN tăng 3 đồng so với hôm qua, lên mức 23,349 đồng.
10h45: Đà hưng phấn giảm nhanh
Thị trường đón nhận tin tốt từ sớm, nhưng diễn biến đang có vẻ hoàn toàn ngược lại. Đà hưng phấn của nhà đầu tư đối với thông tin nâng hạng có vẻ sớm giảm, do diễn biến ở các mã lớn.
Nhóm vốn hóa lớn đang ảnh hưởng lớn lên chỉ số, trong đó những mã vốn hóa lớn nhất đang chìm trong sắc đỏ như GAS, MSN, MWG, VIC… VN-Index và VN30-Index đang rơi dần về tham chiếu, dù vẫn giữ sắc xanh. Tuy nhiên VN Mid Cap và Small Cap Index vẫn đang có mức tăng cao hơn chỉ số chính VN-Index.
Trong các chỉ số chính, UPCoM-Index đang giảm mạnh nhất, về dưới 54 điểm có lẽ do ACV giảm hơn -2%. Tuy vậy, diễn biến của chỉ số sàn UPCoM cũng khá tương đồng với chỉ số sàn HOSE.
Ngân hàng đang có vẻ phân hóa, tuy không hẳn là diễn biến xấu. Các mã lớn đang mất đà tăng và quay lại tham chiếu. Nhóm chứng khoán, bất động sản cũng vậy. Nhóm dầu khí có lẽ tác động tiêu cực nhiều hơn do đầu tàu GAS sớm chìm vào sắc đỏ. PVD tuy vẫn tăng, nhưng là “của hiếm” lúc này. Có lẽ giá dầu Brent tăng vượt 80 USD/thùng đang củng cố tâm lý tích cực cho PVD. DPM đang chững lại, sau khi tăng bất ngờ chiều qua. Tương tự cho DCM, thậm chí cổ phiếu này đã quay đầu giảm sớm.
Bộ Công Thương cho biết, thuế suất nhập khẩu vào EU đối với mặt hàng quần áo trẻ em của Việt Nam đã về 0% từ ngày 14/9. Trước đó, mặt hàng này phải chịu mức thuế khoảng 1.25 - 1.99 USD/kg trong vòng 6 tháng kể từ 14/3 do khối lượng nhập khẩu trong một năm vượt ngưỡng quy định trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EAEU.
9h30: Tin tốt bất ngờ
Sáng nay, nhà cung cấp chỉ số FTSE Russell vừa công bố kết quả phân hạng thị trường định kỳ hàng năm, đáng chú ý nhất là thị trường chứng khoán Việt Nam đã được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại hai (secondary Emerging). Đây quả là một thông tin đáng mừng đối với những nhà đầu tư chúng ta, và nó đến khá bất ngờ. Tuy nhiên, dường như điều này vẫn chưa tạo ra “làn sóng” đẩy giá cổ phiếu, nhất là nhóm bluechip trên sàn HOSE. Chỉ số VN-Index mở cửa chỉ tăng khoảng 3 điểm so với cuối ngày hôm qua. Tuy nhiên thị trường nhìn chung tích cực với số mã xanh khá áp đảo.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất lần thứ ba trong năm 2018, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay và năm tới, và đưa ra “đường đi nước bước” của Fed cho tới năm 2021. Cụ thể, sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) đã quyết định nâng lãi suất thêm 0.25% lên mức 2-2.25%. Động thái này đánh dấu lần nâng lãi suất thứ tám kể từ khi FOMC bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 12/2015. Bên cạnh việc nâng lãi suất, FOMC tiếp tục dự báo sẽ nâng lãi suất thêm môt lần nữa trước khi kết thúc năm 2018 và thực hiện 3 lần nâng lãi suất trong năm 2019. Tuy nhiên, đây là điều đã được dự báo nhiều lần từ trước.
DGW hôm qua đã tổ chức lễ ký kết hợp tác chiến lược với HMD Global, công ty sở hữu độc quyền thương hiệu Nokia cho điện thoại và máy tính bảng. Theo số liệu từ GfK, Nokia giữ vị trí số 1 với thị phần 25% trong 7 tháng đầu năm tính về số lượng người dùng mới (cả điện thoại cơ bản và smartphone) tại Việt Nam. Số thị phần này tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Có lẽ DGW đang kỳ vọng nhiều vào đại gia di động từng có thời “lừng lẫy” tại Việt Nam này, nhưng thị trường di động đang được coi là rất cạnh tranh và bão hòa, nên chưa thể nói gì nhiều. Sáng nay giá cổ phiếu DGW tăng nhẹ.
MWG cho biết sẽ đóng tất cả mặt hàng không phải là hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trên trang thương mại điện tử Vuivui.com. MWG cho biết Vuivui.com chỉ tập trung kinh doanh các nhóm hàng FMCG nên sẽ đóng các mặt hàng không liên quan đến ngành hàng này trên website. Thời gian chính thức đóng các mặt hàng ngoài FMCG bắt đầu từ ngày 1/10. Đây là điều khá bất ngờ bởi vì trong báo cáo nhanh tháng 8 vừa qua, doanh số từ mảng online của MWG tăng rất mạnh. Tất nhiên, vuivui.com không phải là trang web duy nhất của MWG. Dù sao đi nữa, thông tin này có lẽ đang phản ánh vào giá cổ phiếu.
VHM thông báo phương án phát hành 669.9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 25%. Ngày chốt danh sách cổ đông là 4/10. Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế lũy kế tính đến 30/6. Vốn điều lệ công ty dự kiến tăng từ 26.796 tỷ lên 33.495 tỷ đồng. Như vậy Vinhomes sẽ tăng vốn từ 26,796 tỷ lên 33,495 tỷ đồng. Giá cổ phiếu VHM sáng nay tăng hơn 2.4%.
Hoàng Nam
FILI
|