Nhà kinh tế đạt giải Nobel: TTCK Mỹ sắp đối mặt với khoảng thời gian đen tối
Chuyên gia kinh tế đạt giải Nobel, Robert Shiller, cho rằng, nhà đầu tư nên ngó lơ sự bùng nổ lợi nhuận doanh nghiệp trong thời gian gần đây và tập trung vào mức định giá dài hạn – một điều mà ông cho là sẽ mang lại điềm báo trước cho thị trường chứng khoán Mỹ.
Chuyên gia kinh tế đạt giải Nobel, Robert Shiller
|
Vào thời điểm khi lợi nhuận tăng trưởng 25% trong 1 quý, ông Shiller cho rằng điều này không hề báo trước kết quả dài hạn của thị trường chứng khoán. Lịch sử đã cho thấy rằng, trong những thời điểm trước đó, nhất là quanh Thế Chiến I, cuối thập niên 20 và thời điểm lạm phát cao của thập niên 80, lợi nhuận có thể cao nhưng thành quả cổ phiếu có thể không được như thế.
Trong trường hợp hiện tại, đà tăng gần đây của lợi nhuận doanh nghiệp phần lớn là đến từ các đợt cắt giảm thuế của năm ngoái (2017) – vốn do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất, giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%.
“Theo tôi, dường như đây là sự phản ứng thái quá”, ông Shiller cho biết tại một hội nghị ở New York trong ngày thứ Sáu (14/09). “Chúng ta đang khởi đầu cho một cuộc chiến thương mại. Vậy mà mọi người chẳng mảy may lo lắng về nó hay sao? Liệu đó có phải là một điều tốt đẹp? Tôi không biết, nhưng tôi nghĩ có khả năng thị trường chứng khoán Mỹ chuẩn bị đối mặt với thời gian đen tối”.
Mới đây, trong ngày thứ Năm (14/09), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo các trợ lý triển khai kế hoạch áp hàng rào thuế quan lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bất chấp nỗ lực của Bộ trưởng Tài chính Mỹ trong việc cố gắng khởi động lại đàm phán với Bắc Kinh để ngăn chặn chiến tranh thương mại, dựa trên thông tin từ 4 người thân cận với vấn đề.
Vị chuyên gia kinh tế trường Yale được biết tới với những quan điểm mới lạ và những lý thuyết về thị trường, nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là một thước đo về việc định giá thị trường cổ phiếu – Hệ số P/E đã được điều chỉnh theo yếu tố chu kỳ của nền kinh tế (CAPE).
Hiện hệ số này đang ở mức 33.3, cao nhất kể từ tháng 6/2001. Hệ số này chạm đỉnh gần 45 vào giữa những năm 2000, thời điểm bong bóng dot-com chuẩn bị đổ vỡ.
Ông Shiller cảnh báo rằng, ông không dự báo trước thiên tai sắp xảy ra cho thị trường chứng khoán, mà chỉ là thị trường sẽ mang lại tỷ suất sinh lợi thấp hơn nhiều so với những gì nhà đầu tư kỳ vọng trong suốt 9 năm thị trường con bò vừa qua.
Trong thị trường con bò hiện tại, chỉ số S&P 500 đã vọt hơn 335% so với mức đáy xác lập tháng 3/2009.
“Không phải là tôi dự đoán sẽ có cú đổ đèo”, ông nói. “Đây là mức tỷ suất sinh lợi 10 năm tới. Nó sẽ không cao trong tương lai, vì chúng đang ở mức quá cao ở hiện tại”,
Trong khi đó, ông cho rằng, môi trường thuế hiện tại sẽ không kéo dài và lợi nhuận doanh nghiệp sẽ suy giảm, giống như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Dĩ nhiên, hệ số CAPE của ông Shiller đã tăng mạnh trong nhiều năm và vượt ngưỡng 30 từ gần 1 năm về trước. Và không phải ai cũng đồng ý với những phân tích của ông, ngay cả Jeremy Siegel – người bạn và là đối tác 51 năm của ông.
Ông Siegel hiện đang là giảng viên tài chính tại trường Wharton School và từ lâu đã là người lạc quan về thị trường. Ông phản đối nhiều quan điểm của ông Shilller, nhất là về việc liệu thị trường có nhất thiết cần phải đảo ngược xu hướng hay không, và những tác động của hoạt động đầu tư thụ động (có chi phí thấp) tới thị trường. Nhờ có các quỹ ETF có chi phí thấp, nhà đầu tư có thể tốn ít chi phí hơn để có được một danh mục cân bằng và họ cũng không đòi hỏi tỷ suất sinh lợi đánh bại thị trường.
Ngay cả khi chứng khoán đang khá đắt đỏ, ông Siegel cho rằng, chúng vẫn còn khá hơn so với trái phiếu khi xét về phần bù rủi ro.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|