Nghịch lý cà phê Việt Nam: Của ngon bán ra nước ngoài?
Trong khi các loại hàng “xịn” nhất được doanh nghiệp gom bán ra nước ngoài thì mỗi năm, Việt Nam phải nhập khoảng 60.000 tấn cà phê đã qua chế biến từ Brazil, Mỹ, Trung Quốc...
Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, với 1,8 triệu tấn cà phê nhân xuất khẩu trong năm 2017, nhưng có tới 90% cà phê Việt Nam là xuất khẩu thô nên thương hiệu cà phê Việt Nam thực sự vẫn chưa có tên trên bản đồ thế giới. Trong khi đó ở thị trường trong nước, người tiêu dùng phải đối mặt hàng ngày với cà phê trộn phụ gia, uống ly cà phê nhưng không phải chỉ cà phê nguyên chất.
Người Việt không dễ kiếm ly cà phê ngon?
Anh Nguyễn Văn Thư, chủ một quán cà phê ở quận 3, TP.HCM, cho rằng một thực tế khiến một số người tiêu dùng trong nước phải uống cà phê mà không phải cà phê nguyên chất xuất phát từ chính thói quen của họ. “Gu” uống cà phê mà nhiều người quen từ trước đến nay cũng giống như cách nấu ăn, phải cho gia vị. Cà phê ngon theo thói quen của không ít người dùng là phải đậm mùi, phải béo và sánh.
Để đáp ứng thói quen này, nhiều điểm kinh doanh ban đầu sử dụng phụ gia, bơ, bắp, đậu nành trong quá trình rang, xay. Dần dà thị trường có đủ các hương liệu để đáp ứng, và cứ thế mà ly cà phê bị trộn nhiều chất độn, thậm chí có cả hoá chất.
“Lâu dần người dùng quen vị, phải uống cà phê có thêm các phụ gia khác thì mới thấy sánh, đậm đà”, anh Thư nói.
Cùng quan điểm này, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cũng nói rằng khách hàng trên thế giới rất ngạc nhiên với kiểu uống cà phê “không giống ai” của một số người ở Việt Nam. Điều “không giống ai” mà dân sành cà phê lý giải, là một số người Việt đang uống cà phê bị pha quá nhiều tạp chất, mặc dù giá bán một ly cà phê trung bình tại các hàng là không quá rẻ so với thu nhập.
Việt Nam là một trong những nước có diện tích trồng cà phê lớn nhất thế giới trong khi chưa xây dựng được nhiều thương hiệu cà phê mạnh.
|
Tuy nhiên, một lý do khác khiến nhiều người Việt Nam phải chấp nhận uống cà phê không nguyên chất là bởi cà phê ngon trong nước gần như đã bị ưu tiên mang đi xuất khẩu. Giá dành riêng cho hàng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu luôn cao vượt trội so với các sản phẩm có chất lượng kém hơn, khiến nông dân ưu tiên hàng tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp gom hàng xuất đi đưa ra một lý do rất hợp lý, là xuất thô đơn giản, thu hồi vốn nhanh, nhu cầu thị trường thế giới với cà phê rất lớn, khiến họ chấp nhận bỏ việc chế biến, phục vụ thị trường trong nước cho các đơn vị nhỏ lẻ, hộ gia đình.
Theo báo cáo Ngành Nông nghiệp Việt Nam quý III/2017 của BMI Research, trong giai đoạn 2005-2015, lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam tăng trưởng từ 0,43 kg/đầu người/năm, lên 1,38 kg/đầu người/năm. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu cà phê trên thế giới, và dự báo lên 2,6 kg/người/năm vào 2021.
Báo cáo cũng cho biết sản lượng tiêu thụ cà phê rang xay của Việt Nam niên vụ 2017-2018 ước khoảng 2,55 triệu bao, do sự phát triển nhanh chóng của các cửa hàng cà phê. Điều này là cơ hội cho các doanh nghiệp lớn quay về chiếm lại thị trường trong nước, cung ứng cho người dùng cà phê với chất lượng đảm bảo. Nhưng nếu các doanh nghiệp lớn vẫn “say” với sự dễ dàng, thuận lợi khi gom cà phê xuất khẩu mà chần chừ với thị trường nội địa, sẽ là cơ hội để cà phê không nguyên chất, cà phê mà không phải là cà phê tiếp tục bành trướng.
Vì sao doanh nghiệp thích mang “của ngon” ra nước ngoài?
Thị trường tiêu dùng Việt Nam đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, và các doanh nghiệp FDI xem đây là mảnh đất màu mỡ, đẩy mạnh đầu tư, trong khi nghịch lý là doanh nghiệp Việt lại mải mê đi xuất khẩu. Gần như đồ ngon, đồ tốt nhất trong nước được ưu tiên đem ra nước ngoài bán. Trong khi người Việt không có nhiều sản phẩm ngon để mua, phải tìm tới hàng nhập khẩu đông lạnh, hoặc phải bỏ chi phí rất đắt đỏ để mua hàng tươi nhập khẩu, mà điển hình là cà phê, hải sản, những mặt hàng Việt Nam vốn có lợi thế.
Theo bà Colleen Coyne, thành viên Hiệp hội Xuất khẩu hải sản vùng Đông Bắc Mỹ, trong 7 tháng đầu năm 2018, Mỹ đã xuất khẩu 39 triệu USD hải sản vào Việt Nam. Thời gian tới, tôm hùm, hào, sò điệp và nhiều loài hải sản khác sẽ được Mỹ quảng bá nhiều hơn đến người tiêu dùng Việt.
Nhiều doanh nghiệp gom cà phê chất lượng cao để xuất khẩu dạng thô, trong khi đơn vị khác phải nhập cà phê ngoại về bán tại thị trường nội địa.
|
Chia sẻ tại một hội thảo về cơ hội của nông nghiệp khi Việt Nam gia nhập TTP, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Hùng Vương, kêu gọi doanh nghiệp nông nghiệp hãy nghĩ đến thị trường chính tại Việt Nam, đừng mơ xa nước ngoài khi mình thiếu công nghệ.
“Tôi có 30 năm gắn bó, tôi hiểu rằng chúng ta không có lợi thế khoa học công nghệ hiện đại thì đừng chạy theo phong trào cái gì cũng xuất khẩu. Doanh nghiệp nhỏ thì đầu tư vừa phải, đáp ứng tốt chất lượng hàng hóa và nhu cầu của thị trường trong nước. Tôi kêu gọi các doanh nghiệp hãy quan tâm khai thác thị trường nội địa. Chúng ta có hơn 90 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng lớn. Tại sao lâu nay mình bỏ cho FDI nắm hết, rồi mải mê đi khai thác các thị trường mới với nhiều rủi ro”, ông Minh khẳng định.
Vua cá tra nói nếu các doanh nghiệp cùng liên kết sản xuất, hỗ trợ nhau về công nghệ thì sẽ giúp nông sản Việt cạnh tranh với nông sản của các nước phát triển, để nông dân có thu nhập tốt, người tiêu dùng trong nước được sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng, nhất là các mặt hàng có vị thế của Việt Nam như gạo, cà phê, hồ tiêu, chế biến thủy sản…
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, nếu doanh nghiệp không kiên trì, thậm chí “chịu thiệt” thì rất khó để phát triển ở thị trường nội địa, kể cả các doanh nghiệp lớn, tiềm lực mạnh.
Ông Lâm Viên cho biết Vinamit xuất khẩu trái cây sấy, bột chuối đi khắp nơi trên thế giới từ 30 năm nay và được khách hàng đánh giá cao. Nhưng khi mang hàng bán trong nước, ông muốn người dân mình tiếp cận hàng đúng chất lượng lại rất khó.
“Cách đây nhiều năm, tôi nói về công nghệ sấy thăng hoa chân không tôi đang làm, nhưng người ta cứ nói đó là chiên. Đồ chiên thì làm sao tốt cho sức khỏe chứ. Tôi giải thích không được. Rồi tôi trồng chuối, để bán tươi trong nước thì phải thu hoạch, bảo quản đúng nhiệt độ, rồi bán dần theo số lượng hàng chín, rất vất vả. Trong khi đối tác ở Singapore họ thúc giục: Anh bán hết cho tôi thu tiền một lần. Nếu không chịu thiệt thì doanh nghiệp không kiên nhẫn để mang hàng ngon bán cho người dùng trong nước”, ông Lâm Viên chia sẻ.
Chính vì vậy mà trong cơ cấu doanh thu của mình, Vinamit có đến 80% thu từ xuất khẩu, chỉ có 20% bán hàng nội địa. Doanh nghiệp này cũng thừa nhận vì bán ở thị trường nước ngoài tốt quá nên bỏ lơ thị trường trong nước.
Tại hội thảo Thời kỳ phát triển mới của ngành cà phê Việt Nam, diễn ra ở Đà Lạt (Lâm Đồng) ngày tháng 12/2017, một số liệu đã được đưa ra Việt Nam với diện tích khoảng 650.000 ha, sản lượng quanh mức 1,7 triệu tấn (chỉ đứng sau Brazil).
Nghịch lý lớn nhất là giá trị và thương hiệu của ngành cà phê Việt Nam rất thấp. Cà phê Việt phụ thuộc vào giá cả của thế giới nên ngành sản xuất bấp bênh. Chỉ 10% sản lượng cà phê dùng để chế biến sâu tại thị trường trong nước, 90% còn lại là xuất khẩu thô nên không xây dựng được thương hiệu. Điều này giống như người trồng cà phê Việt Nam chỉ làm công ăn lương cho thị trường cà phê nước ngoài.
|
Giang Trà
ZING.VN
|