Thứ Năm, 20/09/2018 09:28

Mùa thấp điểm, vé máy bay vẫn đắt

Dù giữa mùa thấp điểm nhưng giá vé máy bay vẫn đắt đều. Cao điểm đắt, thấp điểm cũng đắt, hành khách càng ngày càng khó mua được vé giá rẻ.

Khách hàng mua vé máy bay tại đại lý vé của Hãng hàng không Vietjet Air, Q.1, TP.HCM - ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Giá cao ngang vé tết

Anh T.K.N (Q.4) vừa đặt mua vé máy bay của Hãng hàng không Vietjet cho 3 người đi từ TP.HCM ra Hà Nội ngày 20.9 tỏ ra bất ngờ khi giá vé khá cao. Tổng cộng 3 vé khứ hồi hết 13.590 triệu đồng, tương ứng mỗi người hơn 4,5 triệu đồng. Trong khi thời điểm này đã qua mùa cao điểm hè lẫn lễ 2.9.

Thử lên trang web của các hãng tìm vé máy bay từ Hà Nội đi Đà Lạt vào giữa tháng 11, cũng không phải thời gian cao điểm, nhưng giá vé cũng ở mức khá cao: Vietnam Airlines báo giá 1,590 triệu đồng/chiều, trong khi Vietjet có mức giá lần lượt là 1,4 và 1,9 triệu đồng/chiều, Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cũng báo tới 1,2 triệu đồng. Chiều từ Đà Lạt về Hà Nội còn đắt hơn, hơn 2,3 triệu đồng.

Cao điểm khan vé, thấp điểm giảm chuyến, người dân quanh năm khó mua vé giá rẻ - Ảnh: Ngọc Dương

Khảo sát các chặng Hà Nội - TP.HCM - Đà Nẵng giai đoạn tháng 10, 11, 12 giá cũng khá cao, thậm chí lên ngang bằng giá vé tết. Đơn cử, vé từ TP.HCM đi Hà Nội của Vietnam Airlines ngày 5.10 bay giờ trưa là 3,585 triệu đồng, gần chạm trần, bằng giá những ngày cận Tết âm lịch 2017. Vé của Jetstar dao động từ 1,330 - 2,479 triệu đồng. Nếu chọn đi Vietjet, bay đêm, chuyến muộn nhất giá cũng lên tới 2,771 triệu đồng. Đáng chú ý, toàn bộ 14 chuyến bay cùng ngày đều đã báo hết vé.

Giảm tải mang máy bay đi sửa chữa, đào tạo tiếp viên...

Bán giá rẻ là do các DN tự nguyện, là thủ thuật nằm trong chiến lược kinh doanh của họ. Người tiêu dùng không thể trông chờ có DN nào cứ mãi bán giá rẻ được. Nhà nước cũng không thể quản vì DN không sai.

TS kinh tế Nguyễn Minh Phong

Đại diện Vietnam Airlines cho biết 3 đường bay TP.HCM - Hà Nội - Đà Nẵng không bao giờ có mùa thấp điểm vì nhu cầu đi lại giữa các chặng bay này luôn cao. Nguyên nhân khiến số lượng chuyến bay giảm, đặc biệt tại các đường bay du lịch địa phương là vào mùa thấp điểm các hãng hàng không sẽ giảm tải để đưa máy bay đi bảo hành sửa chữa, đào tạo tiếp viên, phi hành đoàn… chuẩn bị phục vụ mùa cao điểm Tết dương lịch và Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên hãng này khẳng định vẫn luôn bám sát nhu cầu của thị trường để bố trí số lượng chuyến bay cho phù hợp và khẳng định hãng luôn định vị là hãng hàng không phổ thông, không phải hàng không giá rẻ và số tiền khách bỏ ra tương xứng với dịch vụ nhận được.

Trong khi đó, đại diện Jetstar Pacific thừa nhận dù định vị là hãng hàng không giá rẻ nhưng Jetstar vẫn có nhiều dải giá vé khác nhau, không phải mua lúc nào cũng rẻ mà phải phụ thuộc vào thời gian, chuyến bay, chặng bay và tình trạng chỗ. Cụ thể, vé mua càng gần ngày bay giá càng cao. Chuyến bay nào nhu cầu khách lớn, nhiều người mua thì dải giá rẻ sẽ hết sớm, chỉ còn lại giá cao.

“Đơn cử như chặng TP.Hà Nội - Đà Lạt, nhu cầu đi lại ít nên số chuyến bay cũng tiết giảm. Một chuyến trung bình chở 180 khách thì 100 khách đầu tiên sẽ mua được vé giá rẻ hơn, những khách mua sau giá sẽ tăng dần. Các hãng cũng tính toán từ xa, mở bán vé rất sớm nên muốn mua được vé giá rẻ, phải mua trước vài tháng, có khi cả năm hoặc canh thời điểm khuyến mãi”, vị này nhấn mạnh vé giá rẻ bản chất là dành cho những người chủ động được kế hoạch.

Theo đại diện Hãng hàng không Vietjet, giá vé máy bay của hãng áp dụng không thay đổi theo mùa mà ổn định hằng năm hoặc hơn, cho nên không có việc khung giá vé mùa cao điểm sẽ cao hơn mùa thấp điểm. Điểm khác cơ bản là các chương trình khuyến mãi mùa thấp điểm sẽ hấp dẫn hơn để khuyến khích khách hàng đi lại. Tương tự như Jetstar, giá vé của Vietjet còn phụ thuộc vào thời điểm khách hàng mua vé, càng sớm thì càng thấp.

Không thể yêu cầu DN điều chỉnh vé theo mùa

Về hiện tượng giá vé cao quanh năm, không có điều chỉnh tăng/giảm theo mùa cao/thấp điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá nên đặt vào tư duy thị trường, đây hoàn toàn là câu chuyện về một ngành nghề kinh doanh như bao ngành nghề khác. Việc các hãng hàng không tung vé giá 0 đồng, tung chương trình khuyến mãi giá rẻ hay điều chỉnh giá vé theo mùa cao/thấp điểm nằm trong chiến lược kinh doanh của DN, phục vụ mục tiêu đạt doanh thu, lợi nhuận của từng hãng. Mục tiêu lớn nhất của tất cả các DN cuối cùng vẫn là lợi nhuận, không phải đi phục vụ cho từng đối tượng khách hàng theo đúng nhu cầu, mong muốn của họ. Vì thế không thể yêu cầu DN phải giảm hay điều chỉnh giá vé theo mùa.

Đồng quan điểm, TS kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích khi bắt đầu gia nhập thị trường, các hãng hàng không thường sử dụng chiến thuật “tung” nhiều khuyến mãi, giá rẻ để thu hút người tiêu dùng. Khi cảm thấy đã có được lượng khách ổn định, doanh thu tốt, DN sẽ tiết giảm bớt để hướng tới lợi nhuận. Nếu sắp tới có thêm hãng hàng không khác nhảy vào thị trường, cũng hút khách bằng chiêu giảm giá thì các hãng sẽ lại tự động hạ giá vé để cạnh tranh, còn không thì không tội gì họ phải giảm giá. Đây là quy luật vận động tự nhiên của thị trường. “Bán giá rẻ là do các DN tự nguyện, là thủ thuật nằm trong chiến lược kinh doanh của họ. Người tiêu dùng không thể trông chờ có DN nào cứ mãi bán giá rẻ được. Nhà nước cũng không thể quản vì DN không sai. Tất nhiên giá cao thì người tiêu dùng sẽ khó chịu nhưng họ cũng chính là người quyết định. Nếu người tiêu dùng không đi nữa, các hãng sẽ lại phải đua nhau giảm giá để kích cầu. Cuối cùng vẫn là thị trường quyết định”, ông Phong nói.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh lại có góc nhìn khác. Theo ông, hàng không nói riêng và giao thông vận tải hành khách nói chung thực chất giá cả không mang tính thị trường. DN bảo sao thì người tiêu dùng phải nghe vậy, đưa lý do gì thì phải chịu lý do đó. Đối với ngành hàng không lại càng ít sự lựa chọn.

Chỉ kiểm tra xác suất đối với vé mua bằng thẻ tín dụng

Thời gian qua, Thanh Niên nhận được phản ánh của một số khách hàng về tình trạng mua vé máy bay của Vietnam Airlines trả bằng thẻ tín dụng khi ra tới sân bay lại bị nhân viên hãng đòi kiểm tra thẻ dùng để mua vé. Đại diện Vietnam Airlines lý giải thủ tục xác thực thẻ tín dụng thực chất đã được hãng triển khai thực hiện ngay từ khi đưa vào hình thức thanh toán này. Nguyên nhân do thực tế xuất hiện rất nhiều trường hợp chủ thẻ bị lộ thông tin, mất thẻ và bị đối tượng xấu tự động thực hiện nhiều giao dịch trực tuyến. Việc xác thực nhằm hạn chế rủi ro, đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Vị này cũng thông tin trước đây việc xác thực được thực hiện đối với 100% trường hợp thanh toán bằng thẻ tín dụng. Tuy nhiên hãng đã hạn chế, chỉ kiểm tra xác suất và sẽ sớm bỏ thủ tục này.

Hà Mai

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Hàng loạt doanh nghiệp FDI dùng chiêu chuyển giá, trốn thuế (20/09/2018)

>   Doanh nghiệp Nhà nước chiếm nguồn vốn lớn, chủ yếu là vốn vay (19/09/2018)

>   Giải thể Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ (19/09/2018)

>   SCIC về siêu Ủy ban: Có tạo nên "nhà nước nhỏ trong một nhà nước lớn"? (19/09/2018)

>   Cơ hội lớn trong nền kinh tế số (20/09/2018)

>   Thủ tướng yêu cầu khẩn trương duyệt quy hoạch mở rộng Tân Sơn Nhất (19/09/2018)

>   Xây dựng các bến cảng tại Dung Quất ngang tầm trong khu vực (19/09/2018)

>   Cả nước có hơn nửa triệu doanh nghiệp làm ăn có lãi (19/09/2018)

>   8 tháng đầu năm, Việt Nam thặng dư thương mại kỷ lục 4.69 tỷ USD (19/09/2018)

>   Phải chặn chuyển giá (19/09/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật