Lĩnh vực tài chính vi mô của Campuchia đang thu hút các ngân hàng nước ngoài
Campuchia đang chứng kiến một làn sóng gia tăng đáng kể sự quan tâm từ phía nước ngoài vào các tổ chức tài chính vi mô (MFI) khi ngày càng có nhiều nhà cho vay này bán phần lớn vốn sở hữu của họ cho các ngân hàng nước ngoài, theo Phnom Penh Post.
Khi Samic Microfinance bán toàn bộ quyền nắm giữ của mình cho Ngân hàng NongHyup có trụ sở tại Hàn Quốc, CEO King Kap Kalyan của tổ chức này cho biết, sở dĩ Samic đưa ra quyết định này là do xu hướng cạnh tranh đang gia tăng trong ngành tài chính của Campuchia. Theo ông Kalyan, thị trường hiện nay đòi hỏi các nhà điều hành phải có nguồn vốn mạnh hơn để thúc đẩy sự phát triển. Ông nói: “Khả năng mở rộng thị trường của các cổ đông trước đây còn bị hạn chế nên chúng tôi cần chuyển sang các chủ sở hữu mới có năng lực tài chính mạnh bước vào thị trường và thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường hiện nay”.
Một tuần sau khi Samic thông báo giao dịch mua lại, AMK Microfinance cũng tiết lộ họ đã bán 80% phần sở hữu của mình cho Shanghai Commercial & Savings Bank (SCSB).
Ngoài ra, Prassac Microfinance, Hattha Kaksekar Ltd (HKL) và VisionFund (hiện đang hoạt động dưới tên WB Finance) tất cả cũng đều thông báo họ đã bán vốn sở hữu của họ cho các ngân hàng lớn tại châu Á.
Được biết, trong vòng hơn 2 năm qua, lĩnh vực tài chính vi mô của Campuchia đã chứng kiến sự xáo trộn đáng kể về các cổ đông.
Một chuyên gia trong ngành cho rằng, các vụ sáp nhập và mua lại trong lĩnh vực tài chính vi mô của Campuchia đã và đang gia tăng trong vòng hơn 2 năm qua chủ yếu là do tính cạnh tranh của thị trường và những yêu cầu khắc khe hơn từ phía Ngân hàng Trung ương Campuchia liên quan đến yêu cầu vốn tối thiểu cao hơn.
In Channy, Chủ tịch kiêm Giám đốc quản lý nhóm của Acleda Bank cho rằng, sự gia tăng về cạnh tranh trong nội bộ ngành đã thúc đẩy các cổ đông hiện hữu rời bỏ thị trường. Theo ông, ngành công nghiệp này cần có các nhà đầu tư có nguồn vốn mạnh hơn để đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Trung ương.
Ông nói: “Trước đây, các nhà đầu tư ngành tài chính vi mô không cần thực hiện những thay đổi lớn nên các cổ đông trước đây không có ý định bán phần vốn của họ. Thế nhưng, hiện nay họ đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn và những yêu cầu khắc khe hơn, nên những tổ chức này cần đến các cổ đông mới có nguồn vốn mạnh hơn”.
Ông Channy cũng cho rằng, sự góp mặt của những cổ đông mới trong 2 năm qua là một bước thay đổi khả quan, cho thấy lĩnh vực tài chính vi mô của Campuchia thu hút được các ngân hàng lớn trong khu vực.
Hồi tháng 3/2016, Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) đã thông báo họ quyết định nâng vốn yêu cầu tối thiểu đối với các tổ chức tài chính, và kết cục là nâng gấp 10 lần đối với các tổ chức tài chính vi mô.
Theo chỉ thị của NBC, các tổ chức tài chính vi mô nhận tiền gửi (MDI) phải có vốn tối thiểu là 30 triệu USD – nâng từ mức 2.5 triệu USD theo yêu cầu trước đó. Các MFI không được cấp phép nhận tiền gửi phải có vốn tối thiểu 1.5 triệu USD, cao gần 25 lần so mới mức yêu cầu trước đó là 62,500 USD.
Theo Chủ tịch Kea Borann của Hiệp hội Tài chính Vi mô Campuchia (CMA), xu hướng thu hút các cổ đông nước ngoài gần đây là hoàn toàn bình thường. Được biết, đa số các tổ chức cho vay tại Campuchia đều được thành lập từ nguồn vốn phi chính phủ và hoạt động như các tổ chức phi chính phủ (NGO) từ những năm 1990. Đến những năm 2000, khuynh hướng thương mại hóa đã diễn ra trong ngành này khi các tổ chức chuyển thành các doanh nghiệp tư nhân.
Ông nói: “Vào thời điểm này, theo tôi đây là một bước chuyển đổi mới khi có nhiều ngân hàng nước ngoài đang bước vào Campuchia và mua lại các MFI chính”. Ông nói, dù các MFI gặp khó khăn về mức trần lãi suất nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng về tiềm năng của lĩnh vực này.
Tuy nhiên, ông Sean Thornin, Giảng viên khoa kinh tế tại Trường Đại học Campuchia đồng thời cũng là một chuyên gia về lĩnh vực tài chính của Campuchia, gần đây cho rằng sự thay đổi về quyền sở hữu sẽ làm thay đổi mô hình kinh doanh của các MFI.
Ông nói: “Khi có nhiều MFI chuyển sự tập trung của họ từ các khoản cho vay nhỏ và vi mô sang các khoản cho vay trung bình thì những gia đình có thu nhập thấp sẽ bị “bỏ rơi” với ích ỏi sự lựa chọn về hỗ trợ tài chính. Khi đó, họ có thể bị kéo sang lĩnh vực không chính thức, đó là những nhà cho vay tư nhân hay những người cho vay bất chính và ở đó lãi suất sẽ cao hơn nhiều”.
Đỗ Thảo (Theo Phnom Penh Post)
FILI
|