Thứ Sáu, 28/09/2018 17:30

Kinh tế Việt Nam: “Không có dấu hiệu khủng hoảng chu kỳ 10 năm”

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng kinh tế năm 2019 không có dấu hiệu khủng hoảng chu kỳ 10 năm như một số ý kiến từng đặt ra...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu khai mạc toạ đàm.

Khá yên tâm với lạm phát, song chi tiêu ngân sách tiềm ần nhiều bất ổn, tín dụng vẫn đáng lo, động lực tăng trưởng chưa rõ... theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế.

Sáng 28/9, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức toạ đàm lấy ý kiến chuyên gia về tình hình kinh tế - xã hội.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết đây là hoạt động không chỉ phục vụ báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội tới mà còn đánh giá giữa kỳ từ 2016-2018, xem xét kết quả thực hiện nghị quyết về tái cơ cấu nền kinh tế.

Thực hiện thành công mục tiêu kép

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì toàn bộ 12/12 chỉ tiêu của năm 2018 được Quốc hội giao đều đạt và vượt. Tốc độ tăng GDP ước thực hiện 6,7%, CPI dưới 4%, xuất khẩu tăng 11,2%...

Kết quả trên đã khẳng định vai trò của 2018 là năm bản lề trong thực hiện phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016- 2020. "Đặc biệt, việc thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP có ý nghĩa quan trọng, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc, củng cố quốc phòng, ổn định trật tự, an toàn xã hội...", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Bên cạnh kết quả, báo cáo của Bộ cũng nêu không ít tổn tại, hạn chế của 2018. Như, mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào vốn thay vì đổi mới công nghệ. Xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và dựa mạnh vào nhóm hàng điện thoại, máy vi tính, điện tử...

Với kế hoạch phát triển kinh tế năm 2019, cơ quan xây dựng báo cáo nhận định, ít có khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm. Bởi, trong các cuộc khủng hoảng chu kỳ trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ khu vực tài chính, tiền tệ, bất động sản.

Hiện tình hình tài chính, tiền tệ của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát, thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt, mặt bằng lãi suất ổn định. Thị trường chứng khoán đã có bước điều chỉnh sau một thời gian tăng trưởng nóng, thị trường bất động sản đã hạ nhiệt, tín dụng cho bất động sản được kiểm soát hiệu quả...

Một đồng đầu tư là một đồng vay nợ

Phân tích các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo nghị quyết của Quốc hội, T.S Huỳnh Thế Du, Trường chính sách công và quản lý Fulbright bình luận, nhìn các chỉ tiêu so với kế hoạch thì có vẻ rất lạc quan, tuy nhiên còn không ít vấn đề cần lưu ý.

Về tăng trưởng GDP, ông Du nhìn nhận Việt Nam đang có sự tiến triển tốt nhưng so với bình quân khu vực thì không có gì vượt trội. Theo ước tính của IMF thì tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam khoảng 6,5%, tăng trưởng thực tế hiện đang cao hơn tiềm năng ở mức 0,4-0,5%.

Đáng lưu ý, sự trục trặc nằm ở chỗ tăng trưởng quý sau thấp hơn quý trước, ngược xu hướng các năm, ông Du nhận xét.

Cho dù du lịch được đặt mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng kết quả cho thấy đang ở mức rất vừa phải, tăng trưởng chủ yếu được hỗ trợ bởi dịch vụ và công nghiệp chế biến chế tạo, chuyên gia Huỳnh Thế Du nhìn nhận.

Khả năng giữ lạm phát dưới 4% từ nay đến 2020, theo vị chuyên gia này là trong tầm tay, không có áp lực căng thẳng lắm trừ khi Nhà nước tăng chi tiêu, tăng trưởng tín dụng nóng.

Lưu ý tiếp theo từ ông Du là tín dụng/GDP đã bắt đầu ở "vạch đỏ". Quan điểm của vị chuyên gia đến từ Fulbright là nên bỏ các biện pháp hành chính về trần tăng tín dụng và trần lãi suất.

Nhấn mạnh hai chữ căng thẳng cho ngân sách và các vấn đề liên quan, chuyên gia Huỳnh Thế Du phân tích, ngân sách gần đây chỉ đủ cho chi thường xuyên và trả nợ, nghĩa là môt đồng đầu tư là một đồng vay nợ. Và, nếu đầu tư kém sinh lời thì gánh nặng trả nợ sẽ tăng lên.

Thâm hụt tài khóa kéo dài và cực cao nếu theo chuẩn mực quốc tế. Chi ngân sách/GDP của Việt Nam chỉ thua mỗi Nhật trong khu vực, mà Nhật là một nền kinh tế rất phát triển, ông Du bình luận.

Cùng chung nhận xét tình hình kinh tế 2018 cơ bản là tốt, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng 2019 cũng không có dấu hiệu khủng hoảng chu kỳ 10 năm như một số ý kiến từng đặt ra.

Băn khoăn khá nhiều về chất lượng báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vị chuyên gia này cho rằng báo cáo chưa làm rõ động lực tăng trưởng. Mà vấn đề này cần làm rõ, "nếu không suốt ngày cứ bảo tăng trưởng dựa vào Samsung, FDI, Formosa...".

Ông Cấn Văn Lực cũng cho rằng môi trường kinh doanh có vấn đề, đặc biệt là chi phí không chính thức, minh chứng rõ là phát triển doanh nghiệp đang chậm lại và khu vực kinh tế tư nhân có hiệu suất thấp nhất trong ba khu vực, thấp hơn doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

"Những vấn đề ngân sách anh Du chỉ ra tôi hoàn toàn đồng tình. Chi thường xuyên vẫn lớn. Bình quân của ASEAN là 34%, của mình gần gấp đôi. Bộ máy của chúng ta cồng kềnh", ông Lực nhận xét.

NGUYÊN VŨ

VNECONOMY

 

Các tin tức khác

>   GDP 9 tháng tăng 6.98%, cao nhất trong 8 năm (28/09/2018)

>   Dịch vụ giáo dục đẩy CPI tháng 9 tăng 0.59% (28/09/2018)

>   Chuẩn bị xây dựng đề án thống kê "kinh tế ngầm" (28/09/2018)

>   Lãnh đạo Việt Nam và nhiều nước viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang (26/09/2018)

>   ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam (26/09/2018)

>   Lại kiến nghị “thả nổi” giá xăng dầu theo thị trường (26/09/2018)

>   Hơn 25 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong 9 tháng (26/09/2018)

>   TP.HCM cần dùng thẻ thông minh thay vé xe buýt (25/09/2018)

>   Trung tâm nghiên cứu BIDV: 2018-2019, Việt Nam khó gặp khủng hoảng kinh tế (25/09/2018)

>   Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ luôn chủ động đến với người lao động (24/09/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật