Thứ Tư, 26/09/2018 11:20

Hòa Phát muốn mua Gang thép Thái Nguyên, vậy Thái Hưng tính sao?

Theo thông tin gần đây, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) đã có ý định mua dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Tuy nhiên, cuộc “chiếm đánh” này liệu có êm đẹp hay không khi “đế chế” Thái Hưng hẳn là cũng đang có toan tính riêng khi đưa người vào HĐQT CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco, UPCoM: TIS).

Thái Hưng chi phối VIS chỉ là “nước cờ” mua bán kiếm lời?

CTCP Thương mại Thái Hưng bắt đầu gom CTCP Thép Việt Ý (HOSE: VIS) vào thời điểm cuối năm 2016 đầu 2017 và đến tháng 5/2018 thì nâng sở hữu lên 65% sau quá trình vừa chào mua công khai vừa gom nhỏ lẻ. Lúc này, thị trường đồn đoán Thái Hưng đang ngày càng bành trướng hoạt động kinh doanh khi song song mua gom cả VIS và TIS cùng lúc.

Tuy nhiên, mọi sự bắt đầu sáng tỏ khi Thái Hưng vừa sở hữu chi phối VIS thì cơ chế "cởi" room ngoại cũng bất ngờ được VIS thông qua. Đây chính là bước dọn đường cho Kyoel Steel nhảy vào dù trước đó, vào cuối năm 2017, tổ chức này đã được Thái Hưng chuyển nhượng 20% vốn VIS.

Ngay sau khi được "thả cửa" room ngoại thì Kyoei Steel liên tục gom vào VIS và đến tháng 8/2018, tổ chức này đã tăng sở hữu lên tới 71.77% vốn VIS đồng thời đưa người vào quản trị ở những vị trí cốt cán như Chủ tịch HĐQT Toshimasa Zako, Tổng Giám đốc Yoichi Hoshino, Phó Tổng Satoshi Oda, Satoshi Sugino, Hidekazu Fukunishi…

Ngược lại, Thái Hưng đến thời điểm này đã giảm sở hữu xuống chỉ còn nắm 20% vốn với 1 thành viên HĐQT tại VIS.

Biến động cổ phiếu VIS từ năm 2014 đến nay

Quan sát biến động cổ phiếu VIS, có thể thấy qua thương vụ này, Thái Hưng đã thu lời không ít khi giai đoạn mua vào chỉ dưới 20,000 đồng/cp, trong khi giai đoạn bán ra có lúc biến động lên 35,000 đồng/cp.

Tuy nhiên, cũng đáng lưu ý, hoạt động kinh doanh của VIS không ổn định khi lãi lỗ thất thường và hiện đang có dấu hiệu đi xuống khi lần đầu tiên từ năm 2006 tới nay, quý 2/2018 là quý lỗ nặng nhất của VIS với gần 68 tỷ đồng, trong khi quý trước đó vẫn có lãi gần 2 tỷ đồng.

Bức tranh kinh doanh của VIS đang ngày càng đi xuống (Đvt: tỷ đồng)

Giữa Hòa Phát và Thái Hưng, TIS sẽ như thế nào?

Vốn điều lệ của TIS từng tăng đến 2,840 tỷ đồng nhưng năm 2017, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã rút toàn bộ vốn đầu tư 1,000 tỷ đồng khỏi dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nên vốn của TIS giảm xuống còn 1,840 tỷ đồng.

Sau khi SCIC rút lui, tại thời điểm 30/06/2018, cơ cấu cổ đông lớn của TIS còn Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel, UPCoM: TVN) - nắm 65% vốn, Thái Hưng sở hữu 20% vốn. Mặc dù chỉ nắm 20% vốn nhưng Chủ tịch của Thái Hưng – ông Nguyễn Văn Tuấn, cũng chính là nhân tố nắm vị trí chủ chốt trong HĐQT của TIS, đồng thời còn đưa thêm được một người vào HĐQT là ông Bùi Quang Hưng (Kế toán của Thái Hưng).

Tình hình sản xuất kinh doanh của TIS cũng có những biến động khá thất thường khi năm 2013 - 2014 lỗ nặng, rồi sang năm 2015 - 2016 có phục hồi nhưng 2017 lợi nhuận lại giảm mạnh khiến không ít nhà đầu tư đặt dấu hỏi. Chưa hết, với tổng tài sản khá “khủng” 10,802 tỷ đồng của TIS thì vay nợ tài chính ngắn và dài hạn chiếm khá lớn với lần lượt là 2,676 tỷ đồng và 3,283 tỷ đồng.

Bức tranh kinh doanh của TIS cũng biến động thất thường (Đvt: tỷ đồng)

Hiện TIS đang triển khai dự án Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2 với tổng chi phí đầu tư toàn dự án điều chỉnh đã được phê duyệt là 8,105 tỷ đồng.

Dự án này triển khai từ năm 2007 nhưng đến nay, các hạng mục chính vẫn chưa hoàn thành. Đến thời điểm 20/06/2018, tổng giá trị đầu tư của dự án đã thực hiện là 4,964 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hóa là 1,755 tỷ đồng. Dự án này cũng nằm trong đề án xử lý các tồn tại yếu kém của các dự án thuộc ngành Công Thương đã được Chính phủ phê duyệt.

Hiện nay, TIS đang tiến hành xây dựng chi tiết phương án phát hành thêm tối đa 2,000 tỷ đồng để tăng vốn nhằm tiếp tục thực hiện dự án này. VNSteel cũng đang xây dựng phương án thoái vốn tại TIS để trình Bộ Công Thương.

Trong khi đó, Thanh tra Chính phủ vừa nhận được yêu cầu xác minh đơn thư phản ánh dấu hiệu trục lợi trong quá trình thoái vốn tại TIS, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Theo phản ánh này, TIS đang có rất nhiều lợi thế như thương hiệu/sản phẩm tốt, thị phần rộng, nguồn nguyên liệu lớn, tài nguyên đất nhiều và nhân lực có trình độ cao… Nhưng tại sao TIS vẫn chìm trong nợ nần và thua lỗ? Thông tin phản ánh cho rằng, không loại trừ khả năng việc hoạt động kém hiệu quả là do lỗi chủ quan, lỗi của nhóm người đang có ý đồ thâu tóm mua TIS với giá rẻ mạt nên cố tình làm cho doanh nghiệp làm ăn bê bết, kém hiệu quả và thua lỗ.

Trong bối cảnh đó, Hòa Phát cho biết đã có ý định mua dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 của TIS. Vậy, liệu Thái Hưng sẽ có động thái gì tiếp theo tại TIS khi có lợi thế là người cầm trịch tại đây? Thái Hưng có áp dụng "chiêu bài" tại VIS cho TIS hay không?

Chưa biết mức giá mà ‘đại gia’ Hòa Phát nhắm tới để mua được TIS như thế nào nhưng trên thị trường, cổ phiếu TIS còn thấp hơn cả VIS, chỉ quanh quẩn dưới 15,000 đồng/cp.

Biến động cổ phiếu TIS từ năm 2014 đến nay

Có thể "đồng sàng" hay không?

Được biết, Thái Hưng có tuổi đời 25 năm, với sản phẩm thép, phôi thép của Công ty không chỉ tạo dựng được chỗ đứng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mà còn vươn ra nhiều địa phương trong cả nước và thị trường thế giới. Đến nay, Thái Hưng có 12 công ty con và chi nhánh, 2 công ty tham gia góp vốn cổ phần.

Tổng tài sản toàn hệ thống của Thái Hưng đạt khoảng 9,000 tỷ đồng; doanh thu bình quân hàng năm đạt từ 18,000 - 20,000 tỷ đồng… Đặc biệt, trong năm 2018, Thái Hưng tham gia thêm trong ngắn hạn lĩnh vực bất động sản với dự án khu đô thị tại phường Gia Sàng (TP Thái Nguyên) với tổng vốn đầu tư 2,100 tỷ đồng. Thái Hưng đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành top 3 doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam với doanh thu hàng năm đạt trên 30,000 tỷ đồng.

Nếu so về "độ lớn" thì HPG là gã khổng lồ bên cạnh Thái Hưng bé nhỏ, với tổng tài sản tới 62,077 tỷ đồng tại thời điểm 30/06/2018, và đặc biệt, HPG đang có hơn 13,397 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tuy nhiên, tình hình vay nợ của HPG cũng không phải là con số nhỏ khi chiếm tới 11,328 tỷ đồng ngắn hạn và 1,651 tỷ đồng cho dài hạn.

Đáng nói thêm, HPG đang đổ dồn rất nhiều tiền vào dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, là dự án chiến lược quy mô lớn nhất từ trước tới nay của HPG với tổng mức đầu tư 52,000 tỷ đồng. Tính đến tháng 8/2018, HPG đã chi khoảng gần 20,000 tỷ cho vào dự án này. Giai đoạn 1 được triển khai từ tháng 2/2017, công suất 2 triệu tấn/năm thép dài bao gồm 1 triệu tấn thép dài xây dựng và 1 triệu tấn thép dài chất lượng cao. Trong giai đoạn 2, dự án sản xuất 2 triệu tấn một năm thép dẹt cán nóng phục vụ cơ khí chế tạo. Dự kiến toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành đi vào sản xuất cuối năm 2019. Tuy nhiên dự án này cũng dính không ít tai tiếng.

Như vậy, cuộc chơi của Hòa Phát và Thái Hưng tại TIS dường như sẽ ngày càng gay cấn hơn khi doanh nghiệp này phát hành tăng vốn cũng như kế hoạch thoái vốn của VNSteel được tiến hành.

* Đế chế của Thái Hưng khi thâu tóm Gang Thép Thái Nguyên và Thép Việt Ý

Minh An

Fili

Các tin tức khác

>   Vietcombank được chấp thuận tăng vốn điều lệ (21/09/2018)

>   Xử lý công ty chứng khoán yếu, khuyến khích sáp nhập (21/09/2018)

>   VNF chào bán gần 2.8 triệu cp, giá 20,000 đồng/cp (21/09/2018)

>   Ngân hàng tăng tốc thoái vốn? (21/09/2018)

>   VNF: Thông báo phát hành cổ phiếu ra công chúng (19/09/2018)

>   VNP hoàn thành việc bán hơn 4.3 triệu cổ phần tại Nhựa Youl Chon Vina (20/09/2018)

>   Sau tin chào mua công khai, SAV bật trần, TCM nhuốm trong sắc đỏ (20/09/2018)

>   SK Group chi 470 triệu USD gom gần 110 triệu cổ phiếu quỹ của Masan (19/09/2018)

>   HCM sẽ chào bán hơn 86.3 triệu cp với giá bằng 1/5 thị giá (19/09/2018)

>   Sợi Thế Kỷ chi thêm gần 60 tỷ vào dự án Trảng Bàng 5 (18/09/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật