Hé lộ những tham vọng của Tập đoàn Tín Thành khi đầu tư vào Lọc hóa dầu Bình Sơn
Tổ hợp Liên doanh Wagan, GHN Group và Masters Depot cùng với Tập đoàn Tín Thành muốn hợp tác mở rộng NMLD Dung Quất.
Tín Thành muốn đầu tư thêm vào BSR như công tác cổ phần hóa, nguồn cung cấp dầu thô
Ngày 28/08/2018, Tổ hợp Liên doanh Wagan, GHN Group và Masters Depot cùng với Tập đoàn Tín Thành đã đến thăm và làm việc tại Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trong quá trình nâng cấp mở rộng nhà máy giai đoạn 2.
Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) Trần Ngọc Nguyên đã báo cáo khái quát quá trình hình thành và phát triển của NMLD Dung Quất cũng như về tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Kế hoạch nâng cấp mở rộng (NCMR) NMLD Dung Quất (hoàn thành vào năm 2021) sẽ nâng công suất của Nhà máy lên trên 30%, đạt mức 8.5 triệu tấn/năm, nâng chất lượng sản phẩm đạt mức tiêu chuẩn EURO IV, V. Mặt khác, BSR sẽ nâng cao trình độ nhân sự, đào tạo đội ngũ chuyên gia riêng, mở rộng dịch vụ tư vấn, trực tiếp tham gia cho các dự án khác.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tín Thành - ông Trần Đình Quyền - đại diện cho đoàn làm việc tại BSR phát biểu: “Chúng tôi đánh giá cao những thành tích mà BSR đã đạt được. Vì vậy, chúng tôi đã đến đây để tìm hiểu về tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh và kế hoạch nâng cấp mở rộng Nhà máy. Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều cơ hội đầu tư hơn nữa với BSR như công tác cổ phần hóa, nguồn cung cấp dầu thô…”.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo BSR cùng Tổ hợp Liên doanh Wagan, GHN Group và Masters Depot cùng với Tập đoàn Tín Thành đã trao đổi, thảo luận các ý kiến về nguồn nhập – xuất dầu thô sau khi NCMR Nhà máy, công suất vận hành để đảm bảo an toàn thiết bị, công nghệ cải tiến, tiềm năng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới…
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tín Thành Trần Đình Quyền phát biểu tại buổi làm việc với BSR.
|
Trước đó, Tập đoàn Tín Thành cho biết sẽ xem xét mua cổ phần của BSR đến 5% (khoảng 2,000 tỷ đồng) trong năm 2017. Trong vòng 12 tháng sau khi IPO, Tín Thành đề xuất BSR trình Thủ tướng Chính phủ phương án Tín Thành trở thành cổ đông chiến lược và được mua đến 55% cổ phần của BSR.
Ông Nguyễn Đức Kiên: Đề nghị BSR làm rõ các vấn đề như sản lượng, doanh thu, lợi nhuận khi Chính phủ áp cơ chế tài chính
Cùng ngày, đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên làm Trưởng đoàn đã có chuyến công tác tại BSR.
Theo Tổng Giám đốc Trần Ngọc Nguyên, từ đầu năm đến nay, sản lượng sản xuất 8 tháng ước đạt 4,717 triệu tấn; doanh thu ước đạt hơn 73,908 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước ước tính 7,470 tỷ đồng.
Công tác tối ưu hóa, nghiên cứu khoa học được đặc biệt chú trọng, góp phần tiết kiệm chi phí cho hoạt động sản xuất. 7 tháng đầu năm 2018, giá trị tiết kiệm của BSR là 563.78 tỷ đồng, vượt 16.8% so với mức được giao (482.64 tỷ đồng), trong đó đặc biệt phần giảm tiêu hao trong chế biến, tối ưu hóa năng lượng chiếm chủ đạo là 495 tỷ đồng. Đồng thời BSR đã nghiên cứu và vận hành tăng công suất của Nhà máy có thể vận hành lên 118%.
Sau khi nghe BSR báo cáo các kiến nghị về thuế, vốn, dự án NCMR NMLD Dung Quất, Nhà máy Ethanol Dung Quất và các vấn đề khác, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên đề nghị BSR làm rõ các vấn đề như sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước, lợi nhuận của BSR khi Chính phủ áp dụng các cơ chế tài chính và không áp dụng cho BSR. Làm rõ và nêu bật sự hỗ trợ của BSR cho Công ty Lọc dầu Nghi Sơn trong khâu đào tạo nguồn nhân lực và thị trường. BSR đang là doanh nghiệp Nhà nước đi trước, mở đường tiên phong trong những lĩnh vực lọc hóa dầu. Mặt bằng cơ chế, chính sách giữa doanh nghiệp Nhà nước và các khối doanh nghiệp khác, cái gì giống nhau, cái gì còn phân biệt đối xử để Quốc hội xem xét, điều chỉnh.
Đối với dự án NCMR NMLD Dung Quất, ông Nguyễn Đức Kiên tư vấn, nên đưa dự án này thành công trình trọng điểm quốc gia, đưa ra Quốc hội quyết thì mới mong đẩy nhanh các vấn đề về vốn. Về Trung tâm Lọc hóa dầu Quốc gia tại Dung Quất, Quốc hội sẽ làm việc cụ thể với PVN để lắng nghe PVN trình bày các ý tưởng, quy mô toàn thể Trung tâm.
Còn nhà máy Ethanol Dung Quất và các dự án khác chưa hiệu quả của PVN sẽ được Quốc hội đưa vào báo cáo kinh tế - xã hội 2018 - 2019 để Quốc hội xem xét. Quan điểm của Quốc hội là đối với các dự án chưa hiệu quả, cần khoanh lại quá khứ, đẩy nhanh để đưa dự án đi vào sản xuất, từng bước khắc phục khó khăn.
Thái Hương
Fili
|