Go – Jek 'châm ngòi' cuộc cách mạng ngành ngân hàng ở Indonesia
Wanan Suwandi mở tài khoản ngân hàng đầu tiên của mình cách đây 9 tháng khi ông trở thành tài xế cho Go – Jek, một hãng vận tải đường bộ của Indonesia.
Các tài xế Go - Jek tại Indonesia.
|
“Trước đó, tôi chưa bao giờ thấy mình cần phải có một tài khoản ngân hàng”, ông Suwandi - một lao động tại Tangerang, ngoại ô Jakarta - cho hay.
Go-Jek đã giúp Suwandi mở tài khoản, cho phép ông nhận tiền thanh toán điện tử trực tiếp từ những khách hàng sử dụng ví điện tử Go-Pay của công ty. “Một số tài xế vẫn muốn nhận tiền lương bằng tiền mặt, nhưng tôi lại nghĩ rằng họ quá lười biếng tiếp nhận những thứ mới. Go-Pay giúp cho các giao dịch trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn”, Suwandi nói.
Bên cạnh những tiện ích từ ngân hàng thông qua chiếc điện thoại thông minh, Suwandi nói rằng những tài xế của Go-Jek được xếp hạng tốt sẽ nhận được những ưu đãi khác. Một số ngân hàng đề xuất các cơ hội được thế chấp hoặc mở tài khoản tiết kiệm cho các tài xế. “Tôi là một người mới, nhưng tôi hy vọng mình sẽ sớm được hưởng những lợi ích nêu trên”, Suwandi chia sẻ.
Suwandi là một trong hàng triệu người Indonesia mở tài khoản ngân hàng trong thời gian gần đây nhờ tham gia vào các công ty thế hệ mới như Go-Jek. Việc sử dụng điện thoại thông minh và các ứng dụng thanh toán điện tử đang thâm nhập mạnh mẽ vào Indonesia, hoạt động mà ngành ngân hàng truyền thống nước này chưa chạm tới.
Đây là tin tốt cho người Indonesia và nền kinh tế của quốc gia này. Ngân hàng Thế giới xem các dịch vụ tài chính như là một “bước quan trọng” hướng tới giảm tỷ lệ đói nghèo và bất bình đẳng.
“Tài chính bao gồm cả việc cho phép mọi người tiết kiệm cho gia đình, vay để hỗ trợ doanh nghiệp hoặc xây dựng một nền tảng phòng ngừa những trường hợp khẩn cấp”, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim nói hồi tháng Tư.
Sự phát triển của thanh toán điện tử trong nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á cũng đại diện cho một cơ hội kinh doanh lớn. Thực tế chỉ ra rằng nhiều công ty công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm lớn trên thế giới đã đổ hàng tỷ USD vào các công ty thanh toán điện tử của Indonesia. Tiền đầu tư đến từ các công ty lớn của Mỹ như KKR, Warburg Pincus và Sequoia, cùng với các gã khổng lồ công nghệ như Google, Alibaba Group Holding và Tecent Holdings đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghiệp thanh toán điện tử và fintech của Indonesia.
Morgan Stanley – Công ty Tài chính hàng đầu phố Wall - đưa ra thống kê trong một báo cáo phát hành hồi tháng 5 răng, một nửa dân số Indonesia ở độ tuổi dưới 30 và việc cải tiến kết nối thực sự thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài.
“Các công ty công nghệ như Go-Pay, Grab và Doku đã đầu tư và phát triển lĩnh vực này một cách nhanh chóng trong 3 năm qua. Một trong số các công ty này đang theo đuổi công nghệ và chúng tôi tin rằng thành công chỉ còn là vấn đề thời gian với họ”, Morgan Stanley nhận định.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, Indonesia là quốc gia có dân số lớn thứ tư trên thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, có tới 95 triệu người trưởng thành ở Indonesia vẫn chưa có một tài khoản tại một tổ chức tài chính hoặc trên một ứng dụng thanh toán điện tử.
Kể từ năm 2011, tỷ lệ người Indonesia có tài khoản tăng lên nhanh chóng và đạt mức 49% dân số trong năm 2017. Mức tăng 29% của Indonesia từ năm 2011 đến năm 2017 cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Chương trình phúc lợi xã hội của Chính phủ dành cho hộ nghèo là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển này.
Trước đây, tiền trợ cấp được phát bằng tiền mặt tại các bưu điện. Tuy nhiên, từ năm 2015, Chính phủ chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Đây là một phần của chiến dịch “xã hội không dùng tiền mặt” được phát động bởi chính quyền của Tổng thống Joko Widodo nhằm tăng tỷ lệ tài chính của Indonesia lên 75% vào năm tới.
Hiện tại, hầu hết các ngân hàng Indonesia chủ yếu dựa vào các chi nhánh để tiếp cận khách hàng mới, điều này hạn chế việc triển khai ở các vùng kém phát triển và xa xôi của quần đảo rộng với 17.000 hòn đảo, nơi có ít hoặc không thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.
Ngân hàng lớn nhất Quốc gia Rakyat Indonesia thậm chí đã thành lập các chi nhánh ngân hàng di động trên các xe tải và tàu thuyền để đến được các khu vực khó tiếp cận.
Đây cũng chính là đối tượng các công ty mới như Go-Jek và Tcash khai thác. Hai công ty thanh toán điện tử hàng đầu Indonesia tận dụng lợi thế nhiều người Indonesia sở hữu điện thoại di động hơn là tài khoản ngân hàng.
Số lượng thuê bao di động đạt 385 triệu trong năm 2016 – vượt xa con số 260 triệu dân của Indonesia, một trong những nguyên nhân lý giải cho con số này là có rất nhiều người sở hữu cùng lúc nhiều số điện thoại. Số lượng người dùng điện thoại thông minh tại Indonesia đạt 67 triệu trong năm ngoái theo thống kê của eMarketer.
Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng và tỷ lệ ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn của Indonesia không có dấu hiệu giảm bớt chính là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Go-Jek – một trong bốn kỳ lân khởi nghiệp của Indonesia.
Go-Jek xây dựng và phát triển từ dịch vụ gọi xe máy đến giao hàng thực phẩm, bưu kiện, cung cấp người dọn dẹp, nhân viên massage. Ứng dụng này đã được tải xuống hơn 96 triệu lần và có hơn 1 triệu đối tác là những lái xe.
Vào tháng 4 năm 2016, Go-Jek đầu tư vào công nghệ tài chính với sự ra mắt của Go-Pay. Sự thuận tiện trong thanh toán tiền cho lái xe bằng ví điện tử đã thu hút một lượng người dùng vô cùng lớn: một nửa số giao dịch hàng tháng cảu Go-Jek được xử lý thông qua Go-Pay.
Trong khi đó, Tcash – công ty con của Tập đoàn Nhà nước Telekomunikasi Selular hay còn gọi là Telkomsel phủ sóng trên mạng lưới rộng lớn của công ty mẹ. Nhà khai thác di dộng lớn nhất Indonesia đã thu hút được 178 triệu thuê bao kể từ tháng 6.
Với 97% thuê bao di động của Indonesia là các gói trả trước, Telkomsel có mối quan hệ lâu đời với các ki ốt viễn thông nhỏ rải rác khắp cả nước đang bán gói truyền hình và thời gian phát sóng của mình. Tcash tuyển các ki ốt này làm đại lý cho mình – cung cấp cho mọi người một phương thức mới để thanh toán hóa đơn hàng tháng, trả góp xe máy và chuyển tiền, ngoài ra còn có một số dịch vụ khác.
“Trong mỗi làng ở Indonesia…dù là vùng núi hay nông thôn sẽ có ai đó hoặc một ki ốt nhỏ bán sim điện thoại”, Giám đốc điều hành Tcash ông Danu Wicaksana nói hồi tháng 7.
“Hầu hết mọi người cần mua thời gian phát sóng hai, ba tuần hoặc lâu hơn. Tcash sẽ tận dụng các ki ốt này.”
Các Ngân hàng lớn của đất nước là các tổ chức đầu tiên phát hành tiền điện tử, được khởi xướng bởi Ngân hàng châu Á và Ngân hàng Nhà nước Mandiri một thập kỳ trước. Ba nhà khai thác mạng di động là Telkomsel, Indosat và XL Axiata nhanh chóng theo sau và phát triển lĩnh vực này.
Kể từ thời điểm đó, ngành công nghiệp thanh toán điện tử của Indonesia bùng nổ. Ngân hàng Trung ương phát hành 31 giấy phép kinh doanh tiền điện tử, gần đây nhất vào ngày 8/8, những người mới vẫn đang cố gắng nắm một phần của thị trường đang phát triển mạnh mẽ này. Morgan Stanley cũng lưu ý rằng, chỉ có 2,1% giao dịch ở Indonesia trong năm 2017 sử dụng tiền điện tử vì tiền mặt hiện vẫn đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, thị phần thanh toán điện tử được dự báo sẽ tăng 24% vào năm 2027.
Tuy nhiên, với rất nhiều công ty mới gia nhập thị trường này, mọi người đều mong có một sự biến động mà theo đó, chỉ còn mội số ít doanh nghiệp sống xót. Việc hợp nhất, sáp nhập các công ty đang bắt đầu diễn ra, Go-Jek đã mua lại 3 công ty khởi nghiệp địa phương vào tháng 12.
Wicaksana dự đoán ngành công nghiệp thanh toán điện tử của Indonesia sẽ phát triển như tại Ấn Độ và Trung Quốc, nơi nhiều công ty nhày vào thị trường nhưng chí có hai hoặc ba người sống sót. (Berkshire Hathaway của Warren Buffet cho biết vào ngày 27/08 rằng họ đã đầu tư vào One97 Communications – công ty mẹ của Paytm đồng thời là doanh nghiệp thanh toán di động lớn nhất Ấn Độ).
“Với vị trí hiện tại, tài sản, sức mạnh mà chúng tôi đang có, chúng tôi tin rằng có cơ hội cho chúng tôi trở thành người sống sót trong thị trường này,” Wicaksana nói.
Một người có chuyên môn tại Ovo, một nền tảng thanh toán điện tử do tập đoàn Lippo của Indonesia khẳng định quan điểm của mình “Có quá nhiều người tham gia vào lĩnh vực này và Ovo đang nghĩ về việc mua lại họ.”
Mối đe dọa đối với các ngân hàng “lười biếng”
Sự tăng trưởng của ngành công nghiệp fintech dự kiến sẽ thúc đẩy nền kinh tế của Indonesia trong dài hạn và tốc độ chuyển đổi lên mức thu nhập trung bình cao. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm ảnh hưởng không hề nhỏ đến ngành ngân hàng của quốc gia.
Morgan Stanley cho biết “Chúng tôi nghĩ rằng về lâu về dài, các công ty sẽ mua lại một số cổ phần hiện tại của các ngân hàng hoặc các cổ phần mà ngân hàng có thể nắm giữ”.
Một báo cáo của PwC Indonesia trong tháng Bảy cho biết phần lớn chủ các nhà băng cảm thấy bị đe dọa bởi Go-Pay và Alipay cuả Alibaba.
Alibaba và đối tác địa phương là Elang Mahkota đã giới thiệu Dana – một chiếc ví di động chạy trên Blackberry Messenger vào hồi tháng 3. PwC cho biết thêm Telkomsel – dịch vụ đi xe ôm Singapore và trang web thương mại điện tử nổi tiếng của Indonesia Tokopedia đều có nền tảng thanh toán điện tử của riêng họ - đây được xem là một trong những đối thủ cạnh tranh của các Ngân hàng.
Trong số các ngân hàng lớn của Indonesia, BCA và Bank Negara Indonesia dường như đã bắt đầu phát triển các doanh nghiệp fintech. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của Công ty tài chính Morgan Stanley, các công ty khác bao gồm cả hai công ty cho vay hàng đầu Indonesia là BRI và Bank Mandiri sẽ “gặp phải thách thức” vì họ ít sáng tạo trong các sản phẩm kỹ thuật số và hợp tác fintech.
Người điều hành của một số ngân hàng lớn lại cho rằng họ không nghĩ rằng các công ty fintech là mối đe dọa và họ đang tìm cách hợp tác với những công ty này. “Miễn là họ phù hợp với chúng tôi thì chúng tôi sẽ mời họ cùng hợp tác”, Tico Usthavia Frans, Giám đốc Ngân hàng Mandiri cho biết thêm rằng họ đang hợp tác với Amartha khởi động fintech để thu hút cấc nhà sản xuất vi mô. “Cạnh tranh chắc chắn đang diễn ra, tuy nhiên sự hợp tác cũng cùng diễn ra tại thời điểm này”.
Iskandar Simorangkir, thư ký của Hội đồng Tài chính quốc gia cho biết chỉ những Ngân hàng “lười biếng” với lối tư duy cũ mới “cảm thấy bị đe dọa”.
“Tôi tin rằng tiến bộ công nghệ hỗ trợ cho sự phát triển bao gồm cả lĩnh vực tài chính. Các công ty Fintech sẽ không giết chết các ngân hàng”, Simorangkir nói với Nikkei. “Nếu các Ngân hàng muốn tồn tại, họ phải học cách thích ứng, một cách thông minh là hợp tác với các công ty fintech. Họ phải bổ sung cho nhau thay vì cạnh tranh.”
Một số ngân hàng đã được hưởng lợi từ việc phát triển quan hệ hợp tác với các công ty kỹ thuật số. Ngân hàng CIMB Niaga đã mua lại 940.000 khách hàng mới bằng cách mở các tài khoản mới cho tài xế của Go-Jek và Grab, những người mà trước đây chưa từng có tài khoản. Lani Darmawan, Giám đốc Ngân hàng tiêu dùng của CIMB Niaga cho biết, họ xử lý 2 triệu giao dịch mỗi tháng của các tài xế.
Đối với một số đối tác của chúng tôi – bao gồm lái xe và doanh nhân thì hợp tác với chúng tôi là bước khởi đầu cho việc chính thức bước vào lĩnh vực tài chính, “Giám đốc điều hành Go-Pay ông Aldi Haryopratomo nói trong một email gửi tới Nikkei. “Chúng tôi cũng đang có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với các tổ chức tài chính”.
Giám đốc điều hành của Tcash kể một câu chuyện tương tự như vậy. Ông cho biết ngân hàng tư nhân Tabungan Pensiunan Nasional đã mua lại 1 triệu khách hàng mới thông qua quan hệ đối tác với Tcash trong hai năm qua.
“Tôi đã nói với các đại lý của tôi là các ki ốt viễn thông rằng họ nên thu hút những người dùng mà họ quen biết, hàng xóm của họ”, ông nói, các ki ốt sẽ làm việc với các đại lý BTPN và nhận được hoa hồng cho mỗi tài khoản mở mới.
Lippo Group, tổ chức điều hành ngân hàng nhỏ Nobu Bank ban đầu đã dựa vào các doanh nghiệp bán lẻ của mình để quảng bá Ovo – nền tảng thanh toán điện tử được cho ra mắt đầu năm 2017. Tuy nhiên, đến tháng 6, khi Ovo được tích hợp vào ứng dụng Grab thì nó mới thực sự phát triển mạnh.
“Thời điểm bắt đầu, Lippo nỗ lực sử dụng ứng dụng Ovo trong hệ sinh thái của mình, tuy nhiên, sau đó, họ nhận ra rằng Ovo không thể thắng được đối thủ cạnh tranh bằng phương pháp này. Đó cũng là lý do tại sao Ovo hợp tác với một công ty vận tải và quan hệ với Grab thực sự là lợi thế lớn cho Ovo”, Giám đốc kinh doanh Ovo cho hay. Ông cũng tiết lộ rằng hiện có 13 triệu người dùng đã đăng ký sử dụng và có 250.000 giao dịch diễn ra mỗi ngày.
Dịch vụ chuyển phát hay đại lý tín dụng?
Achmad Darmawan từng là một người bán thức ăn đường phố trước khi gia nhập đội ngũ của Go-Jek với tư cách là một tài xế bốn năm trước đây. Ông chưa bao giờ tạo dựng được đủ lòng tin với Ngân hàng để có thể vay tiền, nhưng chỉ cách đây vài tháng, đơn xin vay thế chấp của ông đã được chấp thuận thông qua việc Go-Jek hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Bank Tabungan Negara. Darmawan hy vọng có thể mua được một căn nhà ở ngoại ô Jakarta.
“Bây giờ tôi chỉ cần hoàn thành một số thủ tục giấy tờ khác trước khi nhận được khoản vay”, Darmawan cho biết, việc thanh toán cho khoản vay thế chấp sẽ được tự động rút ra mỗi ngày từ tài khoản ngân hàng của ông.
Trong khi việc nâng dân số Indonesia sử dụng tài khoản ngân hàng là cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước thì tiếp cận tín dụng được xem là quan trọng hơn với xã hội.
“Mở tài khoản là một phương tiện hướng tới những dịch vụ tài chính thiết yếu hơn, cụ thể là tiếp cận các khoản vay”, Simorangkir nói. “ Đó là những mục tiêu tài chính nhằm hỗ trợ tất cả các tầng lớp của xã hội, kể cả những người nghèo có thể tiếp cận các khoản vay ngân hàng, giúp họ bắt đầu kinh doanh và thoát nghèo.”
Ngược lại, Go-Jek cũng giúp một đơn vị cho vay Nhà nước là BNI tìm người vay tiềm năng và cung cấp dữ liệu đáng tin cậy cho họ. Go-Jek khai thác dữ liệu giao dịch của 125.000 nhà hàng hợp tác với dịch vụ cung cấp thực phẩm của mình là Go-Food để xác định xem sản phâm nào đủ điều kiện cho các bộ vi xử lý được chính phủ trợ cấp gọi là KUR.
BNI không thể cung cấp đủ số lượng khoản vay vi mô để thực hiện đúng cam kết của mình vào năm ngoái, tuy nhiên, tình hình được cải thiện đáng kể khi hợp tác với Go-Jek.
“Từ dữ liệu được cung cấp bởi Go-Jek, chúng ta có thể tìm hiểu về các giao dịch diễn ra hàng ngày taị các nhà hàng và nhu cầu bán hàng của họ”, Simorangkir, Phó Bộ trưởng điều phối kinh tế có văn phòng giám sát giải ngân KUR cho hay. “Sau nửa đầu năm nay, BNI đã đề xuất tăng hơn 50% cho cam kết KUR của họ”.
Có tất cả 115 Ngân hàng thương mại ở Indonesia, và Wicakasna của Tcash cho biết họ đang tranh giành cùng một miếng bánh nhỏ - một số ít người được ngân hàng tin tưởng nhận được những khoản giải ngân cho vay.
“Thay vì chiến đấu với các ngân hàng khác để đưa ra mức lãi suất thấp nhất, tại sao họ không cùng đầu tư với chúng tôi để thâm nhập vào các thị trường khác?” ông chia sẻ.
Cho đến thời điểm này, khách hàng dường như là những người có lợi nhất từ việc các công ty cạnh tranh nhau bởi lẽ họ có nhiều lựa chọn trong việc thanh toán và tất cả các dịch vụ này đều được giảm giá rất mạnh.
“Đó là thực tế…và không cần tranh cãi quá nhiều về vấn đề này”, một khách hàng của Go-Pay chia sẻ. “Mặc dù không còn nhiều đợt giảm giá như trước đây nhưng sử dụng Go-Pay vẫn rẻ hơn là thanh toán bằng tiền mặt.”
Hoàng Lan (Theo Nikkei Asia)
VIETNAM FINANCE
|