Thứ Sáu, 28/09/2018 08:19

Fed tăng lãi suất và ngày cũ của tương lai

Những tác động đối với Việt Nam đã được báo trước, phần nào thấy trước, còn lại là ứng xử...

* Đúng như dự báo, Fed nâng lãi suất lần ba trong năm 2018

Lâu nay, tại Việt Nam thì ngược lại. Mỗi lần điều chỉnh lãi suất hoặc tỷ giá, hoặc quyết sách lớn, thị trường thường chỉ được biết sau khi đã có quyết định, sau đó mới đến lượt thị trường hấp thụ (có trường hợp phân vân) và phản ánh, mà trước đây vẫn có những cú sốc.

Vào thời điểm này cách đây bốn năm, thông tin Việt Nam định hướng tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) - ngân hàng do Trung Quốc khởi xướng thành lập - là một sự kiện kinh tế được chú ý.

Khi đó, có quan ngại bên lề, Việt Nam tham gia AIIB, nền kinh tế sẽ có thêm lệ thuộc nào đó vào Trung Quốc.

Nhưng, ở góc nhìn khác, là quốc gia có hoạt động vay vốn thường xuyên và lâu dài từ các định chế tài chính quốc tế, việc có thêm đầu mối, đa dạng thêm nguồn tiếp cận (có thêm AIIB) được xem là có lợi cho Việt Nam.

Có lợi, từ bốn năm trước đã được tính toán: Việt Nam dần dần vượt qua các cấp độ xóa đói giảm nghèo, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, các nguồn vốn ưu đãi sẽ dần ít đi. Việc có thêm đầu mối tiếp cận vay vốn, có thêm cơ hội tìm kiếm nguồn có chi phí thấp hơn.

Tương lai dự tính từ bốn năm trước đang dần trở thành ngày cũ hiện nay. Từ năm 2017, các bộ ngành chức năng đã chính thức đề cập, vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam sẽ dần chuyển qua thương mại hơn, và đây là năm bản lề.

Ngày 26/9/2018, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần thứ ba trong năm tăng lãi suất. Họ dự báo sẽ có thêm một lần tăng nữa vào cuối năm nay, và ba lần trong năm 2019.

Cũng như bắt đầu tư cuối 2015, đến nay, các lần tăng lãi suất của Fed đều được báo trước, dự báo trước về mức độ và thời điểm. Việc cụ thể hóa mỗi quyết định như ngày cũ của tương lai vậy, đã được biết trước và thậm chí giới chuyên gia cho rằng thị trường đều chủ động hấp thụ và phản ánh.

Ngày cũ của tương lai tại Việt Nam thì sao, từ lộ trình Fed tăng lãi suất?

Như trên, với nguồn vốn vay ưu đãi dần hạn chế đi và chuyển sang thương mại, ngân khố quốc gia có thể chịu ảnh hưởng với chi phí đi vay sẽ đội lên. 0,25 điểm cơ bản mỗi lần Fed tăng lãi suất có vẻ nhỏ, nhưng cộng dồn từ cuối 2015 rồi đến cả dự kiến ba lần tăng 2019 là đáng chú ý.

Mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia công bố báo cáo về tình hình tài khóa và ngân sách Việt Nam, trong đó phân tích cụ thể tác động tốn kém hơn từ lộ trình tăng lãi suất của Fed.

Báo cáo đó cũng lưu ý cả ở hoạt động vay vốn nước ngoài của các doanh nghiệp. Đặc biệt, dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả đã tăng đột biến trong năm 2017…

Với thị trường nói chung, giới đầu tư chủ yếu vẫn nhìn vào diễn biến tỷ giá USD/VND và biến động trên thị trường chứng khoán. Đây cũng là hai điểm mà ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc khối nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ của HSBC Việt Nam, nhấn mạnh trong nhận định về tác động từ lộ trình Fed tăng lãi suất.

Cụ thể, chuyên gia HSBC cho rằng, chính sách tiền tệ dần thắt chặt của Fed và đồng Nhân dân tệ yếu hơn sẽ tiếp tục là thách thức chính đối với VND trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, đồng VND mất giá quá nhanh sẽ mang lại nhiều bất lợi về tính ổn định cho nền kinh tế Việt Nam như hiệu ứng lan tỏa lên kỳ vọng lạm phát, vốn đã và đang tiến nhanh đến mức mục tiêu 4% của Chính phủ; giảm triển vọng tái đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; kìm hãm niềm tin nhà đầu tư và dòng vốn FDI; cản trở quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước khi biến động VND ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Những khía cạnh tác động đó đã được dự báo trước, lộ trình và mức độ Fed tăng lãi suất cũng đã được báo trước. Việc còn lại là ứng xử của chính sách vĩ mô của Việt Nam, để mềm hóa, giảm thiểu những tác động bất lợi trong khả năng có thể, qua đó chủ động tạo "ngày cũ của tương lai" do đề bài đã được biết trước.

Chỉ có điều, lâu nay, tại Việt Nam thì ngược lại. Mỗi lần điều chỉnh lãi suất hoặc tỷ giá, hoặc quyết sách lớn, thị trường thường chỉ được biết sau khi đã có quyết định, sau đó mới đến lượt thị trường hấp thụ (có trường hợp phân vân) và phản ánh, mà trước đây vẫn có những cú sốc. Và đây cũng là một kiểu ngày cũ chưa thấy có nhiều thay đổi cho tương lai.

Minh Đức

vneconomy

Các tin tức khác

>   HoREA kiến nghị giữ nguyên hạn mức tín dụng bất động sản ở mức 45% (27/09/2018)

>   Nhận ngay 500,000 đồng khi trở thành khách hàng của VIB (28/09/2018)

>   Đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng (27/09/2018)

>   Lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (27/09/2018)

>   Vay online lãi suất 700%/năm, ai quản lý? (27/09/2018)

>   Trả hồ sơ vụ thất thoát hơn 1.050 tỷ đồng tại Vietcombank Tây Đô (26/09/2018)

>   Cựu giám đốc Vietcombank Tây Đô cùng thuộc cấp gây thất thoát hơn 1.800 tỉ đồng (26/09/2018)

>   VIB ưu đãi nhân đôi lãi suất tiền gửi (26/09/2018)

>   Lê Nguyễn Hưng sử dụng 245 tỷ đồng chiếm đoạt ở Eximbank như thế nào? (25/09/2018)

>   TPBank miễn nhiều loại phí giao dịch ngân hàng điện tử cho doanh nghiệp (25/09/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật