Doanh nghiệp hủy niêm yết: Buồn nhiều hơn vui!
Trong 8 tháng đầu năm nay, có 10 doanh nghiệp hủy niêm yết. Mỗi doanh nghiệp hủy niêm yết là một câu chuyện riêng.
Bị buộc rời sàn vì vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đã có quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với gần 93.43 triệu cp đang lưu hành của CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (HOSE: KSA) kể từ ngày 02/08 và hơn 31.5 triệu cp đang lưu hành của CTCP Tư vấn Thiết kế & Phát triển Đô thị (HOSE: CDO) kể từ ngày 06/08. Theo HOSE, nguyên nhân do các công ty này đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin (CBTT) và xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
HOSE quyết định đưa cổ phiếu KSA vào diện tạm ngừng giao dịch từ ngày 17/05 do công ty tiếp tục vi phạm các quy định về CBTT trên thị trường chứng khoán và đã bị đưa vào diện bị kiểm soát đặc biệt để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Nhưng đến hết ngày 02/07, KSA vẫn chưa CBTT báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2017, báo cáo thường niên 2017, việc khắc phục nghĩa vụ nộp thuế, việc chốt danh sách cổ đông tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018. Ngoài ra, công ty cũng chưa đưa ra được tiến độ cụ thể để công bố các báo cáo trên.
Quý 2/2018, doanh thu hợp nhất của công ty chỉ đạt hơn 4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) âm gần 412 triệu đồng (cùng kỳ năm trước lãi hơn 2 tỷ đồng). KSA niêm yết trên HOSE từ năm 2010 với giá đóng cửa phiên đầu tiên là 60,000 đồng/cp, trước khi hủy niêm yết đóng cửa dưới mức 500 đồng/cp.
Trong khi đó, CDO bị đưa vào diện bị cảnh báo và cắt margin từ ngày 26/12/2017 do nhiều lần vi phạm quy định về CBTT. Sau đó 2 tháng, công ty này bị đưa vào diện bị kiểm soát đặc biệt do tiếp tục vi phạm các quy định về CBTT và bị tạm dừng giao dịch kể từ ngày 04/06. Từ ngày 28/05 đến nay, HOSE đã có 3 công văn nhắc nhở về việc CDO chậm CBTT về BCTC kiểm toán 2017 và báo cáo thường niên 2017. Ngoài ra, ngày 03/07, công ty này còn bị nhắc nhở vì vi phạm pháp luật về thuế.
Sau chỉ 3 năm lên sàn, cổ phiếu CDO đã chính thức chia tay thị trường với nhiều biến động bất thường về giá. Có lúc, thị giá CDO gần 38,000 đồng/cp nhưng trước ngày hủy niêm yết chỉ còn 900 đồng/cp. Theo BCTC tự lập quý 2/2018, CDO gần như không có bất cứ doanh thu nào, LNST lỗ gần 400 triệu đồng do phát sinh các chi phí trong việc quản lý, kiểm toán và chuẩn bị cho cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2018.
Đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ CBTT là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh mức độ minh bạch của một doanh nghiệp. Theo thống kê của Vietstock, trong kỳ khảo sát từ ngày 01/05/2017-30/04/2018, có 266 doanh nghiệp niêm yết (DNNY) tuân thủ đúng và đầy đủ về nghĩa vụ CBTT trên cả hai sàn chứng khoán (HOSE và HNX) trong tổng số 686 DNNY thuộc danh sách khảo sát, tương ứng với tỷ lệ 38.78%.
|
Giải thể, không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng
Từ ngày 28/06, 3.16 triệu cp của CTCP Khoáng sản Mangan (UPCoM: MMC) chính thức hủy niêm yết do Công ty giải thể, vì hết giấy phép khai thác, kết thúc thời hạn hoạt động. Trước đó, năm 2015 và 2016, Công ty lỗ ròng lần lượt gần 11 tỷ đồng và hơn 4 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ bất thường lần 2 năm 2017 diễn ra vào ngày 30/10/2017, các cổ đông đã thông qua phương án giải thể MMC và giao toàn quyền cho HĐQT thực hiện các thủ tục có liên quan.
Trong khi đó, CTCP Đầu tư Xây dựng Thanh Niên (UPCoM: TNY), CTCP Thủy điện Sông Chảy 5 (UPCoM: SCH) và CTCP Đầu tư Thương mại VNN (UPCoM: VNN) hủy niêm yết lần lượt từ ngày 08/01, 25/05 và 27/07 do không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng. Trước khi hủy niêm yết, VNN có 3 năm lỗ ròng liên tiếp với mức lỗ lần lượt gần 10 tỷ đồng năm 2015, 2.5 tỷ đồng năm 2016 và 400 triệu đồng năm 2017.
Hủy niêm yết để sáp nhập
Đầu năm nay, CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (HOSE: BCI) hủy niêm yết hơn 86.72 triệu cp trên sàn HOSE từ ngày 23/02 để thực hiện sáp nhập với CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH). Mỗi cổ phiếu BCI đổi được 1.4 cổ phiếu KDH. Chốt phiên giao dịch ngày 02/02, giá BCI ở mức 43,600 đồng/cp và giá KDH là 34,300 đồng/cp.
Gần 99.79 cp CTCP Hóa Chất Đức Giang - Lào Cai (HNX: DGL) cũng hủy niêm yết trên HNX từ ngày 05/09. Lý do là để sáp nhập vào CTCP Bột giặt và Hóa Chất Đức Giang (HNX: DGC), thông qua việc hoán đổi cổ phiếu DGL thành DGC với tỷ lệ hoán đổi 1:1 Sau khi hoàn tất quá trình sáp nhập, DGC sẽ thực hiện các thủ tục chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HOSE.
Ngày 29/06, CTCP Mai Linh miền Bắc (UPCoM: MLN) và CTCP Mai Linh miền Trung (HNX: MNC) chính thức hủy niêm yết để hợp nhất với Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Group). Các công ty này sẽ chuyển toàn bộ tài sản, quyền sở hữu và nghĩa vụ hợp pháp sang cho công ty hợp nhất (lấy tên là CTCP Tập đoàn Mai Linh) và chấm dứt sự tồn tại. Công ty hợp nhất sẽ phát hành cổ phần để hoán đổi toàn bộ cổ phần đang lưu hành của các công ty bị hợp nhất, mỗi cổ phần MLN, MNC lần lượt đổi được 1.2240 và 2.5444 cổ phần công ty hợp nhất. CTCP Tập đoàn Mai Linh sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống sang hiện đại.
Gia Nghi
FILI
|