Cuộc đua ngân hàng lên sàn trong năm 2018: Liệu rằng lỡ hẹn?
Chỉ còn 4 tháng nữa để các ngân hàng có thể thực hiện kế hoạch lên sàn chứng khoán ngay trong năm 2018.
Thật ra không phải chỉ mùa ĐHĐCĐ năm nay câu chuyện lên sàn mới trở nên nóng sốt, mà đã manh nha từ trước và đang bước vào giai đoạn nước rút. Hơn nữa trước áp lực từ Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 của Bộ Tài chính, đến hết năm 2016, các công ty đại chúng phải đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch tập trung. Kết quả kinh doanh khả quan, tín dụng tăng trưởng, các nhà đầu tư ngoại đổ bộ vào thị trường Việt Nam là một trong những nguyên nhân khiến các nhà băng chọn 2018 là năm chào sàn.
Là nhà băng đầu tiên “xông đất” HOSE, mở màn cho làn sóng niêm yết ngân hàng trong năm 2018 với vốn hóa tỷ USD ngay khi lên sàn, cổ phiếu HDB của HDBank cuối ngày giao dịch đầu tiên 05/01/2018 đã tăng kịch trần lên 39,600 đồng/cp. Ngay trong ngày chào sàn, HDB đã lọt Top 20 vốn hóa của sàn chứng khoán này.
Tiếp bước HDB, TPBank (TPB) trở thành ngân hàng có vốn hóa lớn thứ 9 trên thị trường chứng khoán khi đưa 555 triệu cổ phiếu TPB chào sàn HOSE vào ngày 19/04/2018. Với giá chào sàn là 32,000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường của TPBank đạt 17,760 tỷ đồng (gần 800 triệu USD).
Gần đây nhất là Techcombank đưa hơn 1.16 tỷ cổ phiếu TCB lên HOSE với giá tham chiếu là 128,000 đồng/cp, và giá trị thị trường của Techcombank là 6.5 tỷ USD.
Trả lời Bloomberg trong đợt phỏng vấn hồi tháng 4, ông Trần Hải Đăng - Trưởng phòng Nghiên cứu của VietinBank Securities JSC (Công ty Chứng khoán VietinBank) cũng cho biết: “Thị trường đang có nhiều thuận lợi, cổ phiếu ngân hàng đang tăng trưởng, đây là thời điểm rất tốt để niêm yết”.
Song, thời điểm thuận lợi đó có vẻ như không còn được duy trì cho đến bây giờ. Việc thị trường chứng khoán đang trong quá trình điều chỉnh và lùi về dưới mốc 1,000 điểm đã ảnh hưởng chung lên nhóm cổ phiếu ngân hàng. Do đó mà các nhà băng đã lên kế hoạch trong năm nay đang có nguy cơ lỡ hẹn.
Hiện còn khoảng 5 ngân hàng đang trong cuộc đua để đưa cổ phiếu lên sàn trong năm nay. Đầu tiên là OCB, trước đó vào năm 2017, OCB đã có kế hoạch niêm yết trên HOSE nhưng chưa triển khai được, vì vậy HĐQT tiếp tục trình cổ đông xem xét và thông qua tại ĐHĐCĐ 2018. Theo chia sẻ của ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức hồi cuối tháng 3, khả năng cao là OCB sẽ niêm yết trên HOSE trong năm 2018 và chậm nhất là khoảng thời gian cuối quý 3 - đầu quý 4 sẽ lên sàn.
Cổ đông ABBank thì cũng đã thông qua việc niêm yết lên HOSE ngay trong năm 2018.
Một số ngân hàng khác như Vietbank đã chốt danh sách cổ đông để dự kiến lên sàn UPCoM trong năm nay, đến năm 2020 sẽ niêm yết trên sàn HOSE.
NamABank cũng được cổ đông thông qua đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM sau 3 năm lỡ hẹn. Theo kế hoạch thì ngân hàng này dự kiến hoàn tất phương án tăng vốn điều lệ lên 5,000 tỷ đồng và tiến hành các thủ tục để lên sàn giao dịch UPCoM trong năm 2018. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thấy NamABank thông tin gì về phương án tăng vốn.
Hé lộ tại ĐHĐCĐ năm 2018, Tổng Giám đốc VietABank, ông Nguyễn Văn Hảo cho biết ban lãnh đạo đang xây dựng kế hoạch đưa VietABank lên niêm yết trên sàn chứng khoán “Nếu kịp thì sẽ thực hiện luôn trong năm nay”. SeABank có kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán giai đoạn 2018-2020.
Ngoài ra, VIB lại có phần đặc biệt hơn khi xin cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE trong năm 2018 hoặc 2019. Việc lựa chọn thời điểm niêm yết sẽ do HĐQT lựa chọn trên cơ sở ủy quyền của cổ đông. Cổ phiếu VIB đã giao dịch trên UPCoM vào ngày 09/01/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 17,000 đồng/cp và vốn hóa 9,595 tỷ đồng.
Còn nhiều ngân hàng khác có kế hoạch niêm yết và được ĐHĐCĐ chấp thuận cách đây vài năm nhưng đến nay vẫn đang bỏ ngỏ hoặc trì hoãn. Điển hình như DongABank đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE từ năm 2008. Tuy nhiên, DongABank đã phải hoãn kế hoạch niêm yết vô thời hạn sau những biến cố lớn về các vi phạm của dàn lãnh đạo khiến cổ phiếu sụt giảm.
Nhìn vào bức tranh niêm yết trên cho thấy, hệ thống ngân hàng vẫn chưa hoàn thành mục tiêu đặt ra từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Đến nay, không ít ngân hàng vẫn “im hơi lặng tiếng” với việc niêm yết trên sàn chứng khoán như: PVComBank, Saigonbank, BaoVietBank, VietCapitalBank.
Kế hoạch lên sàn của các ngân hàng
|
Hiện có 13 ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán, trong đó có 9 ngân hàng hàng niêm yết trên sàn HOSE gồm: VCB, BID, CTG, VPB, STB, EIB, MBB, TCB, TPB, HDB; 3 ngân hàng niêm yết trên sàn HNX là ACB, SHB, NVB. Còn lại 4 ngân hàng đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM gồm KLB, VIB, LPB, BAB.
Việc niêm yết trên sàn chứng khoán đòi hỏi các ngân hàng phải minh bạch về thông tin, công khai báo cáo tài chính. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong quản trị điều hành và chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Một số ngân hàng lo ngại, nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng và đường đi nước bước về lâu về dài, thì khi lên sàn sẽ không đánh giá được vị thế của mình, ngược lại giao dịch dưới mệnh giá niêm yết thì việc lên sàn hoàn toàn không có ý nghĩa.
Vốn hóa thị trường các ngân hàng chốt phiên 06/09
|
Tổng hợp một số chỉ tiêu tài chính của các ngân hàng
(*) Một số ngân hàng mới niêm yết, chỉ tiêu tài chính được tính từ thời điểm bắt đầu giao dịch
|
Hàn Đông
FILI
|