Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Việt Nam sẽ chủ động ứng phó
Mặc dù chưa bị "cuốn" vào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, nhưng là nước tham gia tích cực vào việc hình thành và phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam chắc chắn không tránh khỏi những tác động nhất định từ cuộc chiến này.
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất sợi cacbon ở tỉnh Giang Tô của Trung Quốc ngày 9/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Hơn nữa, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thêm thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và mức thuế này sẽ tăng lên tới 25% vào cuối năm 2018 như “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mặc dù quan ngại trước các diễn biến thương mại quốc tế, nhưng các chuyên cho rằng vẫn hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua được những khó khăn. Tuy nhiên, đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp phải chủ động để kịp thời nắm bắt các diễn biến mới và có những bước đi kịp thời.
Lo ngại sự leo thang
Có thể thấy, xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ-Trung Quốc đang ngày càng gia tăng và chưa biết khi nào mới dừng lại và chắc chắn sẽ dẫn đến những bất ổn tới thị trường quốc tế, qua đó tạo các cú “sốc” với các nền kinh tế.
Hệ quả bước đầu đã thể hiện rõ trên các thị trường chứng khoán lớn của châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hongkong (Trung Quốc)…, nhất là các sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc liên tục mất điểm nhiều ngày liền.
Riêng đối với những nước hội nhập sâu rộng và có độ mở như nền kinh tế lớn như Việt Nam, hệ lụy chắc chắc sẽ không chỉ là thị trường chứng khoán bị tác động. Mặt khác, Việt Nam còn có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với hai cường quốc này.
Thống kê cho thấy, với thị trường Trung Quốc trong năm 2017, thương mại song phương đã đạt 93,69 tỷ USD, hứa hẹn chạm mốc 100 tỷ USD trong năm nay.
Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch nhập khẩu từ nước này đã đạt 31,1 tỷ USD, tương đương gần 28% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Ngoài ra, Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 21,5 tỷ USD, tương đương gần 19% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do vậy, giới phân tích cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc cũng như giữa Mỹ với nhiều nước khác tiếp tục kéo dài và leo thang sẽ khiến các hoạt động đầu tư, sản xuất bị trì hoãn, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái. Nếu như vậy, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc diễn ra sẽ tác động đến thương mại quốc tế nói chung và xuất nhập khẩu của Việt Nam nói riêng. Không những thế, chính động thái này có thể sẽ gây ra biến động trên thế giới về tỷ giá, chứng khoán và từ đó sẽ tác động đến thương mại.
Hơn nữa, dù hàng hóa Trung Quốc kém cạnh tranh hơn, nhưng chưa phải là bị cấm nhập khẩu vào Mỹ nên có thể giảm lượng nhập khẩu. Mặt khác, những mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu (dệt may, da giầy), mức độ ảnh hưởng đối với hàng hóa tương tự của Trung Quốc chưa lớn nên Mỹ chưa vẫn phải tìm kiếm nguồn thay thế.
Không những thế, điều này có thể dẫn tới nguy cơ hàng hóa Trung Quốc tràn sang các nước khác để "mượn" xuất xứ sẽ gia tăng. Nhận thức rõ vấn đề này, Bộ Công Thương, đặc biệt là Cục Xuất Nhập khẩu sẽ tăng cường kiểm tra ngay từ khi cấp C/O và sau khi cấp, phân luồng để xác định các mặt hàng và doanh nghiệp có độ rủi ro cao, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận xuất xứ.
Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Tất Thắng thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công thương, Bộ Công Thương nhấn mạnh, do Việt Nam nằm ngay sát Trung Quốc, lại có mối quan hệ thương mại và đầu tư lớn với cả Trung Quốc và Mỹ nên mức độ ảnh hưởng là trực tiếp, nhanh chóng và rõ ràng hơn.
Vì vậy, hàng hóa của Trung Quốc bị hạn chế khi vào Mỹ do thuế đánh cao và sẽ phải tìm cách “tràn” sang các thị trường khác; trong đó, dễ dàng nhất là những nước có chung biên giới như Việt Nam bằng cả đường chính ngạch và tiểu ngạch, gây áp lực cạnh tranh lớn lên hàng hóa trong nước.
Ngoài ra, sản xuất của Trung Quốc bị đình trệ cũng ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu của nước này từ Việt Nam. Cùng với đó, không thể loại trừ khả năng một lượng doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bị phá sản khiến một bộ phận lao động mất việc làm và sang các vùng biên giới, đặt ra cho chúng ta những vấn đề cần lưu tâm về an ninh, xã hội.
Chủ động ứng phó
Để có thể đứng vững và phát triển trong hệ thống thương mại toàn cầu khi mà xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc không biết khi nào kết thúc và rất khó lường trước những biến động sẽ xảy ra. Do đó, việc làm trước mắt là phải nhanh chóng xây dựng chiến lược ứng phó với nhiều kịch bản khác nhau theo các cấp độ ảnh hưởng tới Việt Nam.
Hàng hóa được xếp tại cảng Dương Sơn, Trung Quốc ngày 25/7 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
|
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách cần giữ vai trò chủ động, theo sát mọi diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc.
Mặt khác phải cùng nhau phân tích, dự báo một cách chi tiết, cụ thể những tác động trực tiếp cũng như gián tiếp. Từ đó, đưa ra các giải pháp cho từng kịch bản như điều chỉnh lãi suất như thế nào, hạ giá đồng tiền và thuế nhập khẩu áp thế nào,…
Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí và tạo môi trường hoạt động thuận lợi, thông thoáng hơn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh để ứng phó các tình huống xấu có thể xảy ra cũng như chớp thời cơ nếu có.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, để có thể đứng vững và phát triển trong hệ thống thương mại toàn cầu khi mà xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về các quy định tại các Diễn đàn thương mại đa phương và các Hiệp định thương mại tự do để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, nhất là các ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng có thế mạnh hoặc tiềm năng xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các Hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh thông qua việc xây dựng, điều chỉnh kế hoạch giai đoạn trung và dài hạn. Từ đó thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng.
Hơn nữa, cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường. Đặc biệt, chủ động tìm hiểu thông tin, chuẩn bị tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế với tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh. Hơn nữa, phải có kế hoạch xây dựng năng lực, nhất là thương hiệu, uy tín và chất lượng để hoạt động vớii quy mô dài hạn.
Đáng lưu ý, khi xây dựng chiến lược xuất khẩu cần có kế hoạch chủ động phòng ngừa và xử lý khi vụ việc xảy ra. Vì thế, phải nâng cao nhận thức về nguy cơ khiếu kiện tại các thị trường xuất khẩu và cơ chế vận hành của từng loại tranh chấp, nhóm thị trường và loại mặt hàng thường bị kiện.
Ngoài ra, các doanh nghiệp chú trọng hơn nữa việc tăng cường khai thác thị trường nội địa. Không những thế, cần liên kết với các doanh nghiệp có cùng mặt hàng xuất khẩu để có chương trình, kế hoạch đối phó đối với các vụ kiện xảy ra. Đồng thời, sử dụng chuyên gia tư vấn và luật sư trong những tình huống cần thiết; giữ liên hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp…
Uyên Hương
VIETNAM+
|