Thứ Bảy, 22/09/2018 11:32

Cùng Thái Lan, người Nhật đã mua những gì tại Việt Nam?

Bên cạnh những doanh nghiệp lớn dưới sự hậu thuẫn của tỷ phú Thái Lan, người Nhật cũng đang rót hàng tỷ USD vào các doanh nghiệp của Việt Nam trong nhóm tài chính và sản xuất.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính trong 8 tháng, Nhật Bản đang là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với giá trị trên 7 tỷ USD, chiếm hơn 29% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Trong khi đó, năm 2017, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã chỉ ra Việt Nam chính là thị trường mang lại lợi nhuận lớn nhất cho doanh nghiệp Nhật. Điều này lý giải một phần sự hiện diện của rất nhiều doanh nghiệp “ông lớn” Nhật Bản đang rót vốn vào các doanh nghiệp Việt.

Cổ đông ngoại lớn nhất tại 3 ngân hàng Việt

Vượt các nhà đầu tư từ quốc gia khác, Nhật Bản là quốc gia có nhiều tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực tài chính ở Việt Nam nhất. Rất nhiều ngân hàng của Nhật cũng như công ty tài chính nước này đang là cổ đông lớn, đối tác chiến lược tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng Việt.

Đáng kể nhất chính là sự hiện diện của Mizuho Bank, đối tác sở hữu tới 15% vốn tại Vietcombank. Mizuho hiện là một trong ba tập đoàn tài chính lớn nhất tại Nhật Bản, và nằm trong top 20 tập đoàn tài chính toàn cầu. Tập đoàn này chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Vietcombank từ cuối năm 2011. Theo đánh giá của giới đầu tư, đây được xem là thương vụ đầu tư hiệu quả nhất của doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Hiện, khoản đầu tư này có giá trị thị trường lên tới gần 35.000 tỷ đồng.

Một ngân hàng lớn khác của Nhật là The Bank Of Tokyo – Mitsubishi UFJ cũng đang nắm tới gần 20% vốn tại Vietinbank, và là cổ đông ngoại lớn nhất của nhà băng này. Vào giai đoạn 2012 trở về trước, đây chính là thương vụ kỷ lục trong ngành tài chính Việt khi giá trị đầu tư lên tới 743 triệu USD. Ước tính Tokyo Mitsubishi UFJ đã phải bỏ ra mức giá trên 28.000 đồng cho mỗi cổ phần của Vietinbank.

Mitsubishi UFJ hiện là nhà cho vay lớn nhất của Nhật Bản, trong đó Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ là một trong những bộ phận lớn nhất.

Từ trước khi thương vụ của Mizuho Bank và The Bank Of Tokyo – Mitsubishi UFJ diễn ra, ngành ngân hàng Việt đã có sự hiện diện của đối tác Nhật từ năm 2007 với thương vụ của Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group. Theo đó, tập đoàn tài chính này đã chi ra tổng cộng 225 triệu USD khi đó để sở hữu 15% vốn của Eximbank, qua đó, trở thành cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này cho đến nay.

Không chỉ ngành ngân hàng, nhiều tập đoàn tài chính của Nhật Bản cũng đang là đối tác chiến lược của các công ty tài chính Việt. Như Credit Saison sở hữu 49% vốn tại Công ty tài chính của ngân hàng HDBank và đổi tên thành HD Saison. Cuối năm 2016, Shinsei Bank cũng đã mua lại 49% vốn cổ phần tại MCredit, là công ty tài chính tiêu dùng do MBBank sở hữu 100% vốn sau khi tái cơ cấu từ Công ty tài chính cổ phần Sông Đà.

"Khẩu vị" đầu tư của người Nhật

Một đặc điểm đầu tư của người Nhật tại thị trường Việt là luôn giữ lại thương hiệu trên quê hương nó được sinh ra. Dù nắm quyền chi phối, các doanh nghiệp Nhật chỉ đưa con người và tiêu chuẩn sản xuất, bán hàng của mình vào để cải thiện chất lượng sản phẩm.

"Khẩu vị" của người Nhật tại thị trường Việt cũng chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất như giấy, nhựa, nông nghiệp hay hàng tiêu dùng…

Người Nhật chủ yếu đầu tư tập trung vào lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp tại Việt Nam.

Mới đây nhất, Tập đoàn Sojitz đã chi ra hơn 800 tỷ đồng để nhận phát hành 14,8 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN), tương đương hơn 11% vốn tập đoàn nông nghiệp này.

Hồi tháng 6 trước đó, chính Sojitz cũng đã chi hơn 91,2 tỷ USD để mua lại 95,24% vốn của Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn (Saigon Paper). Đây là chính là doanh nghiệp sản xuất khăn giấy lớn nhất Việt Nam hiện nay, với doanh thu hàng năm đạt trên 100 triệu USD.

Trước đó, người Nhật đã hiện diện tại Saigon Paper với hơn 42% sở hữu thuộc Tập đoàn Daio Paper và Quỹ đầu tư BridgeHead cùng của Nhật Bản. Tuy nhiên, cuối năm 2013, sau khi 2 cổ đông này bất ngờ muốn thoái vốn ông Mai Hữu Tín đã tham gia giải cứu Saigon Paper trước khi công ty này được Sojitz mua lại hơn 90% vốn cổ phần gần đây.

Trong ngành giấy, nhiều nhà sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam đều có sự hiện diện hoặc thuộc sở hữu của người Nhật như Vina Kraft là liên doanh giữa Tập đoàn SCG của Thái và Rengo của Nhật. JP Corelex đối thủ chính của Saigon Paper trong ngành giấy tiêu dùng cũng là doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản...

Trước đó, Công ty cổ phần Diana do anh em nhà đại gia Đỗ Minh Phú, hiện là Chủ tịch HĐQT TPBank và ông Đỗ Anh Tú cũng đã bán lại 95% cổ phần cho Tập đoàn Unicharm của Nhật với giá 184 triệu USD. Sau khi thâu tóm doanh nghiệp này, Unicharm vẫn giữ nguyên những giá trị cốt lõi cùng thương hiệu mà các nhà sáng lập đã xây dựng. Tập đoàn này chỉ tăng thêm tiêu chuẩn chất lượng theo quy chuẩn, đồng thời đẩy mạnh đầu tư cho quy trình sản xuất, nghiên cứu và phát triển.

Đầu tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Takara Belmont của Nhật đã công bố sáp nhập Công ty cổ phần Ngữ Á Châu, doanh nghiệp có tên tuổi trong lĩnh vực mỹ phẩm hóa chất ngành tóc Việt Nam. Lãnh đạo Takara Belmont cho biết sẽ giữ lại thương hiệu Ngữ Á Châu và áp dụng thêm ứng dụng công nghệ của Nhật Bản để tăng chất lượng sản phẩm.

Trong ngành dược, Tập đoàn Taisho đang nắm giữ khoảng 32% vốn tại Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG). Sự có mặt của Taisho sẽ mang lại lợi thế kinh doanh rất lớn cho Dược Hậu Giang khi tập đoàn này đang chuyển giao công nghệ cũng như gia tăng xuất khẩu và cải thiện quản trị chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, người Nhật còn đang sở hữu vốn tại hàng loạt doanh nghiệp sản xuất khác của Việt Nam như Tập đoàn hóa chất Sekisui nắm 15% vốn Nhựa thiếu niên Tiền phong (NTP) và 25,3% vốn tại Nhựa thiếu niên Tiền phong phía Nam; Hãng phân phối gas lớn nhất Nhật Bản - Tokyo Gas sở hữu 25% Công ty Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam; Công ty sản xuất truyền thông AOI Tyo Holdings nắm 36% vốn của Công ty cổ phần Đầu tư VF...

Quang Thắng

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Hàng loạt thủ tục kiểm tra chuyên ngành về môi trường sẽ được bãi bỏ (22/09/2018)

>   Trung Nguyên lại bãi nhiệm Phó tổng giám đốc Lê Hoàng Diệp Thảo (22/09/2018)

>   'Hô biến' của công thành của 'ông': Đất vàng bị thâu tóm (22/09/2018)

>   Bùng nổ mô hình cho vay trực tuyến không qua ngân hàng (22/09/2018)

>   Bộ Y tế đề xuất cấm bán rượu bia trên mạng Internet (22/09/2018)

>   Chủ tịch Vivaso: 'Tôi rút cổ phần ở Hãng phim rồi về hưu cho đỡ mệt' (22/09/2018)

>   NXBGDVN lỗ mỗi năm gần 40 tỷ vì sách giáo khoa (21/09/2018)

>   Phó Thủ tướng: Tập trung gỡ vướng pháp lý của các dự án yếu kém (21/09/2018)

>   Đề nghị EU sớm gỡ 'thẻ vàng' cho thủy sản Việt Nam (21/09/2018)

>   Nhiều dự án yếu kém của ngành công thương đã có sức sống (21/09/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật