Dịch vụ
Cứ tưởng Nokia đã chết!
Nokia từng có lịch sử hào hùng khi làm ra những chiếc điện thoại bền bỉ, giao diện thân thiện, phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng. Sau đó, vì “ngại” thay đổi theo hướng smartphone tích hợp màn hình cảm ứng để rồi thương hiệu bị sụp đổ.
Tuy nhiên, kể từ khi được tiếp quản bởi HMD Global (Công ty do cựu nhân viên Nokia lập ra), Nokia đang cho thấy sự trở lại mạnh mẽ ở cả mạng điện thoại thông minh lẫn điện thoại cơ bản.
Một thời hoàng kim của Nokia
Cái tên Nokia được khai sinh bởi Fredrik Idestam vào năm 1871 và phải tới tận năm 1967 thì tập đoàn Nokia (Nokia Corporation) mới ra đời sau sự sáp nhập của 3 công ty con là Nokia Company (Nokia Aktiebolag), Finnish Rubber Works Ltd (Suomen Gummitehdas Oy) và Finnish Cable Works Ltd (Suomen Kaapelitehdas Oy) từ năm 1922. Từ khi thành lập, Nokia đã thay đổi bản thân rất nhiều lần trong lịch sử phát triển kéo dài 150 năm. Từ một nhà máy sản xuất giấy được thành lập năm 1865, Nokia đã phát triển sang rất nhiều lĩnh vực khác nhau và trở thành tập đoàn đa quốc gia. Hai mươi năm sau, chiếc điện thoại Nokia đúng nghĩa đầu tiên ra đời mang tên Mobira Cityman 900. Nokia cũng là một trong những thành viên chủ chốt phát triển công nghệ GSM - công nghệ mà cho đến nay vẫn phổ biến trên toàn thế giới.
Năm 2007, Nokia là doanh nghiệp thống trị thị trường di động với 40% thị phần trên toàn thế giới vào những công nghệ độc quyền và khả năng mở rộng quy mô nhanh chóng. Với phân khúc trải dài từ dòng thấp cấp cơ bản như chiếc 1208 cho đến những dòng điện thoại thông minh, đẳng cấp như N95, thì Nokia đã đáp ứng hầu hết đối tượng người dùng. Tại các trung tâm thương mại lớn ở Việt Nam như Nguyễn Kim, Thế giới Di động… quầy Nokia lúc nào cũng đông khách. Tuy nhiên, sự xuất hiện của iPhone đánh dấu kỷ nguyên smartphone đã lấy đi của Nokia tất cả. Chỉ sau 5 năm tới năm 2012, Nokia rơi vào khủng hoảng trầm trọng khi giá trị thị trường của hãng giảm tới 96%. Và đến ngày 25/04/2014, thương vụ thâu tóm bộ phận di động của Nokia được Microsoft công bố chính thức hoàn thành. Nokia chính thức trở thành “người nhà” của Microsoft và đánh dấu sự chấm hết của một thế lực trên thị trường di động. Tuy nhiên, “mối lương duyên” của Nokia và Microsoft chỉ kéo dài vỏn vẹn 2 năm và kết thúc vào tháng 06/2016.
Nokia đặt dấu ấn cho sự hồi sinh trở lại
Năm 2017, HDM Global đã chính thức đưa thương hiệu smartphone Nokia trở lại thị trường. Dù đã không còn những hào quang như thời điểm cực thịnh, song thương hiệu Nokia vẫn cho thấy sức mạnh với người dùng.
Theo báo cáo của GfK, tính đến tháng 04/2018, thị phần smartphone của Nokia đứng thứ 5 thị trường (sau Samsung, Apple, Oppo, Mi) chiếm hơn 3% thị phần về giá trị và đứng thứ 4 thị trường (sau Samsung, Apple, Oppo) chiếm gần 5% thị phần về số lượng.
Thị phần Smartphone của Nokia tính đến tháng 4/2018 (Theo Gfk).
|
Nếu tính về số lượng người dùng mới (tính theo doanh số cả smartphone và điện thoại cơ bản), trong 7 tháng đầu năm 2018, Nokia đứng số 1 với hơn 25% thị phần, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó có nghĩa là, cứ 100 chiếc điện thoại được bán ra thì có 25 chiếc là của Nokia. Trong vòng một năm qua, tỷ lệ số lượng điện thoại cơ bản được bán ra luôn luôn chiếm trên 60% tổng số điện thoại về số lượng.
Tính cả smartphone và điện thoại cơ bản.
|
Với sự trở lại của Nokia, khi mà thế giới công nghệ đang xoay như chong chóng với các smartphone hiện đại được ra mắt liên tục thì vẫn còn nhiều người sống trong hoài niệm và quá khứ, khi những chiếc điện thoại cơ bản của Nokia đã gắn bó với họ cả một thời gian dài. Bên cạnh đó, giới trẻ có xu hướng sử dụng một chiếc smartphone cho việc giải trí cũng muốn có một cục gạch để dự phòng bên mình. Nắm bắt được nhu cầu này, HMD Global đã có chiến lược thông minh, đó là hồi sinh những dòng điện thoại cơ bản nổi tiếng khi xưa, khoác lên nó những tính năng mới và kiểu dáng màu sắc trẻ trung hơn.
Đồng thời, với mục tiêu tạo đà và gia tăng tầm ảnh hưởng của thương hiệu Nokia, HMD Global đang làm việc với các đối tác và nhà cung cấp để làm mới hình ảnh thương hiệu Nokia tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Chính vì vậy, để lựa chọn đối tác đầy đủ năng lực tham gia thị trường, HMD Global phải nhắm đến những đối tác đã đủ lớn mạnh để tạo ra một “xa lộ” rộng hơn và dài hơn để “hồi sinh” thương hiệu. Và khi lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam với điện thoại Nokia vẫn còn và Nokia ngày càng hoàn thiện về chức năng, về chất lượng, do kế thừa kinh nghiệm sản xuất dày dặn nhiều năm qua, HMD Global tin rằng công ty không quá khó khăn trong việc “tái sinh” lại thị trường Nokia tại Việt Nam.
Kiều Ngân
FILI
|