Dịch vụ
Có gì ở FCM khiến Phan Vũ phải “xuống tiền”đầu tư?
Là một trong những nhà máy sản xuất cọc bê tông ly tâm dự ứng lực lớn nhất miền Bắc với mức tăng trưởng trên 15% mỗi năm là điểm mạnh khiến Phan Vũ không thể không “muốn” ở Khoáng sản FECON (HOSE: FCM).
Nhà máy tiêu chuẩn Nhật, tăng trưởng 15% mỗi năm
ĐHĐCĐ bất thường của FCM vừa thông qua việc CTCP Đầu tư Phan Vũ trở thành cổ đông chiến lược, nắm giữ 51% cổ phần, đồng nghĩa 2 doanh nghiệp cung cấp cọc bê tông hàng đầu Việt Nam sẽ về cùng “một nhà”. Việc mua lại cổ phần chi phối tại FCM sẽ giúp Phan Vũ vươn “cánh tay” ra thị trường miền Bắc, rút ngắn được thời gian đầu tư mới, ngược lại cũng giúp FCM phát huy hết thế mạnh ở vùng nguyên liệu rẻ nhất Việt Nam để nâng cao năng suất, cùng Phan Vũ chiếm lĩnh thị trường cọc phía Nam và thị trường nước ngoài.
Cọc bê tông dự ứng lực là sản phẩm không thể thiếu trong hạng mục nền, móng của phần lớn các công trình là khu công nghiệp, nhà máy, kho, xưởng, cảng biển… Đặc biệt, các nhà máy lớn như nhà máy luyện thép, nhà máy Lọc hoá dầu đang sử dụng rất nhiều cọc bê tông ly tâm dự ứng lực làm cọc móng. Ngoài ra, cọc ly tâm đường kính lớn với công nghệ khoan thả cọc đang dần thay thế cọc khoan nhồi để xây dựng các khu đô thị bởi thế mạnh vượt trội về kiểm soát chất lượng và giá so với cọc khoan nhồi.
FCM là một trong những doanh nghiệp sớm nghiên cứu và đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất cọc bê tông ly tâm dự ứng lực có đường kính lớn nhất miền Bắc theo tiêu chuẩn Nhật Bản, chuyên cung cấp cho các công trình lớn. Cùng với Phan Vũ, Minh Đức, Kiến Hoa, FCM là một trong những ‘ông lớn’ sản xuất và cung cấp cọc bê tông dự ứng lực tại Việt Nam và là đơn vị duy nhất trong lĩnh vực này đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Xét riêng thị trường miền Bắc, FCM là đơn vị sở hữu nhà máy sản xuất cọc bê tông lớn nhất với công suất 9,000 m/ngày. Ngoài một nhà máy với 2 dây chuyền sản xuất tại Hà Nam, FCM còn là công ty mẹ của FECON Nghi Sơn, Thanh Hóa.
Thời gian qua, sản phẩm của doanh nghiệp này đã có mặt ở nhiều dự án khắp các tỉnh miền Bắc và miền Trung như: Dự án nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), dự án Vinfast (Hải Phòng), dự án tòa nhà trụ sở Viettel (Hà Nội) dự án Nhà máy LG Display Hải Phòng, sự án Casino Nam Hội An (Quảng Nam)…
Trong khi đó, Phan Vũ - doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực cọc, đang “khao khát” mở rộng và đầu tư ra thị trường miền Bắc. Hai mươi năm kể từ khi thành lập, Phan Vũ mở văn phòng đại diện đầu tiên ở miền Bắc vào năm 2015 nhằm tiếp thị và mở rộng thị trường sản phẩm cọc và công nghệ thi công mới. Hiện nay, các nhà máy của Phan Vũ chủ yếu đặt tại miền Trung và phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Quảng Bình, Hải Dương… Theo kế hoạch phát triển từ năm 2018 - 2020, Phan Vũ dự định mỗi 2 năm sẽ xây dựng hoặc đầu tư một nhà máy mới. Vì vậy, với việc đầu tư vào FCM, Phan Vũ sẽ nhanh chóng mở rộng thị trường phía Bắc, gần như ngay lập tức sở hữu được nhà máy cọc chất lượng cao, đủ điều kiện hòa nhập vào hệ thống Nhà máy cọc Phan Vũ về mọi mặt.
Chờ đợi bước tiến xa của FCM
Theo báo cáo triển vọng ngành xây dựng của CTCK BIDV, thị trường xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ vốn FDI tiếp tục tăng. Theo dự báo của BMI, ngành xây dựng sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng thực trong năm 2018 đạt 9.63% và đạt mức bình quân khoảng 7.8% trong giai đoạn 2018-2021. Các công trình, hạ tầng sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng, do đó các doanh nghiệp trong ngành còn nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển, bao gồm các đơn vị cung cấp sản phẩm cọc bê tông như FCM và Phan Vũ.
Sau khi cả hai bên cùng hợp tác, ông Hà Thế Phương, Chủ tịch HĐQT của FCM, cho biết công ty sẽ được tiếp cận về công nghệ, nguồn vốn vay từ ngân hàng nước ngoài với lãi suất thấp, quản trị tài chính, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, để mở rộng thị trường và dành thị phần từ các đối thủ. Đặc biệt, Phan Vũ hiện đang sở hữu công nghệ sản xuất, thi công cọc ly tâm ứng xuất trước được chuyển giao từ Japan Pile - Tập đoàn cọc bê tông ly tâm lớn nhất Nhật Bản. Điều này giúp FCM có thể có thêm những sản phẩm mới, theo kịp thời đại.
Ông Phương chia sẻ hợp tác với Phan Vũ, FECON sẽ tái cấu trúc lại nguồn vốn để cùng Phan Vũ đầu tư thêm một dây chuyền cọc có đường kính lớn (D700 – D1200), mở rộng nhà máy FECON Nghi Sơn (công ty con của FCM).
FECON Nghi Sơn có thế mạnh với nguồn nhiên liệu giá rẻ và vị trí thuận lợi trong việc vận tải đường biển đi đến các công trình dọc đất nước cũng như xuất khẩu ra các nước trong khu vực.
Trong thời gian tới, khi dây chuyền mới đi vào hoạt động, FCM đặt mục tiêu doanh thu lên tới 1,500 tỷ đồng/năm.
Giai đoạn 2012-2017, FCM ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu bình quân 15%/năm. Nửa đầu năm 2018, công ty mang về doanh thu thuần 462 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 66% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế chưa hợp nhất cũng vượt kế hoạch, đạt 28 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6, FCM có tổng tài sản 967 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 42 tỷ đồng. Ban lãnh đạo kỳ vọng công ty sẽ hoàn thành được kế hoạch doanh thu 700 tỷ đồng và lãi ròng 34 tỷ đồng trong năm nay.
Phan Vũ là doanh nghiệp do Tập đoàn Japan Piles của Nhật Bản sở hữu cổ phần chi phối, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thi công cấu kiện bê tông đúc sẵn với sản phẩm cốt lõi và chủ lực là cọc tròn bê tông ly tâm ứng suất trước với 6 nhà máy trải dài trên cả nước. Các thị trường trọng điểm là Việt Nam, Campuchia, Myanma, Sri Lanka… Doanh thu hàng năm của Phan Vũ khoảng 2,000 tỷ đồng. Năm 2018, công ty đặt mục tiêu đạt 2,500 tỷ đồng doanh thu.
|
FILI
|