Chứng khoán châu Á nối dài đà tăng
Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á đều tăng điểm vào buổi sáng ngày thứ Năm (20/09), nối tiếp đà leo dốc trên Phố Wall đêm qua.
Tính tới lúc 9h25 ngày thứ Năm (20/09 – giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cộng 67.49 điểm (tương ứng 0.29%), trong đó lĩnh vực bảo hiểm tăng 1.36%.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi cộng 16.06 điểm (tương ứng 0.7%) nhờ đà tăng 0.98% của ông lớn Samsung Electronics.
Trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tiến 9.66 điểm (tương ứng 0.35%). Còn chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 204.88 điểm (tương ứng 0.75%).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 9h25 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Đi ngược lại với xu hướng chung của thị trường là chỉ số ASX 200 của Australia với mức giảm 21.3 điểm (tương ứng 0.34%), khi phần lớn cổ phiếu ngân hàng đều suy giảm.
Đêm qua, Dow Jones và S&P 500 tăng điểm, trong đó Dow Jones đóng cửa tại mức cao nhất kể từ cuối tháng 1/2018 khi đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ đã hỗ trợ lĩnh vực tài chính cùng với lo ngại về thương mại dịu bớt.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones tiến 158.8 điểm (tương đương 0.61%) lên 26,405.76 điểm, chỉ số S&P 500 cộng 3.64 điểm (tương đương 0.13%) lên 2,907.95 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite mất 6.07 điểm (tương đương 0.08%) còn 7,950.04 điểm.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trong ngày thứ Tư (19/09), Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường, cho hay, các nhà hoạch định chính sách hiện đang đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn trong nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế, và sẽ thực hiện các nỗ lực lớn hơn để ưu tiên cho hoạt động tuyển dụng. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng đang tìm cách để giảm thêm thuế và phí, trong khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vẫn còn giữ vững lập trường chính sách tiền tệ “thận trọng”.
Ông Lý Khắc Cường vẫn giữ vững quan điểm cho rằng, Trung Quốc vẫn đang thoải mái với tình hình kinh tế hiện nay, cho rằng Bắc Kinh đã chuẩn bị đủ công cụ để đối phó với các rủi ro và thách thức, đồng thời nói thêm những công cụ chính sách sẽ giúp Trung Quốc đứng vững trước hàng loạt khó khăn và thách thức.
Cùng ngày hôm đó, Jack Ma, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của ông lớn thương mại điện tử Trung Quốc – Alibaba, cho biết, Công ty không còn có kế hoạch tạo 1 triệu việc làm ở nước Mỹ trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang.
Lúc đầu, ông Ma đã đưa ra lời hứa tạo việc làm ở Mỹ trong suốt cuộc họp cấp cao với Donald Trump hồi tháng 1/2017, trước cả lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Trump.
“Lời hứa trên được đưa ra dựa trên tiền đề là mối quan hệ đối tá thân thiện giữa Mỹ và Trung Quốc và các mối quan hệ thương mại hợp lý”, ông Ma nói với tờ Xinhua trong ngày thứ Tư (19/09). “Tiền đề ấy đã không còn tồn tại tại thời điểm này, vì vậy lời hứa của chúng tôi không thể nào thực hiện được”.
Trước đó, trong ngày thứ Hai (17/09), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ áp thêm thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và mức thuế này sẽ tăng lên 25% vào cuối năm 2018. Hàng rào thuế quan này dự kiến có hiệu lực từ ngày 24/09/2018.
Sau giai đoạn bình luận công khai và đánh giá lại, Nhà Trắng đã loại bỏ khoảng 300 hàng hóa ra khỏi danh sách đề xuất trước đó về các sản phẩm bị áp thuế, bao gồm đồng hồ thông minh, một số hóa chất và các sản phẩm khác, như mũ bảo hiểm, xe đạp và ghế cao.
“Trung Quốc bị giới hạn trong phạm vi đáp trả lại Mỹ kể từ lúc này khi chỉ còn 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu để nhắm tới, nhưng cho tới nay, Trung Quốc vẫn chưa đe dọa áp thuế lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ”, Jo Masters từ ANZ Research cho biết trong báo cáo buổi sáng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|